Hưng Yên nâng cao PCI từ những mục tiêu cụ thể

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 29/04/2023 01:49

Từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, sau hơn 20 năm nỗ lực, Hưng Yên đã vươn lên trở thành tỉnh có tốc độ phát triển nhanh của cả nước, là điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

>>> Hưng Yên: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mạnh

Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên về những bước đi chiến lược, những quyết sách của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh những năm gần đây.

- Xin ông cho biết những thành tựu thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp thời gian gần đây và định hướng phát triển thời gian tới của tỉnh Hưng Yên?

Trước xu thế toàn cầu hóa, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, không thể phủ nhận vai trò “đầu tàu” của các khu công nghiệp (KCN) trong việc định hướng và phát triển theo hướng xanh hóa. Đây cũng là hướng đi tất yếu, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng bền vững, dài hạn cho doanh nghiệp hoạt động trong KCN, qua đó, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hưng Yên khi thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới – FTAs.

Thời gian qua, ngoài các KCN đã đi vào hoạt động ổn định, có tỷ lệ lấp đầy cao như: KCN Dệt may Phố Nối (tỷ lệ lấp đầy 100%), KCN Phố Nối A (tỷ lệ lấp đầy 83%), KCN Thăng Long II (tỷ lệ lấp đầy 64,6%),… để phát triển công nghiệp bền vững, tăng sức cạnh tranh, tỉnh đã và đang tập trung thu hút đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, hiện đại, tiên tiến; nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Điển hình, khu công nghiệp Sạch mới khởi công tháng 11/2022 có quy mô hơn 143ha, được đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng bởi liên danh các nhà đầu tư của Hàn Quốc và Việt Nam. Dự án khi hoàn thành có thể thu hút khoảng 60 doanh nghiệp của Hàn Quốc. Khi các doanh nghiệp đi vào hoạt động, số tiền đầu tư có thể lên tới 400 triệu USD, sản lượng hằng năm đạt 1,6 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 10 nghìn lao động.

Ngoài ra, ngày 14/3/2023, tỉnh tiếp tục khởi công thực hiện dự án Khu công nghiệp số 5. Đây là KCN được đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, bảo vệ môi trường, được kỳ vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn, an toàn, bền vững cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước; mang đến sự đổi thay trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện Kim Động, Ân Thi và của tỉnh Hưng Yên.

Để thực hiện mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tỉnh định hướng không bổ sung quy hoạch các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm vào các khu, cụm công nghiệp hiện hữu. Thay vào đó, tỉnh chú trọng việc thu hút đầu tư phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn và sản phẩm xuất khẩu; tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng suất lao động. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn như: điện tử - viễn thông; công nghiệp sản xuất thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số; công nghiệp dược phẩm, chế phẩm sinh học, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp môi trường và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

>> Hưng Yên khởi công khu công nghiệp số 5

>> Hưng Yên khởi công cụm công nghiệp tại huyện Kim Động và Ân Thi

Với những thế mạnh về vị trí địa lý, được sự ủng hộ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, với tầm nhìn chiến lược và nhất quán về đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025 sẽ vươn lên trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại, với hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp được xây dựng hoàn thiện, an toàn theo tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu đa dạng, nghiêm ngặt của nhà đầu tư. Hưng Yên kiên quyết không thu hút, tiếp nhận những dự án đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

- PCI có vai trò quan trọng đối với những nhà đầu tư khi muốn tìm hiểu môi trường kinh doanh của tỉnh. Xin ông cho biết thời gian tới, tỉnh Hưng Yên có những bước đi chiến lược nào nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh?

Nhằm nâng cao PCI, thu hút đầu tư, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao các chỉ số thành phần thấp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn.

