Nam Định: Tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

MINH HUỆ 27/04/2023 01:52

Kết quả xếp hạng PCI năm 2022 do VCCI công bố cuối tháng 4 vừa qua cho thấy, Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DVHT) của tỉnh đạt 5,94 điểm giảm 0,5 điểm so với năm 2021.

>>>PCI 2022: Nam Định thẳng thắn nhìn nhận những “điểm nghẽn”

Để cải thiện, nâng cao PCI tỉnh phải đặc biệt quan tâm cải thiện chỉ số này, giúp các doanh nghiệp được tiếp cận nhiều hơn với các DVHT.

Tập trung tháo gỡ khó khăn

Theo lãnh đạo Sở Công thương, phát triển hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó đặc biệt có ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng, góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu nền kinh tế. Trong những năm qua, CNHT ở địa phương đã có những bước tiến nhất định, song vẫn chưa xứng với tiềm năng vốn có. Một trong những rào cản lớn nhất đối với doanh nghiệp CNHT là khó khăn trong tiếp cận vốn ngân hàng, đòi hỏi các cấp, ngành cùng chung tay tháo gỡ sớm. 

Nhiều chính sách, chương trình đã được ban hành để khuyến khích, tập trung nguồn lực và tạo điều kiện phát triển ngành CNHT như: Nghị định số 111/2015/NĐ-CP ngày 3-11-2015 của Chính phủ về phát triển CNHT; Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 18-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 8-6-2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT cũng nêu yêu cầu tập trung vốn ưu đãi phát triển CNHT trong ngành điện tử, cơ khí, dệt may, da giày, được kỳ vọng sẽ tạo ra sự kích thích mạnh mẽ cho CNHT trong thời gian tới. 

Theo đó, về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển CNHT gồm: ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu (đối với hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định); thuế giá trị gia tăng…; được hỗ trợ tối đa 50% kinh phí cho dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNHT; hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đầu tư trang thiết bị nghiên cứu từ chương trình phát triển CNHT…

Tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho công nghiệp hỗ trợ (ảnh báo Nam Định)

Tập trung tháo gỡ khó khăn về vốn vay cho công nghiệp hỗ trợ (ảnh báo Nam Định)

Theo Nghị định số 111/2015/NĐ-CP, Nam Định có 2 ngành công nghiệp nằm trong danh mục có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển là ngành dệt may, cơ khí chế tạo và một số khâu trong ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô. Trong đó, đã có một số doanh nghiệp của tỉnh ta đầu tư sản xuất thành công các sản phẩm thuộc CNHT (sợi, vải, chỉ và tơ tằm) như các đơn vị: Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định; Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định; Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam.

Một trong những ngành công nghiệp chủ lực khác của tỉnh cũng có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các lĩnh vực CNHT là ngành cơ khí chế tạo ở các địa phương như: Thành phố Nam Định có thế mạnh về các sản phẩm cơ khí gia công từ kim loại (dây lưới thép, thiết bị phục vụ các ngành: điện, giao thông vận tải, xây dựng và sản phẩm cơ khí dân sinh) tại Cụm công nghiệp Hòa Xá. Huyện Vụ Bản có thế mạnh nghề rèn các loại nông cụ và sản phẩm phục vụ ngành lâm nghiệp tại các xã Quang Trung, Trung Thành; sản xuất dây diện, thiết bị linh kiện điện tử tại Khu công nghiệp Bảo Minh. Chi tiết máy, phụ tùng xe đạp, xe máy, luyện cán thép, sản xuất đồ dùng sinh hoạt… là các sản phẩm cơ khí chủ lực của thị trấn Nam Giang (Nam Trực). Huyện Xuân Trường phát triển mạnh cơ khí chế tạo máy; động cơ điện tại các xã Xuân Kiên, Xuân Tiến.

Đúc và gia công kim loại màu là nghề truyền thống ở làng nghề Tống Xá, thị trấn Lâm (Ý Yên); nghề đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy phát triển ở nhiều địa phương như: thị trấn Cát Thành (Trực Ninh), Xuân Trường và các huyện ven biển: Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy.

