Theo báo cáo của VCCI, trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2022, tỉnh Nam Định có chỉ số tiếp cận đất đai đạt 5,57 điểm, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố, lọt top 10 tỉnh, thành phố tích cực.
>>>Nam Định: Tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
Quyết liệt...
Theo kết quả khảo sát trong chỉ số thành phần tiếp cận đất đai PCI năm 2022 có 87% doanh nghiệp được khảo sát có thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai trong vòng 2 năm qua nhưng không gặp bất kỳ khó khăn nào về thủ tục; 86% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng sự thay đổi bảng giá đất của tỉnh phù hợp với thay đổi giá thị trường; đã có 35% doanh nghiệp được khảo sát tin rằng sẽ được bồi thường thoả đáng khi bị thu hồi đất; chỉ có 25% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; chỉ còn 22% doanh nghiệp được khảo sát cho rằng cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết TTHC không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ; chỉ có 1,58% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá có rủi ro bị thu hồi đất.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Thực tế cũng cho thấy, những năm gần đây các cấp chính quyền của tỉnh đều nhận thức rõ vấn đề tiếp cận đất đai và duy trì ổn định trong quá trình sử dụng đất để phục vụ sản xuất, kinh doanh luôn là điều mà các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm.
Tỉnh đã thẳng thắn chỉ rõ “nút thắt” gây phức tạp và khó cải thiện nhất trong lĩnh vực đất đai là tính liên ngành, liên cấp trong quản lý, giải quyết thủ tục đất đai, từ đó chỉ đạo các ngành, các địa phương phải tăng cường chủ động phối hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận đất đai.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, các ngành, các địa phương tập trung xây dựng quy hoạch đất đai hợp lý; chuẩn bị sẵn các quỹ đất sạch cho nhà đầu tư nghiên cứu, lựa chọn; minh bạch và chủ động cung cấp thông tin về quy hoạch tới các doanh nghiệp; giải quyết thông thoáng các thủ tục thuê, mua đất; nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ; hỗ trợ tích cực giải phóng mặt bằng; tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp trong các thủ tục liên quan khác (chẳng hạn việc cấp phép xây dựng) để doanh nghiệp có thể nhanh chóng thiết lập hoạt động trên mặt bằng kinh doanh đã có.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT): Là cơ quan được phân công phụ trách chỉ số thành phần tiếp cận đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát và thông tin kịp thời về quy hoạch, kế hoạch SDĐ cho doanh nghiệp, nhà đầu tư biết để chủ động trong việc lập dự án sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, ngành TN và MT cũng công khai minh bạch các TTHC, rà soát các dự án chậm tiến độ; thu hồi dự án chậm triển khai để bổ sung quỹ đất cho các nhà đầu tư khác. Mọi khó khăn, vướng mắc mà các huyện, thành phố gặp phải trong cung ứng mặt bằng sản xuất cho doanh nghiệp đều được Sở TN và MT tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan tập trung tháo gỡ, nhất là việc điều chỉnh kế hoạch, quy hoạch SDĐ, xác định giá đất, giải phóng mặt bằng...
Đồng thời, ngành TN và MT đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết các TTHC liên quan đến đất đai. Đến thời điểm này, đã triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tạo tài khoản cho công dân; luân chuyển hồ sơ trực tuyến; tra cứu dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong thực hiện TTHC; đã tổ chức triển khai thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết đối với các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh, Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cần tích cực cải thiện hơn
Bên cạnh những nội dung được doanh nghiệp đánh giá tích cực nhưng so với năm 2021, chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh vẫn giảm 0,28 điểm; kết quả một vài chỉ số thành phần vẫn còn dư địa để cải thiện, đặc biệt cũng còn những chỉ số cần chú trọng lưu ý như là: 40% doanh nghiệp được khảo sát cho biết có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa đăng ký do thủ tục hành chính rườm rà/lo ngại cán bộ nhũng nhiễu; 25% doanh nghiệp được khảo sát đánh giá các thủ tục xác định giá trị quyền sử dụng đất rất mất thời gian; 25% doanh nghiệp được khảo sát cho biết phải trì hoãn, bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, thời gian tới, tỉnh quyết liệt chỉ đạo tăng cường các biện pháp cải thiện chất lượng tiếp cận đất đai. Bên cạnh những giải pháp đã và đang triển khai, tỉnh yêu cầu các ngành, các địa phương phải ưu tiên các nhiệm vụ: Tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ đất đai so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định; nâng cao tỷ lệ đánh giá được cán bộ hướng dẫn chi tiết, đầy đủ khi nhận hồ sơ và giải quyết TTHC...
Trước mắt tỉnh đang khẩn trương hoàn tất các bước để ban hành Bảng giá đất cụ thể đảm bảo tính sát thực với giá thị trường, góp phần rút ngắn thời gian xác định giá đất. Các huyện, thành phố cũng chủ động rà soát lại toàn bộ các dự án trên địa bàn để ngay trong quý II-2023, khi Quy hoạch chung của tỉnh được phê duyệt, sẽ có thể triển khai nhanh nhất nhiệm vụ lập điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; từ đó có cơ sở thu hút đầu tư, bố trí đất phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh.
Chủ động tham mưu, phối hợp trong công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh. Về lâu dài, các ngành, các địa phương phải tăng cường công khai các quy hoạch, kế hoạch SDĐ, thông tin về khu đất, quỹ đất sạch bán đấu giá để doanh nghiệp, người dân dễ dàng tiếp cận.
Đẩy mạnh kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế trong việc xác định nghĩa vụ tài chính khi người sử dụng đất thực hiện giao dịch về đất đai và tài sản gắn liền với đất. Tiếp tục rà soát, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khi thực hiện TTHC về đất đai; nỗ lực giúp các doanh nghiệp ngày càng thuận lợi hơn trong tiếp cận đất đai
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Để nâng cao chỉ số PCI cho những năm tiếp theo, Nam Định quyết liệt đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và chuyển đổi số. Thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai. Đổi mới phương thức xúc tiến, thu hút đầu tư. Chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; hướng tới các nhà đầu tư lớn nhằm thu hút các dự án FDI có vốn lớn và công nghệ cao.
Có thể bạn quan tâm