Vì sao PCI của Kiên Giang, Bạc Liêu bị xếp “hạng bét”
Theo lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu nguyên nhân PCI của địa phương xếp thấp nhất nước trong năm 2020 là do thời gian qua địa phương chưa kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngày 15/4/2021 tại Hà Nội, VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2020.
Khu vực ĐBSCL đã có 4 địa phương lọt vào top 10 PCI toàn quốc, đó là: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre, đây cũng là các địa phương 4 năm liên tiếp (từ 2017 đến nay) được xếp vào tóp 10 dẫn đầu PCI tòan quốc. Trên bảng tổng sắp khu vực: Đồng Tháp, Long An, Vĩnh Long, Bến Tre được xếp vào nhóm rất tốt, tốt; An Giang, Cần Thơ được xếp vào nhóm khá; Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau được xếp vào nhóm trung bình. Đáng quan tâm là trong cuộc chạy đua cải thiện PCI thì lần đầu tiên ở khu vực này có đến 2 địa phương tụt xuống “thấp nhất” của cả nước đó là Bạc Liêu và Kiên Giang.
Theo ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ, cuộc chạy marathon của các địa phương trong cải thiện PCI đòi hỏi phải có sức bền và sự kiên trì nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Những địa phương liên tục tụt hạng là biểu hiện rõ ràng của sự trì trệ trong khối công quyền; chưa xem trọng cải cách, không đáp ứng được nhu cầu phát triển và cải cách. Các cơ quan chưa nắm sát nhu cầu của doanh nghiệp để phục vụ nên doanh nghiệp phản ánh sự không hài lòng là điều đương nhiên.
“Kiên Giang, Bạc Liêu là 2 địa phương mà trong thời gian qua gần như "im lặng" trong tương tác với doanh nghiệp. Có thể chính quyền hai địa phương này vẫn có những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nhưng có khi cách làm, cách triển khai chưa phù hợp nên chưa tháo gỡ được khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Lam phân tích.
Dưới cảm nhận của doanh nghiệp, ông Lê Chí Tôn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bạc Liêu cũng đồng tình với quan điểm trên khi cho rằng đây là cuộc chạy đua nên mặc dù địa phương có nỗ lực cải thiện nhưng còn chậm chân nên bị bỏ lại phía sau.
Cũng theo ông Tôn, điều cốt lõi khiến cho PCI của Bạc Liêu tụt hạng liên tục là do đa phần doanh nghiệp ở địa phương là doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa quan tâm đúng mức tầm quan trọng của PCI, trong khi công tác tuyên truyền của chính quyền địa phương về bộ chỉ số này chưa được sâu rộng.
Lý giải về nguyên nhân PCI của địa phương trong năm 2020 bị xếp thấp nhất nước: Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng, lĩnh vực mà doanh nghiệp phàn nàn nhiều nhất trong thời gian qua vẫn là việc tiếp nhận giải quyết thủ tục về đầu tư, kinh doanh của địa phương còn chậm; thời gian qua địa phương quan tâm nhiều đến doanh nghiệp nhà đầu tư lớn mà thiếu quan tâm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tại địa phương. Bên cạnh đó việc tiếp cận về đất đai, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động còn hạn chế. Ngoài ra cũng có những khó khăn khách quan như dịch Covid-19 kéo dài làm cho việc tiếp xúc giữa chính quyền và doanh nghiệp chưa thường xuyên, ngân sách dành cho các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp còn hạn hẹp…
“Để cải thiện PCI trong thời gian tới chúng tôi đã chỉ đạo các sở, ngành tiếp tục rà soát chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cố gắng duy trì mỗi tháng một lần gặp gỡ lắng nghe phản ánh khó khăn từ phía doanh nghiệp. Đồng thời cũng chỉ đạo các sở, ngành mở hộp thư, đường dây nóng để tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp, qua đó có biện pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp một cách kịp thời”, ông Thiều chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
4 địa phương của ĐBSCL lọt top 10 PCI toàn quốc
21:51, 15/04/2021
PCI: Dư địa cải cách vẫn còn lớn
19:58, 15/04/2021
Thủ tướng nêu "8 chữ G" trong phát triển bền vững ĐBSCL
16:56, 13/03/2021
Bạc Liêu: Gỡ khó cho doanh nghiệp đầu tư năng lượng sạch
11:00, 31/03/2021
Nhà máy điện khí LNG Bạc Liêu xin tăng quy mô sử dụng đất gần gấp đôi ban đầu
01:52, 31/03/2021