Việt Nam – Hồng Kông tăng cường hợp tác xuyên biên giới
Đó là khẳng định của Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành tại sự kiện giao lưu, kết nối với chủ đề: Hồng Kông với vai trò trung tâm logistics quốc tế - Cầu nối cho chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp.
>>>Giải bài toán logistics ở Tây Nguyên
Phát biểu tại sự kiện giao lưu, kết nối với chủ đề: Hồng Kông với vai trò trung tâm logistics quốc tế - Cầu nối cho chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành cho biết, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao, tích cực hội nhập quốc tế.
Sau khi kiểm soát và thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch, Việt Nam đang từng bước khôi phục lại đà tăng trưởng kinh tế khi đạt mức tăng trưởng cao 8,02% năm 2022, quy mô nền kinh tế tăng hơn 10 lần so với năm 2000. Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, bất ổn, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tăng. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022 đạt mức kỷ lục 732,5 tỷ USD. Riêng 9 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt gần 500 tỷ USD.
Để có được kết quả tích cực này không thể không kể đến đóng góp của ngành dịch vụ logistics. Dù gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua song các doanh nghiệp logistics Việt Nam đã thích nghi và cơ bản vẫn duy trì được chuỗi cung ứng.
Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới công bố năm 2023, Việt Nam đứng vị trí thứ 43 trong bảng xếp hạng chỉ số hiệu quả logistics, thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN. Với tốc độ tăng trưởng thị trường logistics bình quân hàng năm từ 14-16%, tiềm năng phát triển logistics của Việt Nam là rất lớn.
Một trong những giải pháp phát triển ngành logistics Việt Nam, bên cạnh việc hoàn thiện quy định pháp luật, mở rộng nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số và xanh hóa, đó là đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics, tăng cường liên kết với các cơ quan, chính quyền, hiệp hội và DN trong ngành logistics với các nước và khu vực lân cận, trong đó có Hồng Kông.
Hồng Kông hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đứng thứ 5 về thị trường xuất khẩu. 9 tháng đầu năm 2023, quy mô thương mại song phương ước đạt 8 tỷ USD. FDI lũy kế đến tháng 9.2023 của Hồng Kông vào Việt Nam đạt 31,34 tỷ USD, đứng thứ 5. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hồng Kông trong các nước ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hồng Kông trên toàn cầu.
Hồng Kông có thế mạnh là cửa ngõ kết nối về thương mại, logistics giữa Trung Quốc với khu vực và thế giới thông qua các sáng kiến “Vành đai, Con đường”; “Khu vực Vịnh Lớn Hồng Kông - Quảng Châu - Macao”. Việc xuất khẩu hàng hóa từ Việt Nam đi các thị trường đối tác trọng điểm thông qua cửa ngõ Hồng Kông đều có lợi thế về chi phí logistics.
“Đây là những nhân tố sẽ giúp tăng cường kết nối thương mại xuyên biên giới và quan hệ kinh tế giữa hai bên, cũng như giữa các nước ASEAN với các nền kinh tế Đông Á và thế giới”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT và Logistics Hong Kong Lam Sai Hung chia sẻ: “Trước đại dịch COVID-19, LOGSCOUNCIL đã tổ chức những chuyến đi thường niên tới các khu vực khác nhau trên thế giới để thúc đẩy vai trò trung tâm logistics quốc tế của Hồng Kông và quan trọng nhất là tìm kiếm sự hợp tác với các đối tác của chúng tôi trong ngành logistics đang phát triển không ngừng. Với tình hình toàn cầu trở lại bình thường hậu đại dịch, chúng tôi rất vui mừng khi Việt Nam là điểm đến cho chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của chúng tôi sau vài năm trở lại”.
Trở lại thời điểm hiện tại, Hồng Kông và Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi từ thương mại song phương mạnh mẽ và phát triển nhờ vào sự gần gũi về địa lý và sự phát triển kinh tế của hai khu vực. Tầm quan trọng của Việt Nam đối với Hồng Kông còn có thể được chứng minh qua việc Việt Nam là nhà cung cấp gạo lớn thứ hai tại khu vực vào năm 2022.
Tất nhiên, thương mại song phương của hai nước còn nhiều hơn thế. Năm 2022, thương mại hàng hóa song phương giữa Việt Nam và Hồng Kông đạt khoảng 33 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ấn tượng là 14,5% từ năm 2018 đến năm 2022. Năm 2022, Hồng Kông và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ bảy của nhau về thương mại hàng hóa.
Việt Nam thậm chí còn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Hồng Kông trong số 10 nước thành viên ASEAN. Quan hệ thương mại song phương của chúng ta ngày càng trở nên chặt chẽ hơn với Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Đầu tư do Hồng Kông ký kết với ASEAN, có hiệu lực đầy đủ từ năm 2021.
“Là một trung tâm thương mại và logistics quốc tế, Hồng Kông tiếp tục đóng vai trò là cửa ngõ lý tưởng giữa Trung Quốc đại lục và thế giới, trong đó có Việt Nam. Vào năm 2022, khoảng 23 tỷ đô la giá trị thương mại giữa Trung Quốc đại lục và Việt Nam được thực hiện thông qua Hồng Kông, chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc đại lục và Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ GTVT và Logistics Hong Kong Lam Sai Hung cho biết.
Đồng thời, ông cũng khẳng định, các nhà cung cấp dịch vụ logistics Hồng Kông có thể cung cấp cho các công ty và nhà sản xuất Việt Nam các giải pháp logistics theo nhu cầu, nhằm vào các sản phẩm có giá trị cao, để tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng đang phát triển ở GBA và xa hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
Giải bài toán logistics ở Tây Nguyên
14:54, 07/10/2023
FWC 2023: Ngành logistics thích ứng biến đổi khí hậu
13:44, 06/10/2023
Cần tối ưu hóa quy trình vận hành trong logistics
15:30, 05/10/2023
Logistics Việt Nam - Làm gì để trở thành "con đường màu xanh" ra thế giới?
12:16, 05/10/2023
Thúc đẩy quan hệ hợp tác và chia sẻ trong ngành logistics
10:30, 05/10/2023