Văn hoá trở thành "tài sản đặc trưng" của doanh nghiệp gia đình
Các doanh nghiệp gia đình luôn nổi trội ở uy tín, phát triển mạnh mẽ qua nhiều thế hệ, cần xây dựng và thực hành đạo đức kinh doanh góp phần hình thành bản sắc văn hóa riêng.
>>>Doanh nghiệp gia đình phát huy tinh thần dân tộc
Tại hội thảo “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình” do Trung tâm Văn hóa Doanh nhân (VCCI) tổ chức, gần 200 đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình Việt Nam vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Năm 2014, VCCI đã thành lập Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam và suốt gần 10 năm qua đã triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực để phát triển các doanh nghiệp gia đình. Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 về xây dựng và phát huy đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra yêu cầu phát triển đội ngũ “doanh nghiệp dân tộc”. Đây là một nội dung rất quan trọng để đảm bảo xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.
Việc phát triển các doanh nghiệp gia đình có ý nghĩa quan trọng. Đây chính là một trong những nguồn để hình thành đội ngũ doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh. Có thể hiểu các doanh nghiệp gia đình chính là một bộ phận quan trọng của đội ngũ “doanh nghiệp dân tộc”.
Tại hội thảo, ông Phạm Đình Đoàn - Uỷ viên BCH VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái khẳng định: doanh nhân Việt cùng với gia đình của mình có đủ bản lĩnh, tâm tài trí để phát triển và đã sẵn sàng gánh vác sứ mệnh tiên phong phát triển kinh tế, với tinh thần tự cường, tự tôn dân tộc và khát vọng nâng cao vị thế của đất nước trở thành một quốc gia độc lập hùng cường và thịnh vượng.
Sau 37 năm đổi mới, nước ta đã hình thành đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp hùng hậu, với trên 900 nghìn doanh nghiệp, trên 20 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Lực lượng quan trọng này đã góp phần thực hiện đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế, đưa nước ta từ một quốc gia kém phát triển, lạc hậu thành nền kinh tế lớn thứ 37 của thế giới, nằm trong TOP20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.
Doanh nghiệp gia đình là một bộ phận quan trọng. Chưa kể trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể có thể coi là các doanh nghiệp gia đình siêu nhỏ. Việc tăng cường xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa kinh doanh tạo nền tảng cho việc phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vững mạnh xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc và trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 như mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
Doanh nghiệp gia đình cũng là hình thức kinh doanh chủ yếu trên thế giới. Các doanh nghiệp gia đình luôn nổi trội ở uy tín, luôn phát triển mạnh mẽ qua nhiều thế hệ. Do đó, chúng ta cần xây dựng và thực hành đạo đức kinh doanh, góp phần hình thành bản sắc văn hóa riêng của doanh nhân Việt Nam.
Trong tương lai, tại Việt Nam, theo ông Phạm Đình Đoàn, các doanh nghiệp gia đình chắc chắn sẽ phát triển mạnh mẽ vì tiềm năng còn rất lớn.
Văn hoá gia đình, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là phúc lợi tinh thần, có quan hệ hữu cơ với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mà đằng sau thành công của một doanh nhân là một gia đình văn hóa. Lúc đó văn hoá gia đình trở thành tài sản đặc trưng của doanh nghiệp gia đình. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình là mục tiêu chiến lược, phù hợp yêu cầu trong tình hình hiện nay.
Đồng tình với những ưu điểm, lợi thế của doanh nghiệp gia đình Việt Nam, bà Hà Thị Thu Thanh - Chủ tịch công ty TNHH Deloitte Việt Nam cũng thẳng thắn chỉ ra một số thách thức là rào cản để nâng tầm phát triển. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện tại, nếu văn hóa DN gia đình thực hiện chuyển giao, kế thừa, quản trị công ty vẫn theo lối thứ bậc một cách cổ điển, theo phong cách phương Đông truyền thống, không dựa chủ yếu trên năng lực làm việc, điều hành sẽ khó duy trì giá trị tổ chức, khó phát triển.
Với vai trò tư vấn hỗ trợ tính minh bạch cho quản trị công ty, bà Hà Thị Thu Thanh chia sẻ kinh nghiệm thành công trong chuyển giao, kế thừa, quản trị công ty từ các nước phương Tây.
Theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp gia đình thường đánh giá trên các yếu tố đánh giá đo lường văn hóa gia đình như giao tiếp truyền thông, khả năng thuyết phục, dẫn dắt, ra quyết định... Cách đánh giá thẳng thắn hơn trong doanh nghiệp gia đình, cứ có tầm nhìn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôn trọng giá trị của tổ chức, hiệu quả tối đa cho tổ chức là được.
Có thể bạn quan tâm
Gia tăng niềm tin trong doanh nghiệp gia đình
04:30, 28/06/2023
“Ngọn hải đăng” trong doanh nghiệp gia đình
04:01, 28/06/2023
Doanh nghiệp gia đình ưu tiên niềm tin cạnh doanh thu và lợi nhuận
16:25, 14/06/2023
Doanh nghiệp gia đình và tư nhân: Vượt bão suy thoái
14:00, 06/01/2023
Kế nghiệp doanh nghiệp gia đình: Làm đúng để trường tồn
01:00, 09/08/2022
Từ phong cách lãnh đạo của ông Park Hang-seo nghĩ tới lãnh đạo doanh nghiệp gia đình
05:15, 28/05/2022
Kích hoạt chuyển giao trong doanh nghiệp gia đình
15:36, 16/02/2021
Doanh nghiệp gia đình Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào thế hệ kế nghiệp
05:00, 12/02/2021
Thách thức quản trị Doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam
15:33, 31/10/2019