Thị trường lao động nhiều năm tồn tại nghịch lý “thừa thầy thiếu thợ” nhưng khi AI và robotics phát triển, tình trạng ngược lại diễn ra: “thừa thợ thiếu thầy”.
Ông Nguyễn Đức Minh, Phó hiệu trưởng trường Điện - điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội) đã đưa ra nhận định như vậy dưới góc nhìn của người thầy - cung cấp nguồn nhân lực và người điều hành dự án - sử dụng nguồn nhân lực.
AI và robot đang phát triển rất nhanh, được đưa vào sử dụng ngày càng phổ biến trong nhà máy, doanh nghiệp sản xuất. Nhiều người lo lắng công nhân sẽ mất việc.
Phó hiệu trưởng trường Điện - điện tử Nguyễn Đức Minh cho rằng, ít nhiều AI tác động đến việc làm của lao động phổ thông, công nhân. Tuy vậy, tình trạng ngược lại cũng đáng lo ngại hơn khi mà thiếu thầy đang xảy ra.
Thiếu thầy, theo ông Nguyễn Đức Minh chính là thiếu đội ngũ kỹ sư có kinh nghiệm, có năng lực xử lý, phân tích, kết nối dữ liệu để phối hợp đưa ra quyết định liên quan đến quản trị nguồn cung ứng, xử lý dây chuyền sản xuất, dự đoán sản xuất… trong doanh nghiệp.
Những kỹ sư cần có nhất là tư duy AI-aware, tức là biết sử dụng công cụ AI để phân tích, trực quan hóa dữ liệu, từ đó đưa ra quyết định phù hợp với vận hành thực tế.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Đức Minh thông tin: tại trường Điện - điện tử, các học phần AI đã được đưa vào giảng dạy ở các ngành điện, điện tử, tự động hóa. Mỗi năm, có khoảng 1.500 sinh viên của trường tốt nghiệp và tham gia thị trường lao động.
Theo thống kê, 60 - 70% sinh viên trong số đó có khả năng sử dụng công cụ AI để phân tích dữ liệu kỹ thuật, nhất là dữ liệu liên quan đến sản xuất, đến cung cấp hành vi kỹ thuật. Đặc biệt, 20% sinh viên làm việc trực tiếp trong các dự án trí tuệ nhân tạo cho sản xuất, trong công nghệ thông tin.
Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, Phó hiệu trưởng trường Điện - điện tử nhấn mạnh đến giải pháp quan trọng được trường thực hiện là kết nối, phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để sinh viên được tham gia giải quyết bài toán thực tiễn của doanh nghiệp ngay từ khi đang học năm thứ 3. Cách thức phối hợp được thực hiện theo đặt hàng của doanh nghiệp hoặc sinh viên tiếp cận thông qua các bài toán thực tế trong cuộc thi công nghệ do doanh nghiệp tổ chức.
Với việc được tham gia vào các dự án thật của doanh nghiệp dưới sự đồng hành, hướng dẫn cùng giảng viên, sinh viên được tích luỹ kinh nghiệm từ sớm; trong đó, có một số dự án thành công. Chẳng hạn, sau khi chiến thắng trong cuộc thi do công ty Denso tổ chức, nhóm nghiên cứu của trường đã được công ty ký hợp đồng triển khai giải pháp. Hiện, giải pháp này được xem xét, cân nhắc nhân rộng ra toàn bộ nhà máy của doanh nghiệp tại Nhật.
Từ sự hợp tác với nhiều doanh nghiệp khác ngoài Denso, Phó hiệu trưởng trường Điện - điện tử Nguyễn Đức Minh cho rằng, với sự phát triển mạnh mẽ, công nghệ AI đã bước vào giai đoạn được sử dụng rộng rãi. Các nền tảng mã nguồn mở, mô hình miễn phí, dịch vụ tính toán theo nhu cầu và hỗ trợ từ các tập đoàn lớn đang tạo cơ hội lớn cho sinh viên, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội, điều kiện quan trọng nhất là ba bên trong mối quan hệ đó, gồm: nhà trường, doanh nghiệp và nhà nước cần xác lập quan hệ bền vững, thực chất, cùng có lợi trên cơ sở minh bạch. Doanh nghiệp cần minh bạch nhu cầu nhân lực. Nhà trường cần minh bạch kế hoạch đào tạo. Nhà nước cần minh bạch chính sách hỗ trợ.
Phó hiệu trưởng trường Điện - điện tử Nguyễn Đức Minh nhấn mạnh thêm: đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng mà Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã đề ra và đang được thể chế hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp.