Dù có hiệu lực trong bối cảnh đặc biệt, thế nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam và EU tiếp cận thị trường…
>> EVFTA đã “đơm hoa kết trái”!
Theo đó, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020. Trong năm đầu thực thi EVFTA, trao đổi thương mại song phương Việt Nam - EU đạt 54,9 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm trước (trong đó, xuất khẩu đạt 34,5 tỷ USD, tăng 11,3%). Sang năm thứ hai, con số là 61,4 tỷ USD, tăng gần 11,9% (trong đó, xuất khẩu đạt 45 tỷ USD, tăng 17%).
Riêng 11 tháng của năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu 2 chiều đạt 57 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 43,5 tỷ USD (tăng 21%), cả năm 2022 dự kiến đạt 47,5 tỷ USD.
Đặc biệt, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực: dệt may tăng 24%, giày dép tăng 19%, thủy sản tăng 41%…
Không chỉ có vậy, Hiệp định EVFTA cũng đã hỗ trợ tích cực cho hàng hóa Việt Nam và EU tiếp cận thị trường của nhau, đáp ứng nhu cầu đa dạng hóa nguồn cung của cả hai bên.
Theo chuyên gia kinh tế - Võ Trí Thành, thị trường EU không phải là thị trường mới của Việt Nam, điểm mới ở đây, chính là kể từ tháng 8/2020, khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu Việt Nam đã tăng trưởng dương ngay khi 6 tháng trước đó đang tăng trưởng âm. Đây là chuyển biến rất ấn tượng nhờ chúng ta tận dụng các ưu đãi từ EVFTA.
“Nhiều mặt hàng xuất khẩu sang EU tăng trưởng đạt trên 30%, so với nhiều FTA khác, thì tỷ lệ tận dụng này không phải là nhỏ mà quan trọng là tốc độ thay đổi tỷ lệ tận dụng EVFTA nhanh nhất”, ông Thành nhấn mạnh.
Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội chia sẻ, Hiệp định EVFTA có hiệu lực trong bối cảnh rất đặc biệt ngay thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, vượt ra ngoài dự liệu của các Bộ Công Thương. Và bối cảnh mới chỉ bình thường hoá được 1 năm, dù vậy, chỉ trong 1 khoảng thời gian ngắn có một số mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu sau thị trường EU rất tốt cho thấy tác động tích cực của hiệp định này.
>>Hải Phòng: Nhiều giải pháp thực thi hiệu quả EVFTA
Theo ông Tô Hoài Nam, do Việt Nam phê chuẩn Hiệp định trước EU nên doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu thiết bị máy móc từ khu vực EU sản xuất ra.
“Nếu so sánh với trước đây, chúng ta nhập khẩu thiết bị chất lượng không tốt lắm nay nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA nên được tiếp cận với hàng hoá có chất lượng tốt”, ông Nam chia sẻ.
Cũng theo ông Tô Hoài Nam, Hiệp định EVFTA mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho doanh nghiệp trong nước. Để tiếp cận thị trường EU, các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng đã định hướng “dễ làm trước khó làm sau”, đây là định hướng đúng đắn. Tuy nhiên, khi vào thị trường EU có những điều không thể “dễ làm truóc khó làm sau” mà phải đầu tư bài bản, chú trọng đến sở hữu trí tuệ, quyền của người lao động. Do đó, muốn đứng vững trên thị trường EU, một mình doanh nghiệp không làm được mà phải bằng định hướng chiến lược rõ ràng.
“Một số nước trong khu vực ASEAN đang tích cực đàm phán với EU, nếu Việt Nam không tận dụng lợi thế của người đi trước, sau này chúng ta sẽ phải cạnh tranh rất quyết liệt. Do vậy, doanh nghiệp cần thiết phải đầu tư theo chiều sâu, dành nguồn lực xứng đáng”, ông Nam khuyến nghị.
Còn theo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB), Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, được hỗ trợ chủ yếu bởi nhu cầu nội địa mạnh và hoạt động sản xuất theo hướng xuất khẩu. Được tham gia vào thị trường lớn và thống nhất như EU là cơ hội tốt cho Việt Nam.
Thứ nhất, tạo cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu sang EU: Mặc dù EU chưa phải là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, song Việt Nam luôn là bên có thặng dư thương mại. Hiệp định EVFTA mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng xuất khẩu của Việt Nam sang khối thị trường lớn (chiếm 15% thị trường thế giới). Theo đó, các sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam như gạo, hải sản, quần áo và giày dép được hưởng lợi lớn từ Hiệp định EVFTA. Đặc biệt, cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU mang tính bổ sung, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp. Vì vậy, dư địa tăng trưởng xuất khẩu và hợp tác kinh tế cũng như những lĩnh vực khác với EU lớn.
Thứ hai, giúp đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế. Dự ước, Hiệp định EVFTA góp phần giúp GDP của Việt Nam thêm 4,57-5,30% trong giai đoạn 2024-2028 và tăng thêm tới 7,07-7,72% trong giai đoạn 2029-2033. Trong trung và dài hạn, Hiệp định EVFTA góp phần làm tăng ngân sách nhà nước nhờ nguồn thu nội địa tăng lên từ tác động của tăng trưởng kinh tế (dự kiến tăng 7.000 tỷ đồng sau 10 năm thực thi Hiệp định). Khi kinh tế phát triển sẽ tạo đà cho cải cách và đổi mới ở Việt Nam tăng lên. Cộng hưởng tất cả những điều đó sẽ tạo vị thế và sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam được nhân lên nhiều lần.
Thứ ba, môi trường hành chính được cải thiện, giúp đầu tư mở và thuận lợi hơn, các cam kết sâu và rộng trong lĩnh vực đầu tư, giúp hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từ đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư EU đến Việt Nam. Đầu tư của EU hiện chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, vì vậy sẽ góp phần tích cực trong việc tạo lập một số ngành nghề mới và sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao.
Thứ tư, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận công nghệ cao, công nghệ nguồn. Với các cam kết trong EVFTA về phát triển bền vững, thương mại số sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp cận “công nghệ số, công nghệ xanh” hiện đại và tiên tiến của EU để đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng “đi tắt đón đầu” hướng đến kinh tế số và xanh,… giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường cao như thị trường EU. Đồng thời, hàng hóa, dịch vụ từ EU nhập khẩu vào Việt Nam sẽ tạo ra một sức ép để doanh nghiệp Việt Nam nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh…
Có thể bạn quan tâm
EVFTA đã “đơm hoa kết trái”!
11:32, 27/12/2022
Hải Phòng: Nhiều giải pháp thực thi hiệu quả EVFTA
00:59, 23/12/2022
Doanh nghiệp Việt tận dụng EVFTA và các FTA
05:09, 26/11/2022
ĐIỂM BÁO NGÀY 11/11: VCCI công bố kết quả thực thi EVFTA
04:24, 11/11/2022
EVFTA góp phần quan trọng làm giảm nhẹ các tác động bất lợi cho nền kinh tế
16:03, 10/11/2022