Logistics Việt Nam - Làm gì để trở thành "con đường màu xanh" ra thế giới?

Diendandoanhnghiep.vn Ngành dịch vụ logistics Việt Nam được đánh giá là đầy triển vọng và hứa hẹn, nhưng các chuyên gia cho rằng đó sẽ không phải là một con đường chỉ trải đầy hoa hồng.

>>> Thúc đẩy quan hệ hợp tác và chia sẻ trong ngành logistics

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, Chính phủ Việt Nam trong những năm qua đã tích cực chỉ đạo hoàn thiện cơ chế, chính sách và kết cấu hạ tầng phát triển lĩnh vực quan trọng - Logistics. Nhờ vậy, năng lực và thứ hạng của ngành logistics Việt Nam đang được cải thiện và có xu hướng mở rộng. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại sự kiện

Dẫn đánh giá của Agility, tại Hội nghị Logistics 2023 với chủ đề "Logistics Việt Nam - Con đường phía trước" do Báo Đầu tư phối hợp với SLP tổ chức ngày 5/10 tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng cho biết năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm.

Doanh nghiệp logistics ở Việt Nam cũng tăng nhanh về số lượng. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán… tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics cũng đã không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp trong thời gian qua. Cùng với đó, các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Các kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng đưa ngành logistics Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian vừa qua.

4 thách thức của ngành logistic Việt Nam

Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Duy Đông, mặc dù lĩnh vực logistics của Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh và đạt các kết quả tích cực như trên nhưng trên thực tế vân còn có một số tồn tại hạn chế và thách thức, cụ thể là:

Thứ nhất, thể chế, chính sách đối với lĩnh vực logistics chưa đồng bộ. Khung khổ pháp lý đối với ngành logistics được ban hành nhiều văn bản, song các chính sách cụ thể, chi tiết hóa các cụ thể các chủ trương đó vẫn chưa được thực hiện hoặc còn chồng chéo.

>>> Liên kết logistics tăng trưởng kinh tế vùng

Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và logistics còn hạn chế, không đồng bộ, chưa tạo ra hành lang vận tải đa phương thức trong khi nhu cầu trung chuyển chất lượng cao cho hàng hóa giữa các phương thức đang ngày càng lớn. Việt Nam còn thiếu các khu kho vận tập trung có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, sân bay, đường quốc lộ, cơ sở sản xuất.

Thứ ba, hoạt động của các doanh nghiệp logistics còn nhiều hạn chế trên các mặt quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Việt Nam hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, hoạt động manh mún, thiếu kinh nghiệm và tính chuyên nghiệp, cung cấp các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài.

Thứ tư, nguồn nhân lực phục vụ cho dịch vụ logistics qua đào tạo bài bản còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt thiếu các chuyên viên logistics giỏi, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp nội địa hiện nay, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo bài bản, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ, như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn…

"Những tồn tại, hạn chế này đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho việc phát triển ngành logistics Việt Nam trong tương lai. Câu hỏi đặt ra là Chúng ta phải làm sao tận dụng được cơ hội để đưa logistics trở thành một ngành kinh tế quan trọng, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa đủ sức cạnh tranh quốc tế, đồng thời theo kịp xu hướng phát triển chung của thế giới, là logistics xanh, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu.

Để logistics Việt Nam là "con đường màu xanh"

Để có thể phát triển ngành logistics Việt Nam trong tương lai, với viễn cảnh con đường phía trước là "con đường màu xanh" - theo dấu chân carbon mà cả thế giới đã bắt đầu "sải bước" và cũng là hình ảnh về triển vọng của ngành, các chuyên gia cho rằng trước hết nền kinh tế nói chung cần đặt mục tiêu cắt giảm chi phí logistics, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Các diễn giả chia sẻ tại phiên tọa đàm nhận diện về ngành dịch vụ logistic Việt Nam

Các diễn giả chia sẻ tại phiên tọa đàm nhận diện về ngành dịch vụ logistic Việt Nam

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Đông cho rằng về cơ chế chính sách, cần phải tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics. Sửa đổi, ban hành mới các chính sách, pháp luật điều chỉnh dịch vụ logistics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, bao quát toàn diện các dịch vụ logistics, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics tại địa phương hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương. Hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp dịch vụ logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận các nguồn vốn trong và ngoài nước, phát triển thị trường, đào tạo, tiếp cận thông tin.

