Bình Phước quyết liệt nâng cao chỉ số PCI

THÙY LINH 03/06/2021 08:53

Tỉnh Bình Phước đang quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm mục tiêu nâng chỉ số PCI của năm 2021 tăng tối thiểu 8-10 bậc so với năm 2020.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan nhằm phân tích, đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2021.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan nhằm phân tích, đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2020 và đề ra phương hướng nhiệm vụ cho năm 2021 (chiều 2/6/2021).

Theo khảo sát đánh giá của VCCI, Chỉ số PCI Bình Phước năm 2020 tăng 0,21 điểm (từ 62,21 lên 62,42 điểm), tăng 11 bậc (từ hạng 61/63 lên hạng 50/63 tỉnh thành) và từ vị trí cuối nhóm “trung bình” lên gần giữa nhóm “trung bình”; vượt kế hoạch đề ra năm 2020 đề ra là tăng từ 5-7 bậc so với năm 2019. Trong năm 2020, kết quả PCI của tỉnh Bình Phước có nhiều điểm sáng khi tăng từ vị trí thứ 61 lên vị trí 50/63 tỉnh, thành (tăng 11 bậc so với năm 2019).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi cho biết, để đạt được kết quả này, trong năm qua Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Các cấp các ngành trong tỉnh đã nỗ lực phối hợp thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp; vừa tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa đảm bảo nhiệm vụ về phát triển kinh tế xã hội, thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi, đây là kết quả từ sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh trong việc chỉ đạo các ngành liên quan trong việc cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác điều hành, lãnh đạo giúp nhà đầu tư, doanh nghiệp thuận lợi nhất khi đến đầu tư tại tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đã đạt được, nhưng nhìn vào nội hàm của từng chỉ số thành phần thì vẫn còn rất nhiều chỉ số thành phần với nhiều chỉ tiêu con còn có kết quả thấp, chưa được cải thiện tốt.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Thành - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước cho biết, qua phân tích 128 chỉ tiêu con của 10 chỉ số thành phần năm 2020 cho thấy các chỉ số đạt thấp chủ yếu là do số ngày hoàn thành tất cả các thủ tục để doanh nghiệp chính thức hoạt động còn mất nhiều thời gian; Cán bộ công chức am hiểu chuyên môn sâu về nghiệp vụ và mức độ nhiệt tình, thân thiện được doanh nghiệp đánh giá thấp; Việc niêm yết các quy trình, thủ tục, quy hoạch, kế hoạch, tài liệu pháp lý được phép công khai chưa được thuận tiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận, tra cứu thông tin…. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp nội dung còn trùng lặp, doanh nghiệp đánh giá dễ tạo cơ hội cho việc nhũng nhiễu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn cón nguyên nhận do tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Liên quan đến việc thanh, kiểm tra, một trong những chỉ tiêu mà tỉnh Bình Phước đạt thấp, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục thuế Bình Phước cho rằng, việc thanh, kiểm tra các doanh nghiệp cũng cần xem xét phương án giảm các đợt thanh tra từng ngành riêng lẻ. Thay vào đó nên có kế hoạch phối hợp thanh tra liên ngành để giảm phiền hà, mất thời gian cho doanh nghiệp.

Theo đánh giá, mặc dù tăng 11 bậc nhưng thực tế còn nhiều chỉ số thành phần quan trọng lại giảm về điểm số và xếp hạng như: chỉ số gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, đào tạo lao động, cạnh tranh bình đẳng… Thậm chí có những chỉ tiêu dù tăng hạng so với trước nhưng xét mặt bằng chung cả nước cũng đạt thấp. Cụ thể là chỉ tiêu “lệ phí được niêm yết công khai”; “nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp”; “thanh, kiểm tra tạo cơ hội cho cán bộ nhũng nhiễu doanh nghiệp”… 

Trước những tồn tại này, các thành viên Tổ công tác PCI của tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan dự họp đã đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm khắc phục, nâng cao các chỉ số quan trọng còn thấp. Trong đó, ngoài việc quan tâm hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng, đào tạo đội ngũ lao động tay nghề cao, tăng cường các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp… thì yếu tố con người, đội ngũ cán bộ phụ trách từng lĩnh vực liên quan cần nâng cao ý thức phục vụ người dân, doanh nghiệp, không gây nhũng nhiễu được nhiều ý kiến đặt ra. 

Nhằm mục tiêu phấn đấu đưa chỉ số PCI của tỉnh Bình Phước năm 2021 tăng tối thiểu 8-10 bậc so với năm 2020, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi yêu cầu, những nội dung, chỉ số nào đã làm tốt phải tiếp tục phát huy; các chỉ tiêu cốt lõi cần nâng cao liên quan rất nhiều ngành, đơn vị, địa phương nên đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ. Sự minh bạch trong điều hành của từng ngành phải thực chất, không hình thức....

Cụ thể, các cấp, các ngành cần tiếp tục đổi mới quy chế làm việc, phương thức chỉ đạo, điều hành cho phù hợp với tình hình mới hiện nay; đặc biệt chú trọng khâu tổ chức thực hiện để biến các giải pháp đã đề ra đi vào hiện thực, phát huy hiệu quả. Gắn việc chỉ đạo, triển khai với công tác đôn đốc, kiểm tra, xử lý nghiêm việc chậm trễ thực hiện các nhiệm vụ công việc.

Tập trung triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện, thị, thành phố thuộc tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025” – DDCI; nhằm kết nối việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần của các Nghị quyết số 19/NQ-CP và 02/NQ-CP của trung ương với việc cải thiện Chỉ số PCI, DDCI của tỉnh.

Đẩy mạnh việc rà soát đơn giản hóa thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và bộ phận một cửa cấp huyện, cấp xã. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc; lựa chọn những cán bộ thích hợp, tích cực, nhiệt tình thực hiện công việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Đồng thời có giải pháp xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây cản trở công việc. Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Quan trọng nhất, bản thân từng ngành, địa phương phải soát xét một cách thấu đáo vấn đề nào còn hạn chế để khắc phục một cách triệt để. Tỉnh sẽ nghiên cứu đưa việc thực hiện từng chỉ tiêu vào đánh giá thi đua từng ngành, địa phương trong thời gian tới. Có như vậy thì chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của tỉnh mới tăng nhanh và bền vững” - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Văn Mi nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Bình Phước: Vươn lên TOP đầu về cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử

    Bình Phước: Vươn lên TOP đầu về cung cấp dịch vụ chứng thực điện tử

    14:35, 18/05/2021

  • Bình Phước: 100% dịch vụ công trực tuyến kết nối thành công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

    Bình Phước: 100% dịch vụ công trực tuyến kết nối thành công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

    14:21, 17/05/2021

  • Bình Phước cải thiện 11 bậc thứ hạng chỉ số PCI năm 2020

    Bình Phước cải thiện 11 bậc thứ hạng chỉ số PCI năm 2020

    12:45, 15/04/2021

  • Bình Phước: Điểm sáng hút đầu tư

    Bình Phước: Điểm sáng hút đầu tư

    10:16, 15/04/2021

  • Bình Phước hướng tới nền hành chính hiện đại

    Bình Phước hướng tới nền hành chính hiện đại

    14:50, 02/04/2021

THÙY LINH