Dự án giải quyết ngập lụt đô thị của VCCI Đà Nẵng đạt kết quả ấn tượng
Đến nay, Dự án Giải quyết ngập lụt đô thị của VCCI Đà Nẵng tại tỉnh Bình Định đã chính thức hoàn thành với các kết quả và sản phẩm của Dự án khá đa dạng và đạt được những yêu cầu đề ra.
>>VCCI Đà Nẵng hỗ trợ Bình Định giải quyết ngập lụt đô thị
Chiều ngày 12/5, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) tổ chức Hội thảo kết thúc Dự án Giải quyết ngập lụt đô thị thông qua các sáng kiến cộng đồng và đa thành phần tại Việt Nam được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định). Dự án này được triển khai với sự phối hợp giữa VCCI Đà Nẵng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, thông qua đơn vị quản lý PMCG và Quỹ Châu Á (TAF).
Tham dự hội thảo có hơn 60 đại biểu là đại diện của Nhà tài trợ, đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, các đối tác, chuyên gia, các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân tại địa bàn triển khai Dự án.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI Đà Nẵng cho hay VCCI Đà Nẵng với chức năng nhiệm vụ là cơ quan đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, xúc tiến thương mại đâu tư, hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập cho cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần phát triển doanh nghiệp cũng như kinh tế tại 11 tỉnh thành ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Theo ông Quang, Dự án Giải quyết ngập lụt đô thị thông qua các sáng kiến dựa vào cộng đồng và đa thành phần tại Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, thông qua đơn vị quản lý là PMCG và Quỹ Châu Á tại Việt Nam.
“VCCI Đà Nẵng là cơ quan tiếp nhận tài trợ và thực hiện nhiệm vụ điều phối, triển khai các hoạt động của Dự án tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Với nhiệm vụ trên, VCCI Đà Nẵng luôn xác định mục tiêu tổng thể Dự án là giảm thiểu ngập lụt đô thị thông qua cách tiếp cận đa ngành, chú trọng gắn kết sự tham gia của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cùng chính quyền địa phương và người dân. Trong đó, tập trung cải thiện hiệu quả công tác cảnh báo lũ sớm và nâng cao năng lực ứng phó, khả năng chống chịu với ngập lụt cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đặc biệt tại hai phường Nhơn Bình và Nhơn Phú là khu vực trũng, thường xuyên chịu tác động bởi ngập lụt”, ông Nguyễn Tiến Quang thông tin.
Theo Giám đốc VCCI Đà Nẵng, đến ngày hôm nay, các công việc Dự án đã chính thức hoàn thành với các kết quả và sản phẩm của Dự án khá đa dạng và đạt được những yêu cầu đề ra. Kết quả và sản phẩm ấy trải rộng từ những hạng mục công trình như nạo vét một phần tuyến kênh, khơi thông dòng chảy góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngập lụt, tạo cảnh quan “xanh sạch đẹp” tại tuyến kênh dọc Cụm Công nghiệp Nhơn Bình, xây dựng các cột mốc cảnh báo ngập dọc các tuyến đường thường xuyên bị ngập của hai phường Nhơn Bình, Nhơn Phú cho đến những hạng mục mang tính chất phi công trình.
Trong đó có thể kể đến các hoạt động hỗ trợ cải thiện phương thức truyền tin, nâng cao chất lượng các bản tin cảnh báo lũ sớm, tổ chức hàng chục lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về cảnh báo sớm, quản lý rủi ro ngập lụt, quản lý rác thải cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, hỗ trợ các thiết bị truyền tin cảnh báo sớm cho hai pường, hỗ trợ máy bơm chống ngập cho cụm công nghiệp Nhơn Bình ứng phó với ngập lụt và thùng rác hai ngăn cho phường Nhơn Bình. Song song, huy động nguồn lực từ doanh nghiệp cùng với Dự án tài trợ lắp đặt 01 tháp báo lũ thông minh cho phường Nhơn Phú.
“Có thể nói rằng đây là dự án có nguồn kinh phí không lớn nhưng đã triển khai khối lượng công việc không nhỏ với áp lực về quỹ thời gian không quá dài, đến nay đã chính thức về đích và có thể khẳng định dự án đã mang lại những lợi ích cho địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp, góp phần hiệu quả vào việc cải thiện công tác cảnh báo lũ sớm, giảm ô nhiễm và ngập lụt tại thành phố Quy Nhơn. Qua đó, nâng cao nhận thức, năng lực ứng phó, khả năng chống chịu với lũ lụt của cộng đồng và doanh nghiệp, cũng như thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội trong việc cùng chung tay với chính quyền ứng phó với rủi ro thiên tai”, ông Quang nói.
Theo ông Nguyễn Tiến Quang, ngoài những sản phẩm, lợi ích của Dự án, qua việc triển Dự án cũng rút ra những bài học có nhiều ý nghĩa trong công tác phối hợp giải quyết các vấn đề phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu đó như phối hợp có trách nhiệm, đồng hành, hành động đa thành phần từ chính quyền - doanh nghiệp - người dân và các cơ quan chức năng, hữu quan, đội ngũ chuyên gia. Cùng với đó là sự kết hợp giữa những sản phẩm công trình và phi công trình để mang lại những hiệu quả cao nhất, toàn diện nhát có thể trong khuôn khổ của dự án.
“Đó là sự tích cực, trách nhiệm của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, đó là sự phối hợp giữa cơ quan triển khai dự án với nhà tài trợ, đơn vị tư vấn, nhà thầu, chuyên gia, là sự kết hợp giữa nhận thức và hành động, hành động hiệu quả trong ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Đó cũng là sự lắng nghe, thấu hiểu nhu cầu của địa phương, người dân từ khâu thiết kế, triển khai dự án theo hướng điều chỉnh, linh hoạt trong quá trình triển khai để mang lại kết quả, hiệu quả cao nhất của dự án nhưng không xa rời mục tiêu, mục đích, lợi ích mà dự án hướng tới…Tôi tin rằng, những bài học hữu ích rút ra từ dự án này sẽ khá hữu ích đối với các dự án, công tác khác trong giải quyết các vấn đề về phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu trong thời gian tới”, Giám đốc VCCI Đà Nẵng nói thêm.
Tại Hội thảo, VCCI Đà Nẵng cũng sẽ tham khảo thêm các giải pháp để duy trì các sản phẩm của Dự án một cách hiệu quả và bền vững vì việc này đỏi hỏi phải có sự vào cuộc chỉ đạo của chính quyền các cấp cùng sự phối hợp giữa người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là các kiến nghị, đề xuất và rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai dự án hay những bài học kinh nghiệm thực tiễn về việc phối hợp giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc giải quyết các vấn đề ngập lụt, thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sống để nhân rộng ra các địa phương khác góp phần vì một Việt Nam phát triển biền vững.
Dự án Giải quyết ngập lụt đô thị thông qua các sáng kiến cộng đồng và đa thành phần tại Việt Nam do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thông qua Quỹ Châu Á được triển khai tại thành phố Quy Nhơn từ tháng 4/2022 và kết thúc vào cuối tháng 4/2023. VCCI Đà Nẵng là đơn vị tiếp nhận tài trợ, quản lý, điều phối và tổ chức thực hiện các hoạt động của Dự án. Mục tiêu tổng thể của Dự án là giảm ngập lụt đô thị thông qua cách tiếp cận đa ngành, chú trọng gắn kết sự tham gia của các doanh nghiệp. Trong đó, tập trung cải thiện hiệu quả công tác cảnh báo lũ sớm và nâng cao năng lực ứng phó, khả năng chống chịu với ngập lụt cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, đặc biệt là khu vực trũng, thường xuyên chịu tác động bởi ngập lụt tại hai phường Nhơn Bình và Nhơn Phú. Dự án có 02 dự án thành phần (Tiểu Dự án) gồm Tiểu dự án “Nâng cao khả năng chống chịu với ngập lụt có sự tham gia của doanh nghiệp và cộng đồng tại phường Nhơn Bình, thành phố Quy Nhơn” và Tiểu dự án “Cải thiện hiệu quả công tác cảnh báo lũ sớm và nâng cao năng lực ứng phó với ngập lụt cho cộng đồng và doanh nghiệp tại thành phố Quy Nhơn”. Trong quá trình thực hiện, Dự án đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình, hợp tác có hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, các Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người dân tại địa bàn triển khai Dự án. Sản phẩm của Dự án khá đa dạng từ những hạng mục công trình như nạo vét một phần tuyến kênh, khơi thông dòng chảy góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngập lụt, tạo cảnh quan “xanh sạch đẹp” tại tuyến kênh dọc Cụm Công nghiệp Nhơn Bình. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng các cột mốc cảnh báo ngập dọc các tuyến đường thường xuyên bị ngập của hai phường Nhơn Bình, Nhơn Phú … đến những hạng mục mang tính chất phi công trình như hỗ trợ cải thiện phương thức truyền tin, nâng cao chất lượng các bản tin cảnh báo lũ sớm. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, năng lực về cảnh báo sớm, quản lý rủi ro ngập lụt, quản lý rác thải cho người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó là xây dựng cơ chế đồng quản lý tuyến kênh, hỗ trợ các thiết bị truyền tin để hai phường sử dụng trong công tác truyền tin cảnh báo sớm. Song song, hỗ trợ máy bơm chống ngập và các thiết bị đi kèm cho cụm công nghiệp Nhơn Bình ứng phó với ngập lụt, hỗ trợ 01 tháp báo lũ thông minh cho phường Nhơn Phú… |
Có thể bạn quan tâm