Lạng Sơn: Cải thiện môi trường đầu tư cần đi vào thực chất hỗ trợ doanh nghiệp
Lạng Sơn cần có sự cải cách liên tục, bền vững. Trong đó, tỉnh cần tập trung cải thiện chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền hơn nữa.
>>>Lạng Sơn lọt TOP 30 tỉnh, thành phố có điểm PCI 2022 hàng đầu Việt Nam
Đó là lưu ý của ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI tại Hội nghị đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, nhiệm vụ giải pháp thực hiện năm 2023.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Lạng Sơn có tốc độ cải cách điểm số về thứ hạng trong PCI 2022 đạt ở mức cao nhất từ trước đến nay, đặc biệt chỉ số xanh nằm trong TOP 2 có chỉ số cao nhất, thể hiện sự khởi sắc của chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh của địa phương. Thứ hạng PCI 2022 của Lạng Sơn rất ấn tượng. và hy vọng Lạng Sơn sẽ là cái tên mới nổi bật trong nhóm cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới.
“Để duy trì được chỉ số này, Lạng Sơn cần có sự cải cách liên tục, bền vững. Trong đó tỉnh cần tập trung cải thiện chất lượng thực thi của bộ máy chính quyền hơn nữa, quan tâm đến các doanh nghiệp đang hoạt động, xem họ đang gặp khó khăn vướng mắc gì và đưa ra những giải pháp tháo gỡ, đó cũng là một cách để xúc tiến đầu tư tốt nhất và là trọng tâm trong cải thiện môi trường đầu tư. Cần tổ chức thực thi những chính sách đề ra xuống các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp, nhà đầu tư; Cần sự năng động trong hỗ trợ doanh nghiệp, làm thế nào để doanh nghiệp thụ hưởng được chính sách từ thực tế. Một môi trường kinh doanh thuận lợi là có văn hóa hỗ trợ, đồng hành doanh nghiệp tốt. Hy vọng tỉnh sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ hơn và Lạng Sơn sẽ là cái tên mới nổi bật trong Nhóm cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.
Theo kết quả PCI năm 2022 do VCCI công bố mới đây, tỉnh Lạng Sơn đạt 67,88 điểm, tăng 21 bậc so với năm 2021, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất Việt Nam. Tính riêng khu vực Miền núi phía bắc, tỉnh Lạng Sơn xếp thứ 03/14 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, đây là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh Lạng Sơn có điểm số cao nhất từ trước đến nay.
>>>Kết nối, hợp tác bền vững giữa các doanh nghiệp với tỉnh Lạng Sơn
>>>Quảng Ninh: Đầu tư hơn 800 tỷ đồng xây đường nối với Lạng Sơn
Trong 10 chỉ số thành phần của Báo cáo PCI 2022, Lạng Sơn có 6/10 chỉ số tăng điểm so với năm 2021, đó là: chỉ số Gia nhập thị trường, Tính minh bạch, Cạnh tranh bình đẳng, Chi phí không chính thức, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; nhưng còn có 4/10 chỉ số giảm điểm đó là: chỉ số Tiếp cận đất đai, Chi phí thời gian, Tính năng động và tiên phong của chính quyền, Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, trong 3 năm dưới tác động của đại dịch Covid-19, tỉnh Lạng Sơn đã kiên cường vượt khó, với những cách làm chủ động, sáng tạo để giữ ổn định, phục hồi kinh tế - xã hội. Đồng thời, tổ chức hiệu quả nhiều giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giữ vững nhịp độ phát triển của địa phương.
“Sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp đã góp phần quan trọng để tỉnh Lạng Sơn hoàn thành đạt và vượt các nhiệm vụ, mục tiêu. Qua đó, cho thấy sự nỗ lực, cũng như sự tin tưởng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp vào những chỉ đạo đúng đắn của các cấp lãnh đạo trong tỉnh. Chính quyền tỉnh đã có nhiều giải pháp quan trọng để đồng hành cùng doanh nghiệp, hướng tới phát triển bền vững, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn và luôn đặt người dân, cộng đồng doanh nghiệp là trọng tâm phát triển”, Chủ tịch Hồ Tiến Thiệu bày tỏ.
Tại Hội nghị sáng 19/05, đại diện một số sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã bày tỏ những đề xuất, “hiến kế” để cùng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Lạng Sơn chung quanh các vấn đề cụ thể như: Cải cách thủ tục hành chính; đổi mới phương pháp tiếp xúc đối thoại cũng như cung cấp thông tin hữu ích cho doanh nghiệp; tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Theo lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, kết quả các Chỉ số thấp điểm cho thấy những cải cách, nỗ lực của tỉnh chưa được các doanh nghiệp tiếp cận đầy đủ; thực tế còn những rào cản, bất cập trong quản lý, điều hành, thực thi công vụ và tạo lập môi trường thân thiện, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, dư địa để đổi mới sáng tạo còn rất lớn và tốc độ cải cách chậm so với nhiều địa phương, ít yếu tố đột phá và nhân tố mới.
