Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm, giảm thiểu lao động trẻ em trong kinh doanh

PHAN NAM 08/04/2021 07:44

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI cho biết: VCCI đang tích cực tham gia đóng góp cho những cam kết và nỗ lực trong năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em 2021.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: 2021 là năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em. Chính vì vậy, VCCI đang nỗ lực thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh bền vững trong đó có bảo vệ quyền trẻ em, đặc biệt phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong hoạt động kinh doanh.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng Thư ký VCCI phát biểu khai mạc khóa tập huấn

Thưa ông, đảm bảo phúc lợi, sự hài lòng trong công việc, giữ chân người lao động và thu hút nhân tài là một bài toán khó luôn đặt ra với từng doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thách thức hiện nay. Hỗ trợ người lao động cân bằng giữa trách nhiệm công việc và nghĩa vụ chăm sóc gia đình được xem là một giải pháp hữu hiệu cho doanh nghiệp. Ông nghĩ sao về ý kiến này?

Nghiên cứu của chúng tôi về quyền trẻ em và kinh doanh tại nơi làm việc (2019) chỉ ra rằng đa số doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động như chăm sóc trẻ, hỗ trợ lao động di cư, hỗ trợ thai sản… nhưng đó chưa phải ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp. Có lẽ điều này xuất phát từ việc doanh nghiệp chưa nhận thức đúng và đủ về lợi ích của việc đầu tư vào nguồn lực con người một cách bền vững, coi con người làm trung tâm để phát triển tại chính doanh nghiệp, trong đó phải kể đến việc thúc đẩy những chính sách thân thiện với các gia đình.

Trước tác động của đại dịch COVID- 19 và “làn sóng” số hóa, người lao động phải đối diện với nhiều nguy cơ hơn. Tình trạng mất việc làm, căng thẳng sức khỏe, áp lực năng suất, kỹ năng nghề nghiệp khiến cho người lao động ngày càng loay hoay hơn trong việc cân bằng giữa trách nhiệm công việc và nghĩa vụ gia đình, đặc biệt vấn đề chăm sóc con cái.

Khi đó, nếu doanh nghiệp có những chính sách hỗ trợ kịp thời cho người lao động sẽ đem lại tác động tích cực đối với doanh nghiệp Việt Nam như: Củng cố danh tiếng, giá trị thương hiệu và hình ảnh công ty; Tăng cường mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động; Cải thiện năng suất và phúc lợi cho nhân viên; cũng như Cải thiện công tác tuyển dụng và giữ chân người lao động.

Ngày 5/4 vừa qua, VCCI đã phối hợp với UNICEF Việt Nam, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức Chương trình đào tạo Kỹ năng làm cha mẹ tại nơi làm việc “Không ai hoàn hảo”. Đây là chương trình tập huấn đào tạo kỹ năng làm cha mẹ cho người lao động có con từ 8 tuổi trở xuống với mục tiêu tăng cường nhận thức của cha mẹ về sức khỏe, an toàn và hành vi của con em họ, cung cấp những bài học về cân bằng cảm xúc, hành vi giữa áp lực công việc và trách nhiệm gia đình, ngăn chặn bạo lực gia đình. Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới có thể nhân rộng mô hình này đến nhiều doanh nghiệp hơn nữa.

Nói về vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, VCCI đã có những hoạt động cụ thể nào để thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh nhân văn hơn, thưa ông?

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có vai trò là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam. Một trong những nhiệm vụ của VCCI là tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, nâng cao trách nhiệm xã hội, đạo đức và văn hóa kinh doanh, xây dựng quan hệ lao động hài hòa và ổn định, bảo vệ môi trường và tham gia các hoạt động xã hội khác phù hợp với quy định của pháp luật. Đối với phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em, VCCI đã, đang và sẽ tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho bộ luật lao động sửa đổi, đặc biệt Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về lao động chưa thành niên; Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 và Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030.

Đối với hoạt động nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em thì từ năm 2019, VCCI đã phối hợp với UNICEF triển khai “Dự án Thúc đẩy Quyền trẻ em và các nguyên tắc Kinh doanh trong doanh nghiệp”. Dự án này đặc biệt hướng tới việc lồng ghép các vấn đề về Quyền trẻ em vào các sáng kiến VCCI và doanh nghiệp để thúc đẩy các thực hành kinh doanh có trách nhiệm, bền vững, tăng cường các đóng góp của khối doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Thêm vào đó chúng tôi cũng phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” (ENHANCE). Đối với hai dự án này, chúng tôi đã biên soạn tài liệu, sổ tay, tuyên truyền và phổ biến các quy định của pháp luật trong nước và quốc tế về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. VCCI cũng thực hiện các chương trình tập huấn nâng cao nhận thức, lồng ghép giới thiệu tài liệu hữu ích cho doanh nghiệp. Hàng năm, chúng tôi cùng các đối tác chiến lược thực hiện các hội thảo, diễn đàn cho doanh nghiệp thảo luận về các chính sách thân thiện tại nơi làm việc, hỗ trợ công việc phù hợp và nâng cao tay nghề cho thanh thiếu niên, đặc biệt là nâng cao nhận thức về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong hoạt động kinh doanh và chuỗi cung ứng.

Với vai trò quốc gia thành viên của Tổ chức quốc tế của Người sử dụng lao động (IOE), VCCI cũng tích cực tham gia đóng góp cho những cam kết và nỗ lực trong năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em 2021.

Theo ông, đâu là những lợi ích của việc phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em trong kinh doanh?

Khi doanh nghiệp đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em thì doanh nghiệp đã thể hiện được trách nhiệm của mình trong việc tuân thủ luật pháp. Hiện nay pháp luật Việt Nam, rõ hơn Luật lao động sửa đổi, Luật trẻ em có những quy định rõ về độ tuổi lao động, việc sử dụng lao động vị thành niên trong hoàn cảnh và điều kiện như thế nào phù hợp với sức khỏe, đảm bảo phát triển trí lực và nhân cách, cũng như quyền trẻ em được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động. Ngoài ra doanh nghiệp cũng cần tuân thủ các quy định của Công ước quốc tế liên quan đến vấn đề lao động trẻ em như Công ước 138 của ILO về độ tuổi lao động tối thiểu, Công ước 182 về nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, Công ước về Quyền trẻ em của Liên Hợp Quốc. Đặc biệt, doanh nghiệp cần đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững trong đó có Mục tiêu 8.7 liên quan đến xóa bỏ lao động trẻ em.

Hiện nay, các hiệp định thương mại thế hệ mới như EVFTA, CPTPP đều yêu cầu và khuyến khích giả thiểu lao động trẻ em trong thương mại. Các hiệp định RCEP, FTAPP cũng đang xem xét những nội dung tương tự. Việc đáp ứng các tiêu chuẩn lao động trong đó có phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em là một trong những điều kiện giúp doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho sự hội nhập, cho những cơ hội thương mại và đầu tư mới trong FTAs thế hệ mới.

Ngoài ra, những lợi ích khác có thể thấy được như củng cố hình ảnh doanh nghiệp, mở rộng cơ hội kinh doanh với khách hàng và các nhà đầu như trong và ngoài nước. Khi doanh nghiệp áp dụng các chính sách phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em tại nơi làm việc sẽ thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp, thể hiện được đạo đức kinh doanh và xây dựng uy tín lâu dài.

Bên cạnh những hoạt động đã nêu trên, ông có thể điểm qua những hoạt động, sáng kiến tiêu biểu khác đã được VCCI triển khai để thúc đẩy mạnh mẽ hơn kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam?

Trong 15 năm trở lại đây, VCCI đã triển khai hàng loạt chương trình hành động liên quan đến kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm. Thông qua Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (SD4B), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD), chúng tôi đã tập hợp những doanh nghiệp tiên phong đi đầu trong thực hiện phát triển bền vững. Những sáng kiến mới như Thúc đẩy kinh doanh liêm chính, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, các mô hình kinh doanh xanh, thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững thông qua Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam áp dụng Bộ chỉ số CSI, đẩy mạnh các vấn đề bình đẳng giới tại công sở, tăng cường hợp tác công tư (PPP), v..v đã được chúng tôi triển khai rất mạnh mẽ.

Bên cạnh đó là các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực qua đào tạo, tập huấn cũng góp phần thay đổi tư duy kinh doanh “vị lợi nhuận” sang kinh doanh bền vững hơn của doanh nghiệp trong thời gian qua.

Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Kinh doanh có trách nhiệm

    Kinh doanh có trách nhiệm

    05:19, 14/11/2020

  • Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm Kỳ III: VCCI - Trung tâm thúc đẩy liêm chính của doanh nghiệp

    Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm Kỳ III: VCCI - Trung tâm thúc đẩy liêm chính của doanh nghiệp

    20:23, 03/08/2019

  • Thúc đẩy Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong doanh nghiệp tại Việt Nam

    Thúc đẩy Quyền trẻ em và các nguyên tắc kinh doanh trong doanh nghiệp tại Việt Nam

    05:47, 21/01/2021

  • Tái định hình doanh nghiệp có trách nhiệm vì quyền trẻ em

    Tái định hình doanh nghiệp có trách nhiệm vì quyền trẻ em

    15:48, 29/11/2020

PHAN NAM