Đồng thời, quy định về trách nhiệm và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến ngành dịch vụ logistics; ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật cho phát triển dịch vụ logistics, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển dịch vụ logistics, góp phần nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics.

"Chúng ta cũng cần hỗ trợ xây dựng những tập đoàn mạnh về logistics, đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài và xuất khẩu dịch vụ logistics, tạo định hướng và động lực phát triển thị trường. Cùng với đó, rà soát để tận dụng cam kết quốc tế về dịch vụ logistics tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp liên quan đến hoạt động logistics...", đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Ngoài ra, Nhà nước cần hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất địa phương gắn với phát triển hạ tầng và dịch vụ logistics, đảm bảo các quy hoạch, kế hoạch về giao thông - vận tải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, gắn kết quy hoạch về trung tâm logistics, cảng cạn, kho ngoại quan trong một tổng thể thống nhất.

Cùng với đó, đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển ngành dịch vụ logistics. Thu hút đầu tư các trung tâm logistics quy mô lớn, tập trung, theo vùng giúp lưu trữ, bảo quản hàng hóa trong thời gian dài từ đó phát luồng phân phối đi các nơi.

Đồng thời, tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.

Song song, là xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, với sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan, bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các công ty logistics và trường dạy nghề. 

Vai trò của các doanh nghiệp logistics là vô cùng quan trọng. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh, thực hiện liên kết chiến lược, liên doanh với các đối tác hoặc hoạt động mua bán sáp nhập doanh nghiệp để tạo ra các doanh nghiệp mạnh, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, xây dựng giải pháp đầu tư, trong đó có định hướng dài hạn coi trọng việc đầu tư vào hạ tầng thông tin, đầu tư các trang thiết bị công nghệ phục vụ dịch vụ logistics đạt chuẩn, đầu tư vào quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng nhằm cung cấp các dịch vụ logistics tạo giá trị gia tăng. Bên cạnh đó, xây dựng chiến lược nhân lực cho hoạt động logistics; sử dụng các chuyên gia nước ngoài tư vấn cho việc phát triển các dịch vụ logistics mới. 

Nâng cao vai trò của doanh nghiệp logistics cũng là vấn đề mà các doanh nghiệp trong ngành đã và đang đau đáu. Chia sẻ tại hội nghị, bà Phạm Thị Bích Huệ, Chủ tịch HĐQT Western Pacific Group, cho biết trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp "hồng hạc" (tức các nhà đầu tư nước ngoài lớn mà chúng ta hay gọi là các "đại bàng") đã đến Việt Nam và đã có sự tích lũy lớn, với tổng quỹ đất/ hạ tầng để làm dịch vụ logistic có thể lớn của toàn bộ các doanh nghiệp nội địa trong ngành. Với đặc thù là "hồng hạc", đi tới đâu sẽ có các nhà cung ứng, phụ trợ của họ theo sau, thì đây sẽ vấn đề cạnh tranh rất lớn trong ngành mà Chính phủ cần quan tâm sớm. 

Trong khi đó, ở góc độ Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, cho rằng, xanh hóa chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ là công việc trọng tâm trong thời gian tới. 

"Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam có 34.000 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này, nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, yếu về vốn và công nghệ nên đã hạn chế khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài. Do đó, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam phải là trọng tâm trong thời gian tới", ông Hải nhấn mạnh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Logistics Việt Nam - Làm gì để trở thành "con đường màu xanh" ra thế giới? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714240131 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714240131 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10