Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững
Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững là hai yếu tố cần song hành để đạt được các mục tiêu kinh doanh đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội.
>>>TRỰC TIẾP: Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF)
Ngày 23/08/2023, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) đã tổ Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF). VCSF năm 2023 có chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”.
Phát biểu khai mạc phiên chuyên đề, bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch HĐQT PNJ nhấn mạnh: Sản xuất và kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững đã trở thành xu thế tất yếu giúp doanh nghiệp có thể nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn, thu hút tốt hơn các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, cũng như đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường mục tiêu theo yêu cầu của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương mà Việt Nam đã tham gia. Từ đó, giúp doanh nghiệp có thể trụ vững, phục hồi trước các “cú sốc” bên ngoài và phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
“Thúc đẩy phát triển bền vững doanh nghiệp, từ đó xây dựng một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh là chiến lược và mục tiêu mà VCCI nói chung và VBCSD nói riêng đã, đang, và sẽ nỗ lực bền bỉ theo đuổi. Được thành lập năm 2010 theo phê duyệt của Chính phủ, đến nay VBCSD đã quy tụ một mạng lưới hàng trăm các doanh nghiệp, tổ chức trong nước, quốc tế có cam kết và hành động mạnh mẽ về phát triển bền vững.
Thông qua các hoạt động trọng tâm như truyền thông, nâng cao nhận thức; nghiên cứu; đào tạo; kiến nghị chính sách; hợp tác quốc tế và quan hệ đối tác, VBCSD đã có nhiều đóng góp vào sự chuyển đổi tư duy kinh doanh từ “vị” lợi nhuận sang kinh doanh có trách nhiệm; tiên phong đem những khái niệm, xu hướng mới của thế giới trong kinh doanh bền vững như kinh doanh cùng người thu nhập thấp, kinh tế tuần hoàn, quản trị doanh nghiệp bền vững, xây dựng văn hóa kinh doanh đa dạng, bình đẳng và bao trùm… đến với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời phối hợp với các Bộ ngành, đối tác trong nước, quốc tế hỗ trợ triển khai hàng trăm sáng kiến mô hình kinh doanh bền vững trên toàn quốc”- bà Dung cho biết.
Phiên chuyên đề của VCSF 2023 đã tập trung vào 02 tọa đàm chuyên đề với chủ đề: “Thúc đẩy các sáng kiến “vị” tự nhiên hướng tới nền kinh tế các-bon thấp”; “Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua xây dựng chuỗi cung ứng xanh”. Thông qua các cuộc toạ đàm, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp đã chia sẻ những thông lệ tốt, những kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình thực hành phát triển bền vững cũng như các khó khăn vướng mắc đang tồn tại.
Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Nghiên cứu Phát triển và Phát triển bền vững Tập đoàn PAN chia sẻ: Chiến lược phát triển bền vững hài hoà lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội xuất phát từ chính nhu cầu nội tại của công ty nhằm tối ưu hoá các nguồn lực. Bên cạnh đó, đây cũng là yêu cầu từ phía các khách hàng, đối tác, đặc biệt là các khách hàng Châu Âu. Chẳng hạn, Tập đoàn Tesco yêu cầu dấu vết các- bon trên các sản phẩm thuỷ sản. Lợi ích của doanh nghiệp khi áp dụng phát thải thấp ở nhà máy là đã giảm được chi phí và giảm phát thải, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng. Giúp doanh nghiệp tăng doanh thu và lợi nhuận, nâng cao giá trị thương hiệu khi ra thị trường quốc tế; tận dụng được các phụ phẩm; thâm nhập mở rộng thị trường nhất là các thị trường cao cấp. Đặc biệt, hiện nay các nhà đầu tư không chỉ quan tâm tới các chỉ số về kinh tế mà họ còn quan tâm đến sự tuân thủ của các công ty về môi trường và xã hội.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam cho rằng, thực hành phát triển bền vững có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Tại AEON, khách hàng có thể thuê túi mà không phải mua mới, qua đó lan toả hành vi tiêu dùng xanh sử dụng túi môi trường xanh. AEON đã có nhiều hoạt động cộng đồng lồng ghép giáo dục, đào tạo và chia sẻ qua đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Hiện khách thuê túi của AEON đã lên tới 20.000 lượt.
>>>Khám phá các giải pháp dựa vào thiên nhiên để quản lý nước thải bền vững
>>>Mong muốn doanh nghiệp Hải Phòng tham gia tích cực vào phát triển xanh, bền vững
Theo ông Vũ Chí Công, Giám đốc, Trưởng bộ phận ESG,Tập đoàn Vinacapital: Nghịch lý là nguồn vốn xanh hiện nay khá nhiều nhưng không có địa chỉ để đầu tư. Vấn đề là tính sẵn sàng về thông tin của các doanh nghiệp. Việc kiểm kê thông tin, lưu trữ thông tin, công cố thông tin chưa được doanh nghiệp quan tâm. Nếu doanh nghiệp không có đầy đủ thông tin, dữ liệu thì các quỹ đầu tư không thể tiếp cận được.
“Thách thứ lớn nhất chính là nguồn nhân lực để thực hiện. Nhân lực chuyển đổi xanh hiện nay yếu và thiếu chính vì vậy Chính phủ và các cơ sở đào tạo phải quan tâm đào đạo đội ngũ nguồn nhân lực này”- ông Công nhận định.
Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) là một trong những sáng kiến tiêu biểu và nỗ lực đáng ghi nhận của VBCSD-VCCI để tăng cường đối thoại giữa Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp về kinh doanh bền vững trong suốt 9 năm qua.
Bước sang năm thứ 10, VCSF 2023 sẽ mang đến cho quý vị đại biểu những thông tin cập nhật, hữu ích nhất, chia sẻ các thông lệ tốt của các doanh nghiệp bền vững trong quá trình triển khai “từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững” về một loạt các chủ đề có liên quan chặt chẽ đến “cuộc đua xanh toàn cầu” hiện nay. Đó là: đẩy mạnh triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp; xây dựng chuỗi cung ứng xanh; bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển dịch năng lượng bền vững; phát triển kinh tế biển xanh; thực hành khung đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trong doanh nghiệp (DN) hướng tới tăng trưởng xanh...
Từ đó, các doanh nghiệp sẽ được tiếp thêm cảm hứng, động lực để cùng nỗ lực và cam kết mạnh mẽ hơn nữa với con đường kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm.
Có thể bạn quan tâm