Theo đó, tỉnh Hưng Yên đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở tất cả các cấp trong việc xúc tiến, quản lý và triển khai các dự án đầu tư theo nguyên tắc “Giải quyết nhanh, linh hoạt nhưng bảo đảm đúng quy định pháp luật”. Đặc biệt, tập trung cải thiện một số chỉ số thành phần còn thấp, như: Tiếp cận đất đai, Chi phí không chính thức,…

Với việc ban hành Quyết định số 2136/QĐ-UBND của UBND tỉnh Hưng Yên về phê duyệt Đề án đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh – PCI giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Hưng Yên phấn đấu mỗi năm xếp hạng PCI tăng 2-5 bậc, năm 2023 ở nhóm 45 và năm 2025 nhóm 40 tỉnh/thành xếp hạng cao nhất. Giai đoạn 2021-2025 sẽ thu hút hơn 10 tỷ USD vốn đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm 2022 tỉnh đã thực hiện vượt Kế hoạch đề ra, xếp Top 14 cả nước về PCI và dự kiến sẽ phấn đấu đến 2025 vào Top 10.

Đồng thời, yêu cầu các đơn vị liên quan phải quyết liệt triển khai nhiệm vụ, xử lý nhanh những phản ánh của doanh nghiệp, mạnh dạn đổi mới lề lối làm việc, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng những cơ chế, chính sách phù hợp; tích cực phân cấp, phân quyền để cải cách thủ tục trong thu hút đầu tư.

Trong định hướng phát triển công nghiệp, tỉnh Hưng Yên ưu tiên lựa chọn những dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trườngp/(Trong ảnh: Khu công nghiệp Yên Mỹ II)

Trong định hướng phát triển công nghiệp, tỉnh Hưng Yên ưu tiên lựa chọn những dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường (Trong ảnh: Khu công nghiệp Yên Mỹ II)

- Nhân kỷ niệm 60 năm thành lập VCCI, ông có thể chia sẻ quan điểm về vai trò của VCCI đối với cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ địa phương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển KT-XH?

Mang trong mình sứ mệnh “điểm tựa kết nối”, VCCI đã phát huy mạnh mẽ vai trò cầu nối giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp, để giúp Chính phủ, địa phương có những phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Từ năm 2014, Chính phủ đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển bền vững là một nhiệm vụ rất quan trọng và thường xuyên. Ở cấp độ địa phương, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh được kết hợp lồng ghép với việc thực hiện, nâng cao các Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh, đặc biệt là Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI.

Từ đó cho thấy, vai trò của VCCI rất to lớn và ngày càng khẳng định trong việc tham gia xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chủ trì điều tra, khảo sát và công bố chỉ số PCI hằng năm, đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành của chính quyền các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển lớn mạnh của các doanh nghiệp.

>> 60 NĂM VCCI: Khát vọng vì một Việt Nam hùng cường

>> 60 NĂM VCCI: Sứ mệnh “Ươm mầm doanh nhân Việt”

Có thể khẳng định, Chỉ số PCI được xem là công cụ chính sách hướng tới sự thay đổi thực tiễn, là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp và môi trường kinh doanh đối với từng địa phương, là kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là động lực cải cách quan trọng đối với môi trường kinh doanh cấp tỉnh, thúc đẩy cho các tỉnh, thành phố phải vào cuộc để tập trung cải cách hành chính, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh một cách nghiêm túc và thực chất.

Những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện chỉ số PCI, kết hợp với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Với những quyết tâm của tỉnh trong việc xây dựng các kế hoạch, đề ra các các giải pháp và đôn đốc thực hiện đã đạt được những cái kết quả nhất định.

Có thể bạn quan tâm

  • Hưng Yên thu hút gần 3.000 lao động tham gia ngày hội việc làm

    Hưng Yên thu hút gần 3.000 lao động tham gia ngày hội việc làm

    12:29, 22/04/2023

  • Hưng Yên: Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    Hưng Yên: Đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    22:05, 12/04/2023

  • Hưng Yên: Đô thị Văn Giang đáng sống như thế nào?

    Hưng Yên: Đô thị Văn Giang đáng sống như thế nào?

    08:00, 28/03/2023

  • Hưng Yên: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mạnh

    Hưng Yên: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển mạnh

    02:22, 18/03/2023

  • Hưng Yên khởi công khu công nghiệp số 5

    Hưng Yên khởi công khu công nghiệp số 5

    12:47, 14/03/2023

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG