Nhiều công việc hơn, ít nhân lực hơn, lương cao hơn do tình trạng thiếu hụt nhân tài ở khu vực Đông Nam Á.
“Biến động mạnh mẽ” là bốn từ mô tả chính xác nhất bức tranh thị trường thị trường lao động Đông Nam Á trong năm nay. Dữ liệu tiền lương mới nhất từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025 cho thấy những tín hiệu tích cực, không chỉ lương tăng mà dòng vốn đầu tư và sức cạnh tranh cũng tăng.
Một nghiên cứu gần đây của Aon cho thấy quỹ lương tại các quốc gia Đông Nam Á tiếp tục tăng trong năm 2025, tuy tốc độ có sự khác biệt giữa các quốc gia. Chẳng hạn Việt Nam dự kiến dẫn đầu khu vực với mức tăng trung bình 6,7% trong năm 2025, tiếp đến là Indonesia (6,3%) và Philippines (5,8%). Trong khi đó Singapore chỉ tăng nhẹ 4,4%, bởi vì lương cơ bản ở đảo quốc sư tử vốn dĩ đã cao và thị trường lao động ngày càng cạnh tranh.
Đối với các doanh nghiệp, những con số này không chỉ phản ánh thực tế rằng chi phí lao động đang tăng, mà còn đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp cần cạnh tranh gay gắt nếu muốn thu hút nhân tài.
Quỹ lương tăng mạnh nhất trong các ngành công nghệ và sản xuất, với mức tăng trung bình từ 5,7% đến 5,8%. Đây là kết quả từ làn sóng đầu tư vào các công nghệ sản xuất tiên tiến, trí tuệ nhân tạo AI, công nghệ tài chính (fintech) và công nghệ xanh.
Trong khi đó, ngành hàng tiêu dùng và dịch vụ tài chính ghi nhận mức lương tăng trưởng khá tốt, vượt mốc 4,9%. Còn các ngành năng lượng và giao thông vận tải lại có lương tăng chậm hơn, dao động từ 4,1% đến 4,5%.
Quỹ lương tăng mạnh này là kết quả từ một xu hướng đáng lo ngại của các doanh nghiệp: tỷ lệ nghỉ việc cao. Cụ thể hơn, Đông Nam Á đang ghi nhận tình trạng nhảy việc gia tăng. Các thống kê cho thấy tỷ lệ nghỉ việc ở Indonesia và Philippines lần lượt là 20,8% và 19,1%. Singapore, mặc dù thị trường việc làm đang ổn định, cũng có tỷ lệ nhảy việc lên đến 16,7%.
Người lao động nhảy việc không phải chỉ vì bên ngoài có nhiều cơ hội đang chờ đón họ, mà còn vì họ có những biến chuyển trong kỳ vọng về việc làm. Họ không còn chấp nhận mức lương tăng nhỏ giọt hoặc các điều kiện làm việc cứng nhắc, ngặt nghèo, mà họ hướng đến công việc có ý nghĩa, lộ trình phát triển rõ ràng nhưng vẫn đảm bảo sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Các yếu tố khiến lương tăng
Đó là nhu cầu tăng, không đủ người và làm việc xuyên biên giới. Một trong những nguyên nhân chính khiến lương tăng là do thiếu hụt lao động có kỹ năng. Các lĩnh vực như AI, an ninh mạng, tối ưu chuỗi cung ứng và phát triển sản phẩm số đang có nhu cầu cao và chi phí tuyển dụng đắt đỏ. Theo dữ liệu từ Insurance Business Asia, tại một số quốc gia trong khu vực, nhu cầu tuyển dụng nhân sự mảng AI và an ninh mạng tăng từ 100 đến 160%.
Tình trạng thiếu hụt này đang buộc doanh nghiệp phải xem xét lại chiến lược về lương thưởng, đãi ngộ. Họ cần tuyển dụng linh hoạt, xây dựng các chương trình tái đào tạo nội bộ, hỗ trợ phát triển nghề nghiệp và mở các học viện số để tự phát triển nhân tài.
Nhu cầu nhân lực tăng và lương tăng cho thấy Đông Nam Á đang đón nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào AI và an ninh mạng
Một xu hướng quan trọng khác đang thay đổi bức tranh lương thưởng là tuyển dụng xuyên biên giới và làm việc từ xa. Khi xu hướng làm việc này ngày càng phổ biến, các doanh nghiệp ở Singapore, Malaysia và Thái Lan không ngần ngại tuyển dụng nhân sự từ các quốc gia khác trong khu vực để có thể giảm thiểu chi phí lương thưởng.
Tuy nhiên cũng chính điều này làm mờ đi ranh giới về công việc và mức lương tiêu chuẩn. Ở đó, người lao động có nhiều lựa chọn nghề nghiệp hơn, không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia. Và khi người lao động đã có nhiều lựa chọn, doanh nghiệp lại tiếp tục cần những chính sách đãi ngộ tốt hơn nếu muốn thu hút và giữ chân nhân tài.
Tình hình của Việt Nam
Việt Nam không chỉ dẫn đầu về mức tăng lương mà còn là nguồn lực thúc đẩy phía sau. Các ông lớn công nghệ như Nvidia, Samsung, Intel đang mở rộng hoạt động tại Việt Nam, khiến nhu cầu về kỹ sư, nhà khoa học dữ liệu, quản lý dự án tăng vọt.
Dự báo mức tăng lương trong ngành công nghệ tại Việt Nam có thể chạm ngưỡng 7,5% trong năm 2025. Các doanh nghiệp nội địa như FPT và VinBrain cũng góp phần biến Việt Nam thành trung tâm R&D mới nổi. Sự vươn lên của Việt Nam không chỉ dựa vào dòng vốn FDI, mà còn nhờ vào các yếu tố bên trong như dân số trẻ, tốc độ chuyển đổi số cao và hợp tác công - tư chặt chẽ.
Thị trường lao động Đông Nam Á đang trở nên năng động hơn, cạnh tranh hơn và đòi hỏi cao hơn bao giờ hết. Vậy nên chỉ tăng lương là chưa đủ. Thay vào đó, doanh nghiệp cần hành động nhanh và cởi mở hơn, thiết kế chính sách đãi ngộ thông minh hơn, đầu tư vào đào tạo liên tục và xây dựng văn hóa làm việc ý nghĩa nếu muốn thu hút và giữ chân nhân tài hàng đầu.