Kinh tế tuần hoàn là tương lai của doanh nghiệp
Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD nhấn mạnh: Tương lai của nền kinh tế Việt Nam chính là kinh tế tuần hoàn.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, năm 2021 dịch bệnh COVID- 19 vẫn diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, để vượt qua được đòi hỏi doanh nghiệp phải có sức chống chọi bền bỉ. Tuy nhiều thách thức, nhưng đây cũng chính là cơ hội hành động quyết liệt hơn để hướng tới phát triển bền vững.
- Kết qủa khảo sát độc lập do VCCI triển khai năm 2019 cho thấy, 60% doanh nghiệp thực hiện Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) tin rằng họ đang làm tốt hơn đối thủ cạnh tranh, trong đó chỉ có 27% doanh nghiệp trong nhóm đối chứng (không áp dụng chỉ số này) tự tin vào điều đó. Xin ông cho biết, năm 2021 VBCSD có giải pháp gì để triển khai áp dụng CSI sâu, rộng trong cộng đồng doanh nghiệp?
Thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực phục hồi, chống chọi, năng lực cạnh tranh để hội nhập tốt hơn là một trong những mục tiêu hàng đầu của VBCSD. Hiện nay chúng tôi, tiếp tục cập nhật, điều chỉnh bộ chỉ số CSI để đưa bộ chỉ số này gần hơn tới các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
VBCSD cải tiến để bộ chỉ số đơn giản, dễ áp dụng, tích hợp các thay đổi trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Luật Lao động 2019. Chúng tôi sẽ hoàn thiện trong tháng 4/2021 để tháng 5 có thể triển khai mời các doanh nghiệp tham gia Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2021.
- Để thúc đẩy thực thi phát triển bền vững cần xây dựng các mô hình xuất sắc về phát triển bền vững doanh nghiệp, thí điểm các mô hình để lan toả và nhân rộng, thưa ông?
Trong những năm gần đây, Hội đồng đã phối hợp với các hội viên, các cơ quan bộ, ngành, các tổ chức trong nước và quốc tế tiến hành triển khai một số dự án về kinh tế tuần hoàn như: sáng kiến Không xả thải ra thiên nhiên (Zero Waste to Nature); Thị trường nguyên vật liệu thứ cấp tại Việt Nam.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ, nguyên lý về kinh tế tuần hoàn tiếp tục phải được các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp thẩm thấu và áp dụng vào mô hình kinh doanh của họ. Qua đó, mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế Việt Nam. Cần nhiều sự sáng tạo của các doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn cần được lan toả. Cần có những kiến nghị thúc đẩy với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chính phủ nhằm đưa ra những khuôn khổ hành lang pháp lý để doanh nghiệp dễ thực thi hơn. Tương lai của nền kinh tế chính là kinh tế tuần hoàn. Tương lai của doanh nghiệp cũng chính là kinh tế tuần hoàn.
- Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ có khoảng 2.000 doanh nghiệp gia nhập vào cộng đồng doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam, VBCSD có giải pháp gì để mở rộng mạng lưới thành viên?
Năm 2016 lần đầu tiên tham gia trong đánh giá thường niên các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc Việt Nam chỉ xếp hạng thứ 88 về chỉ số phát triển bền vững nhưng đến năm 2020 Việt Nam đã vươn lên thứ 49.
Để mở rộng mạng lưới thành viên cũng như có sự tham gia tích cực chủ động từ phía cộng đồng doanh nghiệp, VBCSD sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về phát triển bền vững đến cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp thực thi các định hướng, chính sách về phát triển bền vững.
Trong đó, Hội đồng sẽ tập trung triển khai tuyên truyền đến doanh nghiệp các chương trình quan trọng của Chính phủ như Quyết định 1362 của Chính phủ về Phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn 2030, Nghị quyết 136 của Chính phủ về phát triển bền vững.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tích cực truyền thông các thông tin về kế hoạch hoạt động, đào tạo để tăng cường sự tham gia, đóng góp của các hội viên, tăng cường công tác báo cáo, chia sẻ thông tin về công việc giữa các hội viên.
Thông qua đó có thể thúc đẩy vai trò kết nối các doanh nghiệp hội viên của VBCSD, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phát triển bền vững giữa cộng đồng doanh nghiệp trong nước và kết nối với các doanh nghiệp trên thế giới; đẩy mạnh sự lan tỏa triết lý phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp hội viên, thông qua đó khiến hoạt động của VBCSD trở nên đa dạng, phong phú và có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Kiến nghị thực hiện khảo sát về ý kiến và trải nghiệm của hội viên đã tham gia hội đồng, tăng cường truyền thông về các lợi ích được hội viên ghi nhận, đẩy mạnh hiệu quả trong công tác tìm kiếm hội viên mới.
Bên cạnh đó, Hội đồng sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho báo chí về phát triển bền vững. Mời các thành viên trong mạng lưới báo chí của VBCSD tham dự các cuộc đối thoại, lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia nói về phát triển bền vững, các chủ đề kinh tế tuần hoàn, đa dạng sinh học, năng lượng tái tạo. Qua đó, các nhà báo cập nhật và có nhiều thông tin hơn về phát triển bền vững, hỗ trợ tuyên truyền về phát triển bền vững doanh nghiệp hiệu quả hơn.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm