PCI 2022: Bến Tre luôn coi trọng và chào đón các nhà đầu tư
Với 68,04 điểm, PCI 2022 Bến Tre xếp thứ 13 trong bảng xếp hạng PCI cả nước, tăng 5 bậc so với năm 2021, là địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022.
>> Bến Tre: Mở không gian phát triển về hướng biển để tạo động lực mới
Trong báo cáo PCI 2022, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Bến Tre được giới chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá khá cao. Trong đó, chỉ số Gia nhập thị trường 7,26 điểm, đứng thứ 10; chỉ số Tiếp cận đất đai 7,49 điểm, thứ hạng 9; Chi phí thời gian 8,03 điểm, xếp thứ 5, Chi phí không chính thức 7,97 điểm, xếp thứ 2…
Kết quả này phản ánh sự nỗ lực của các cấp chính quyền tỉnh Bến Tre trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điểm đến tin cậy để các nhà đầu tư tìm hiểu và quyết định triển khai các dự án đầu tư.
Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Trần Ngọc Tam – Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, trong những năm qua, tỉnh Bến Tre luôn nỗ lực kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, gắn với kiến tạo môi trường khởi nghiệp thực chất, thông qua việc triển khai có hiệu quả Chương trình Đồng khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiêp, nhằm tạo bứt phá, đẩy mạnh việc vận động chuyển đổi các cơ sở sản xuất nhỏ lên doanh nghiêp, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiêp tham gia xuất khẩu hàng hóa, tìm kiếm mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp; đẩy mạnh hiệu quả mô hình “Cà phê doanh nghiệp”, họp mặt doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp định kỳ, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí không chính thức… cho doanh nghiệp.
Ở cấp tỉnh, mỗi năm thường xuyên tổ chức các cuộc họp mặt, đối thoại. Mô hình “Cà phê doanh nghiệp” hàng tháng đã thu hút ngày càng đông đảo các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự và chia sẻ, đề xuất và góp ý cho tỉnh.
Ở cấp huyện, nhiều địa phương đã làm tốt công tác hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các buổi gặp gỡ, trao đổi. Qua đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp được lãnh đạo tỉnh, địa phương lắng nghe và chỉ đạo giải quyết kịp thời. Đây cũng là nơi để cộng đồng doanh nghiệp gặp gỡ, giao lưu chia sẻ những thuận lợi, khó khăn và hợp tác để cùng nhau phát triển bền vững. Đồng thời, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phạm vi khả năng, thẩm quyền của tỉnh và quy định của pháp luật…
Đến nay, sau hơn 2 năm tỉnh triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU ngày 29-1-2021 của Tỉnh ủy về phát triển công nghiệp chủ lực, lực lượng doanh nghiệp của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh có khoảng 800 doanh nghiệp thành lập mới, đạt tỷ lệ gần 16% so với mục tiêu Chương trình số 08-CTr/TU đã đề ra là 5.000 doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, với mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành địa phương khởi nghiệp - kiến tạo một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, coi doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, đã xuất hiện nhiều mô hình đối thoại doanh nghiệp hiệu quả.
Ông Trần Văn Đức - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Bến Tre khẳng định, sự quan tâm đồng hành rất lớn của chính quyền các cấp tỉnh Bến Tre đối với cộng đồng doanh nghiệp bằng những việc làm ý nghĩa thiết thực như Chương trình “Cà phê doanh nghiệp”, giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, chuỗi cung ứng đầu vào, đầu ra; thực hiện tốt các chính sách của Trung ương hoặc ban hành các chính sách mới phù hợp với tỉnh nhằm hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong giai đoạn hậu Covid-19.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Bến Tre đã và đang nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công, thực hiện việc tiếp nhận và trả hồ sơ của các sở, ban, ngành. Công tác rút ngắn thời gian thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, kinh doanh được rà soát, thực hiện tốt. Các sở, ban, ngành liên quan đến lĩnh vực đầu tư kinh doanh đã tiến hành rà soát lại hoạt động của bộ phận một cửa; bố trí cán bộ có trình độ và năng lực hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp; niêm yết công khai phí, lệ phí để doanh nghiệp biết và thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương thực hiện TTHC tại một đầu mối, hạn chế doanh nghiệp đi lại nhiều lần.
