Cần hoàn thuế VAT cho các doanh nghiệp đúng hạn và đúng pháp luật
Đó là một trong nhiều nội dung kiến nghị của các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp tại Hội nghị Giao ban giữa lãnh đạo VCCI với lãnh đạo các Hiệp hội doanh nghiệp mới đây.
>>>Đề xuất thành lập Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp vùng Trung tâm kinh tế phía Nam
Không chuyển nhóm nợ đối với doanh nghiệp
Nêu ý kiến tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Hòa – Ủy viên BCH VCCI Khóa 7, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp có thể duy trì được hoạt động nhờ thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Theo Chủ tịch HUBA,thị trường quốc tế hiện nay đang gặp khó khăn, bế tắc do ảnh hưởng từ lạm phát, chiến tranh, khiến cầu giảm, nên việc xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa bị chậm lại. Không những vậy, doanh nghiệp còn bị chậm thanh toán và kéo dài thời hạn thanh toán.
Trong khi, thị trường trong nước, chủ yếu dựa vào 2 nguồn là nguồn đầu tư công và cầu tiêu dùng trong nước. Trong khi nguồn đầu tư công nhằm kích hoạt các hoạt động đầu tư, nhưng tại TP.HCM, kết quả đạt được chưa được như kỳ vọng, việc giải ngân vốn đầu tư công trong quý I/2023 vẫn còn rất thấp.
Nguồn thứ hai là cầu tiêu dùng trong nước hiện cũng đang sụt giảm. Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hệ thống thương mại hiện đại sụt giảm từ 5-10%. Với tình hình khó khăn chung hiện nay, các doanh nghiệp xoay xở, cầm cự và duy trì giữ được việc làm cho người lao động đã là cố gắng rất lớn. Có những doanh nghiệp phải cắt giảm lao động.
“Do đó, hiện nay, chúng ta chỉ hi vọng vào cầu đầu tư công, bước đầu có một số tín hiệu để tạo niềm tin vào sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành trong việc tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý và cũng đã thấy có những tín hiệu lạc quan. Và có thể coi, đầu tư công là cứu cánh của các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay”, Chủ tịch HUBA nhấn mạnh.
Vấn đề thứ hai, ông Hòa cho rằng, diễn biến của ngành ngân hàng hiện nay đã đảo chiều rất nhanh. Theo Chủ tịch HUBA, nếu như trước đây, các doanh nghiệp thường khó tiếp cận vốn vay ngân hàng do tăng trưởng tín dụng thấp, không có room, nhưng hiện nay, một số ngân hàng phản ảnh là đang thừa tiền, do doanh nghiệp không dám vay vì không biết vay để làm gì.
Do đó, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chủ tịch HUBA kiến nghị các ngân hàng giãn, hoãn nợ đối với các khoản nợ cũ của doanh nghiệp và đặc biệt là không chuyển nhóm nợ. Bởi theo Chủ tịch HUBA, nếu doanh nghiệp bị chuyển nhóm nợ sang nợ xấu thì sau này khi vay sẽ gặp nhiều điều kiện khó khăn hơn.
Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác đang được các doanh nghiệp rất quan tâm hiện nay, đó là vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng cũng được Chủ tịch HUBA đề cập. Ông Hòa cho rằng, trong khi dòng tiền của các doanh nghiệp đang gặp khó, thì tiền hoàn thuế cho các doanh nghiệp lại bị “tắc” và chậm.
“Nếu dòng tiền này về nhanh và kịp thời thì doanh nghiệp sẽ đỡ áp lực về dòng tiền. Do đó, chúng tôi kiến nghị với các cơ quan thuế sớm xem xét hoàn thuế đúng hạn, kịp thời để giúp các doanh nghiệp giải quyết bài toán về dòng tiền để doanh nghiệp xoay xở, cầm cự”, Chủ tịch HUBA Nguyễn Ngọc Hòa kiến nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề hoàn thuế VAT, ông Trần Ngọc Thuận – Ủy viên BCH VCCI Khóa 7, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp trong Hiệp hội cũng đang kêu rất nhiều về việc bị chập hoàn thuế. Ông cho rằng, bản chất của vấn đề này là doanh nghiệp đang bị “chôn vốn”. Thay vì được hoàn thuế, thì doanh nghiệp lại bị “chôn vốn” từ 6 tháng đến 1 năm, dẫn đến khó khăn lại chồng khó khăn.
“Do đó, các Hiệp hội cần phải cùng nhau đề xuất để sớm hoàn thuế cho doanh nghiệp theo đúng luật, để doanh nghiệp có nguồn vốn hoạt động. Bởi hiện nay, doanh nghiệp đang rất khó khăn, lại bị chôn vốn, cùng với những áp lực về các chi phí, nên rất khó khăn cho các doanh nghiệp”, Chủ tịch VRA Trần Ngọc Thuận chia sẻ.
