Tỉnh Thái Nguyên xác định cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đảm bảo tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế.
>>> Thái Nguyên hướng tầm nhìn xa hơn
- Xin ông cho biết, tỉnh Thái Nguyên có những chương trình hành động, nhóm giải pháp trọng tâm nào để cải thiện PCI trong thời gian qua?
Có thể nói, PCI ngày càng được các nhà đầu tư quan tâm khi đến tìm hiểu môi trường đầu tư; đồng thời đánh giá được tính năng động của chính quyền địa phương trong việc thu hút đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Để cải thiện và nâng cao PCI, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương căn cứ vào 10 chỉ số thành phần của PCI, liên quan đến trách nhiệm của mình tự đánh giá xem xét nhận định của doanh nghiệp đúng hay sai và đánh giá cả công tác cán bộ, đưa ra được giải pháp khắc phục.
Từ đó, tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể đã được giao theo từng chỉ số thành phần; thường xuyên rà soát các cơ chế, chính sách về đầu tư, kinh doanh, kiến nghị sửa đổi, loại bỏ các nội dung không còn phù hợp với cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp; tuyên truyền trong cộng đồng doanh nghiệp đánh giá PCI một cách khách quan, trung thực, chính xác.
>>> Thái Nguyên: Sức khỏe doanh nghiệp là sức khỏe của địa phương
>>> Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050: Thái Nguyên tạo đột phá ra sao?
- Để tiếp tục cải thiện PCI, tỉnh Thái Nguyên đã và sẽ phải quyết liệt hơn trong thời gian tới, thưa ông?
Đúng vậy. Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên luôn sát sao chỉ đạo các Giám đốc sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc nhìn nhận những mặt hạn chế, dám nhận trách nhiệm và phải đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục những yếu kém. Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn và trách nhiệm công vụ, văn hóa công sở của đội ngũ cán bộ, công chức.
Đồng thời, từng cáp cán bộ phải quán triệt, triển khai ngay tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh đến cán bộ, công chức, tăng cường thanh - kiểm tra trách nhiệm công vụ, thời gian giải quyết thủ tục hành chính, nhất là TTHC về đất đai, xây dựng, đầu tư; cương quyết xử lý nghiêm đối với những cán bộ nhũng nhiễu, vòi vĩnh doanh nghiệp, chậm trễ trong giải quyết hồ sơ TTHC.
Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số để minh bạch thông tin, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền.
Từng cơ quan, đơn vị đưa nhiệm vụ tham mưu, thực hiện các chỉ số PCI thuộc trách nhiệm là một trong những tiêu chí hàng năm để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ thực thi công vụ và tỉnh xem xét đề xuất thi đua, khen thưởng với các tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực.
Ban Chỉ đạo PCI của tỉnh tiếp tục phối hợp UBND các huyện, thành phố tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn, tăng cường trao đổi tiếp xúc với các Hiệp hội, Hội doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe, kịp thời nắm bắt và thống nhất giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phản ánh trực tiếp đến các Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh; báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh những công việc giải quyết của các sở, ngành, địa phương gây cản trở đến hoạt động của các doanh nghiệp để chỉ đạo giải quyết. Tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, đoàn kết, trao đổi thông tin, kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau, hỗ trợ nhau để cùng phát triển, tạo các chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh.
- Ông có kỳ vọng gì vào việc hợp tác với VCCI trong các chương trình phát triển doanh nghiệp của tỉnh Thái Nguyên?
VCCI – với vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, đã tiếp thu và đưa ra các kiến nghị để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Hoạt động của VCCI có vai trò to lớn, ngày càng được khẳng định và đề cao trong việc tham gia xây dựng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ xúc tiến đầu tư. Trong đó, đặc biệt là sáng kiến Dự án hợp tác nghiên cứu giữa VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ chủ trì điều tra, khảo sát và công bố PCI hàng năm, đánh giá và xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành phố phố về chất lượng điều hành kinh tế và xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp dân doanh.
PCI được xem là kênh thông tin quan trọng, một công cụ chính sách, hướng tới thay đổi thực tiễn, là "tiếng nói", thể hiện cảm nhận của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh của địa phương, kênh thông tin tham khảo tin cậy về địa điểm đầu tư, là động lực thúc đẩy các tỉnh, thành phố phải vào cuộc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Những nghiên cứu, đóng góp của VCCI đã góp phần làm cho các Nghị quyết của Ðảng, và văn bản pháp luật của Nhà nước phản ánh được ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp bảo đảm tính thực thi, tạo ra những đột phá về chính sách và hành lang pháp lý cho hoạt động của doanh nghiệp.
Đối với tỉnh Thái Nguyên, điều này thể hiện rõ nét, nổi bật trong mấy năm gần đây. Có thể kể tới hoạt động điều tra, khảo sát và công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh hàng năm đều tốt, tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) tuy mới bắt đầu thực hiện từ năm 2021 nhưng thuộc Top các tỉnh đi đầu và tạo không khí thi đua mới. Môi trường sản xuất, kinh doanh ở tỉnh chưa bao giờ minh bạch, bình đẳng và hiệu quả như hiện nay. Chúng tôi mong muốn VCCI tiếp tục hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư lớn vào tỉnh Thái Nguyên.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
11:01, 27/04/2023
16:32, 15/04/2023
19:08, 03/04/2023
05:56, 12/02/2023
03:00, 20/01/2023