Công tác hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp được tập trung hỗ trợ thông qua đầu mối Tổ dịch vụ công đặt tại Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) để hỗ trợ các dịch vụ trước, trong và sau cấp phép cho doanh nghiệp. Việc cập nhật thông tin, thành phần hồ sơ, quy trình nghiệp vụ, thông tin quản lý hồ sơ doanh nghiệp được thực hiện dựa trên những tiêu chí như: cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh, mã số doanh nghiệp... giúp giảm thiểu thời gian cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh cũng đã và đang triển khai, đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) bằng phương pháp khảo sát trực tuyến, nhằm tìm ra hạn chế, nguyên nhân và đề xuất giải pháp chấn chỉnh, khắc phục tồn tại, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh chung của tỉnh những năm tiếp theo.
Tỉnh cũng thường xuyên cập nhật và cung cấp các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển từng ngành, lĩnh vực trên trang thông tin điện tử của tỉnh và các sở, ban, ngành có liên quan, giúp doanh nghiệp nắm bắt hiệu quả các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội đầu tư và tổ chức hoạt động nhanh chóng, thuận lợi theo đúng chủ trương, chính sách của nhà nước.
Bến Tre cách TP. Hồ Chí Minh 86km và ở vị trí trung tâm của tuyến giao lưu kinh tế với TP. Hồ Chí Minh, là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thông qua hệ thống đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - cầu Rạch Miễu - kết nối cầu Cổ Chiên với tỉnh Trà Vinh và các tỉnh phía Nam ĐBSCL như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Bến Tre có thể phát huy lợi thế về vị trí địa lý là đầu mối “giao thương” hàng hóa và trở thành “vệ tinh” của vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh.
Ông Trần Ngọc Tam cho biết, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang được tập trung đầu tư, tạo kết nối thuận lợi trong nội tỉnh và liên vùng. Hiện, cầu Rạch Miễu 2 đã được khởi công, các công trình, dự án đã có nhà đầu tư cũng đã bắt đầu khởi động. Sắp tới, tỉnh còn nhiều dự án khác như: Phối hợp với tỉnh Vĩnh Long xây dựng cầu Đình Khao (thay thế phà Đình Khao) kết nối với tỉnh Vĩnh Long, xây dựng cầu Tân Phú… Đây là các công trình, dự án hứa hẹn tạo sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Đặc biệt, tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh sẽ là hành lang tạo động lực tăng trưởng mới, đột phá cho Bến Tre. Giúp tăng cường kết nối các đô thị ven biển thuộc 3 huyện Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú, thúc đẩy liên kết giữa tỉnh với các tỉnh Trà Vinh, Tiền Giang và TP. Hồ Chí Minh.
“Với tiềm năng, lợi thế cũng như các dư địa phát triển, Bến Tre luôn coi trọng và chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội, đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại Bến Tre…”, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho hay.
Đến nay, toàn tỉnh có 5.767 doanh nghiệp, với tổng vốn đăng ký khoảng 66.665 tỷ đồng. Trong đó, có 4.274 doanh nghiệp đang hoạt động, với vốn đăng ký khoảng 56.401,6 tỷ đồng và 330 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 64 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1.628,94 triệu USD và 267 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 61.658,24 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Bến Tre: Mở không gian phát triển về hướng biển để tạo động lực mới
12:32, 16/02/2023
Bến Tre: Kiến tạo không gian phát triển mới
11:21, 22/01/2023
Bến Tre: Đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2023
17:21, 17/01/2023
Bến Tre: Khởi động Dự án phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu
13:13, 11/01/2023
Bến Tre: Kinh tế tuần hoàn hướng tới phát triển bền vững
23:45, 24/11/2022