Ưu tiên đăng kiểm cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải
Ông Bùi Văn Quản – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM cho biết, tình hình kinh doanh vận tải cũng đang gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp thua lỗ và cạnh tranh về giá khốc liệt, sản lượng hàng hóa giảm 40-50% so với trước đây, nhiều doanh nghiệp phải xin dừng lưu hành hàng loạt xe vì không có hàng để chạy.
Bên cạnh đó, tình trạng xe chở hàng quá tại đã có giảm, tuy nhiên vẫn còn tồn tại, đặc biệt là tuyến đường Nguyễn Văn Linh. Tình trạng chở hàng quá tải trọng, dẫn đến phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.
Ngoài ra, tình trạng ùn tắc đăng kiểm vẫn còn diễn ra phổ biến gây khó khăn cho các doanh nghiệp vận tải. Gần đây tinh trạng đăng ký lịch hẹn gây khó khăn cho doanh nghiệp chưa có hướng tháo dỡ, cụ thể: Các doanh nghiệp chủ động trước khi hết hạn theo số kiểm định 15-30 ngày, đã điều xe đi đăng ký lịch đăng kiểm lại. Tuy nhiên, thời gian trên giấy hẹn lại gần 1 tháng sau khi xe hết hạn đăng kiểm mới đến lượt vào.
Do đó, ông Bùi Văn Quản kiến nghị, cần ưu tiên các phương tiện kinh doanh vận tải gần hết hạn hoặc đã hết hạn đăng kiểm đăng ký lịch hẹn trước. Xem xét hỗ trợ về việc xe được lưu hành tạm trong khi chờ đến lượt vào đăng kiểm lại. Nghiên cứu kéo giãn thêm chu kỳ đăng kiểm nếu hệ số an toàn vẫn còn có thể đáp ứng. Thông báo lỗi, khiếm khuyết, hư hỏng cần khắc phục trong 01 lần để tránh trường hợp xe phải đi sửa chữa quay ra vào trạm nhiều lần.
Liên quan đến Nội dung kiểm tra, phương pháp kiểm tra và khiểm khuyết, hư hỏng” của Thông tư số 02/2023, ông Quản kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, đánh giá lại đối với danh sách các hạng mục khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng nào thật sự ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường, tránh trường hợp có quá nhiều tiêu chí và yêu cầu quá khắt khe nhưng không có sự tác động nguy hại, gây lãng phí trong việc cải tạo, sửa chữa để đáp ứng theo quy định. Ông Quản cho rằng, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí đề ra trong nội dung kiểm định, thì đã là phương tiện mới hoàn toàn.
Đối với tình trạng xe chở hàng quá tải trọng, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP.HCM kiến nghị, cần lắp đặt camera để tiến hành xử lý phạt nguội và lắp đặt đồng bộ hệ thống cân để tránh trường hợp xe quá tải đi vào làn hỗn hợp không có lắp cân để tránh việc cân tải trọng.
Trong khi đó, ông Đinh Hồng Kỳ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP. HCM (SACA) kiến nghị, Thứ nhất, hoàn thiện thể chế sau giai đoạn khủng hoản kinh tế khi các trật tự kinh tế đang thay đổi và chuyển dịch. Hoàn thiện thể chế trong lĩnh vực tư pháp. Đẩy mạng phân cấp, phân quyền. Xây dựng cơ chế rõ ràng kiểm soát quyền lực để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Thứ hai, quyết liệt hoàn thiện pháp lý các dự án bất động sản, dự án đầu tư công. TP.HCM có 150 dự án vưởng pháp lý. Trong khi quý I/2023 chỉ có 5 dự án nhà ở được chấp thuận huy động vốn. Quý I/2023, TP.HCM chỉ giải ngân 4% vốn đầu tư công tương đương 1.600 tỷ đồng, bằng hơn 1/3 của Đà Nẵng và bằng 1/2 của Hải Phòng.
Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành chi tiết việc cơ cấu nhóm nợ cho các doanh nghiệp bất động sản. Bộ xây dựng và Bộ Công an cần ban hành chi tiết tháo gỡ những bất cập trong qui định Phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Có thể bạn quan tâm
VCCI với hành trình 60 năm vì doanh nghiệp và đất nước
12:03, 21/04/2023
Thêm 39 doanh nghiệp tham gia "mái nhà chung" VCCI
02:00, 21/04/2023
Tập đoàn Jardine mong muốn VCCI hỗ trợ kết nối đối tác và phát triển bền vững
10:32, 14/04/2023
VCCI Nghệ An tổ chức giải “Golf doanh nhân Sông Lam” để ủng hộ người nghèo
16:35, 09/04/2023
VCCI hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các FTA
02:35, 09/04/2023