Thực tế hiện nay vẫn còn một số các sở, ngành, địa phương chưa thực hiện nhất quán chủ trương “đồng hành cùng doanh nghiệp”; chưa chủ động, đổi mới phương pháp trong việc tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để kịp thời tham mưu, giải quyết dứt điểm kiến nghị của doanh nghiệp. Một số thủ tục hành chính còn rườm rà, thời gian xử lý kéo dài, nhiều thủ tục chưa công khai rõ ràng, cán bộ xử lý trực tiếp hồ sơ của doanh nghiệp còn cứng nhắc, chưa thực sự hỗ trợ và giải quyết triệt để những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp
Ngoài ra, sự chồng chéo giữa các quy hoạch dẫn đến công tác thu hút đầu tư bị hạn chế và gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh; Việc giải phóng mặt bằng quỹ đất sạch còn gặp khó khăn, thiếu quỹ đất sạch. .. cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc cải thiện môi trường đầu tư của Lạng Sơn.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lạng Sơn đánh giá, lần đầu tiên PCI tỉnh Lạng Sơn đạt trong Top 30. Đối với các Chi số tăng điểm đã phản ánh trung thực những vấn đề đã được cải thiện, đã tiến bộ. Tuy nhiên, vẫn còn một số Chỉ số doanh nghiệp chưa đánh giá cao, ví dụ như Chỉ số Tiếp cận đất đai. Lâu nay DDCI ngành TNMT vẫn xếp trong nhóm cuối bảng xếp hạng. Điều đó cho thấy vẫn còn sức ỳ rất lớn của cán bộ thực hiện TTHC về đất đai. Chỉ số Chi phí thời gian cũng không cải thiện nhiều, vẫn còn những TTHC kéo dài thời gian; Tính năng động của chính quyền cũng cần cầu tiến, sửa đổi nghiêm túc.
“Tỉnh cần quán triệt, có chương trình cụ thể, rõ nét và kế hoạch dài hơi để cải thiện môi trường đầu để giữ được vị trí PCI. Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng trong những năm tới tỉnh tiếp tục duy trì DDCI và đối với PCI tiếp tục giao các ngành, HHDN để có nhãn quan khách quan để cải thiện thực chất thứ hạng PCI. Thực tế sự đồng hành và giải quyết khó khăn trong bối cảnh hiện nay vẫn còn chưa đáp ứng sự kỳ vọng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục quan tâm và đưa Nghị quyết phát triển doanh nghiệp đi vào thực tế để tạo điều kiện cho các DN phát triển bền vững, tạo nên “xương sống” cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương”, ông Hồ Phi Dũng nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới,Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục kiên trì cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng chất lượng, hiệu quả. Đề nghị các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp cần chủ động, tích cực trong tương tác với chính quyền. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phải nắm rõ những khó khăn cụ thể của các hội viên, doanh nghiệp và thường xuyên giúp tỉnh “giám sát” xem còn vướng ở ngành nào, huyện nào nhằm tạo áp lực cải thiện mạnh mẽ hơn.
Năm 2023, tỉnh Lạng Sơn xác định mục tiêu tiếp tục duy trì thứ hạng PCI và tập trung cải thiện những Chỉ số thấp điểm. Với phương châm hành động “hành chính phục vụ”, cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực để cải cách. Tỉnh Lạng Sơn sẽ nhìn vào kết quả PCI 2022 để nỗ lực cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư chứ không phải để hài lòng.
Trong thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số, coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình giải quyết các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp; Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Định kỳ tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp thông qua nhiều hình thức để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách về đăng ký đất đai và đổi mới quản lý hành chính đất đai, thực hiện các thủ tục hành chính theo đúng thời gian đã được rút ngắn, tạo ra tính công bằng trong việc tiếp cận đất đai cho tất cả các doanh nghiệp. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác đào tạo lao động; tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và các chính sách hỗ trợ công khai, minh bạch...
Có thể bạn quan tâm
PCI Nghệ An hướng tới Top 15
16:02, 18/05/2023
Quảng Ninh: Giải pháp nâng cao chất lượng PCI bền vững
00:24, 05/05/2023
PCI – Động lực tăng trưởng kinh tế Thái Nguyên
12:26, 04/05/2023
PCI 2022: Nam Định quyết liệt cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai
00:05, 02/05/2023
Hưng Yên nâng cao PCI từ những mục tiêu cụ thể
01:49, 29/04/2023
Vĩnh Phúc không ngừng tìm kiếm giải pháp để nâng cao PCI
19:52, 27/04/2023