Khai thác tiềm năng đầu tư thương mại trong quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Séc
Với truyền thống 70 năm quan hệ hữu nghị, nhưng tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc vẫn chưa được phát huy tương xứng.
>> Tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA
“Việt Nam và CH Séc đã cùng nhau trải qua những chặng đường lịch sử và những cột mốc đáng nhớ. Qua hơn 70 năm, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển toàn diện trên mọi lĩnh vực, từ chính trị ngoại giao cho đến thương mại đầu tư”.
Đó là chia sẻ của Chủ tịch VCCI, ông Phạm Tấn Công - một cựu sinh viên tại Tiệp Khắc trước đây, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – Cộng hòa Séc diễn ra vào ngày 21/2, nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của ông Jozef Sikela, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hoà Séc.
Với lịch sử quan hệ hơn 70 năm, CH Séc luôn dành cho Việt Nam những ưu tiên hợp tác quý báu. Trong Chiến lược xuất khẩu của CH Séc, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khu vực Đông Nam Á nằm trong danh sách 12 thị trường chủ chốt được ưu tiên về ngoại thương. CH Séc cũng là một trong những nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU và đang hỗ trợ thúc đẩy để 15 nước EU còn lại sớm phê chuẩn hiệp định này.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đỗ Thắng Hải, quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và CH Séc đã phát triển tích cực thời gian qua.
Hiện CH Séc là một trong những bạn hàng quan trọng nhất của Việt Nam trong khu vực Trung và Đông Âu. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và CH Séc tăng 12,6% so với năm 2022, đạt mức 828 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang CH Séc là giầy dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện... Trong khi đó, nhập khẩu từ CH Séc liên quan đến máy móc thiết bị, sản phẩm cơ khí, hóa chất, dược phẩm, đồ thủy tinh pha lê…
Trong lĩnh vực đầu tư, tính đến cuối năm 2022, Cộng hòa Séc có 41 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 92,39 triệu USD, đứng thứ 49 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tỉ trọng đầu tư và hợp tác kinh tế giữa hai nước vẫn còn quá khiêm tốn so với quan hệ và tiềm năng kinh tế của mỗi bên. Việt Nam là quốc gia thành viên của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AIC) với trên 600 triệu dân nằm ở khu vực được đánh giá và dự báo là năng động, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh nhất thế giới, qui mô GDP 2.800 tỷ USD. Do đó, lãnh đạo Bộ Công Thương mong muốn doanh nghiệp CH Séc quan tâm hơn nữa đến thị trường Việt Nam.
>>Doanh nghiệp Việt tận dụng EVFTA và các FTA
Theo ông Phạm Tấn Công, các doanh nghiệp Séc nên quan tâm đến một khu vực kinh tế phát triển năng động hàng đầu của Việt Nam gồm 4 tỉnh phía Bắc Việt Nam là: Hưng Yên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, gắn với trục đường cao tốc phía Đông của Việt Nam, xuất phát từ Thủ đô Hà Nội tới cửa khẩu với Trung Quốc, dài gần 300km.
Đây là 4 địa phương có chính quyền năng động, có môi trường đầu tư rất lý tưởng với hệ thống đường cao tốc tốt nhất hiện nay, 3 sân bay quốc tế, hệ thống cảng biển nước sâu, các khu công nghiệp và nguồn nhân lực dồi dào với quy mô dân số gần 7 triệu người.
Ông Jozef Sikela, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hoà Séc đánh giá, quan hệ kinh tế và các nguyên tắc thương mại giữa hai nước đã trở nên đơn giản hơn rất nhiều nhờ các hiệp định đã kí kết. Điều này mở ra cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp 2 phía trong tiếp cận thị trường với các hàng hóa và dịch vụ.
“Tại Việt Nam, từ đồng bằng sông Hồng cho tới đồng bằng sông Cửu Long, đâu đâu cũng nhìn thấy được những cơ hội đầu tư tuyệt vời”.
Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Cộng hòa Séc ông Jaroslav Hanak mong muốn khai thác được tiềm năng của cả 2 nền kinh tế một cách đầy đủ hơn. CH Séc có nhiều thế mạnh trong kỹ thuật, hàng không dân dụng, năng lượng, dịch vụ hay công nghệ sáng tạo là những lĩnh vực mà hai bên có thể đẩy mạnh.
Có thể bạn quan tâm