Sản xuất ngành công nghiệp Nam Định

Sản xuất ngành công nghiệp Nam Định

Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, số lượng các doanh nghiệp của tỉnh tham gia sản xuất các sản phẩm CNHT vừa “yếu” vừa “thiếu”, phát triển ở dạng tự phát, manh mún, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Lĩnh vực dệt may là công nghiệp chủ lực, có bề dày truyền thống, chiếm gần 40% tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh, song phần lớn các doanh nghiệp trong ngành cũng chỉ tham gia ở các khâu ít lợi nhuận nhất trong chuỗi giá trị là gia công. Một số ít doanh nghiệp ngành dệt may có tham gia sản xuất nguyên liệu nhưng mới chỉ tự chủ được khoảng 30% nguyên liệu, còn phụ thuộc nguồn nguyên liệu nhập khẩu tới 70% (thậm chí có tới 90% nguyên liệu nhập khẩu từ một thị trường duy nhất).

Ngoài ngành dệt may, nhiều ngành công nghiệp chủ yếu khác của tỉnh ta như cơ khí, chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất thuốc… tuy không phải nhập nhiều nguyên liệu từ nước ngoài nhưng có nhiều công đoạn trong chuỗi giá trị sản xuất không tự chủ dẫn tới sản phẩm kém chất lượng, không đạt chuẩn do thiếu hụt các sản phẩm CNHT.

Khó tiếp cận vốn

Hiện Nam Định có gần 11 nghìn doanh nghiệp, trong đó, phần lớn (98%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, thực trạng trên dẫn đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng dành cho CNHT do năng lực tài chính thấp, thiếu hoàn thiện về báo cáo tài chính, hóa đơn, công nghệ sản xuất lạc hậu; không có hoặc có ít tài sản bảo đảm...

Mặt khác, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp CNHT thường rất lớn so với quy mô tài sản của doanh nghiệp (nhu cầu vay thường là trung, dài hạn để đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất); trong khi đó, chính sách tín dụng ưu đãi chỉ áp dụng cho nhu cầu vốn ngắn hạn, phạm vi ưu đãi hẹp; chưa kể, rất ít doanh nghiệp được cấp chứng nhận thuộc đối tượng CNHT ưu tiên phát triển nên nhiều doanh nghiệp CNHT không “mặn mà” vay vốn.

Tính đến hết quý I năm 2023, dư nợ cho vay CNHT trên địa bàn tỉnh Nam Định đạt 630,6 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay ngắn hạn là 571 tỷ đồng; dư nợ cho vay trung, dài hạn là 59,6 tỷ đồng. Hiện tại mới chỉ có 2 ngân hàng giải ngân cho vay lĩnh vực CNHT là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Chi nhánh Nam Định (dư nợ 235,4 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Thành Nam (dư nợ 395,2 tỷ đồng). Số lượng khách hàng lẫn các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ về vốn đối với CNHT quá ít so với tiềm năng đáng có. 

Hiện Nam Định có gần 11 nghìn doanh nghiệp, trong đó, phần lớn (98%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa (ảnh báo Nam Định)

Hiện Nam Định có gần 11 nghìn doanh nghiệp, trong đó, phần lớn (98%) là doanh nghiệp nhỏ và vừa (ảnh báo Nam Định)

Thời gian tới, xác định CNHT là một trong những lĩnh vực cần ưu tiên bố trí vốn để phát triển, ngành Ngân hàng tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tiền tệ, tín dụng nhằm đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục hoàn thiện xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay, qua đó tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản; xây dựng các chương trình, gói tín dụng với lãi suất hợp lý cho doanh nghiệp, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; đơn giản hóa thủ tục hành chính để tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.

Về phía doanh nghiệp CNHT phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật; tăng cường năng lực quản trị, tìm kiếm thị trường, minh bạch thông tin để nâng cao uy tín đối với các tổ chức tín dụng; tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng hỗ trợ kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của doanh nghiệp trong quá trình vay vốn đáp ứng các điều kiện vay vốn của ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • PCI 2022: Nam Định thẳng thắn nhìn nhận những “điểm nghẽn”

    PCI 2022: Nam Định thẳng thắn nhìn nhận những “điểm nghẽn”

    02:14, 23/04/2023

  • Nam Định: Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch

    Nam Định: Đánh thức tiềm năng phát triển du lịch

    02:30, 21/04/2023

  • Nam Định: Giảm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề

    Nam Định: Giảm ô nhiễm môi trường ở các làng nghề

    00:06, 21/04/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nam Định: Tăng cường dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO