Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam: “Con hơn cha là nhà có phúc” nhưng chuyển giao kế nghiệp vẫn là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp gia đình.
Ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ: Tạp chí Fortune khảo sát trong những năm 1960, tuổi thọ trung bình của một doanh nghiệp trong S&P là khoảng 60 năm, nhưng hiện nay chỉ còn gần 20 năm. Tuổi đời trung bình của các doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam khoảng 25 - 30 năm. Do vậy, thế hệ lập nghiệp giờ đây đã bắt đầu bước sang độ tuổi trung bình 55 - 65 tuổi. Hơn lúc nào hết, việc lên kế hoạch chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình cần bắt đầu càng sớm càng tốt.
- Phát triển kinh tế tư nhân đã trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế và sự phát triển bền vững của kinh tế tư nhân phần nào được thể hiện qua việc chuyển giao kế nghiệp thành công trong các doanh nghiệp gia đình. Theo ông, dịch COVID-19 làm chậm hay đẩy nhanh quá trình này?
Quá trình vận động của nền kinh tế hiện tại và tương lai phải đối mặt với nhiều rủi ro và trở nên bất định hơn bao giờ hết do sự xuất hiện của dịch COVID-19. Biến số này đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc khủng hoảng rất mới mà không có bất cứ bài học kinh nghiệm nào trong quá khứ có thể áp dụng.
Cú sốc đại dịch COVID-19 làm gãy đổ các mối liên kết kinh tế và tác động lâu dài lên tất cả các đối tượng trong nền kinh tế, làm cho những yếu kém nội tại của kinh tế càng bộc lộ rõ hơn, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều dự báo cho thấy kinh tế thế giới sẽ có nhiều biến đổi sâu sắc và chuyển sang trạng thái mới, trật tự mới.
Bên cạnh việc tác động tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu, ở một góc khác, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một khoảng lặng để các doanh nghiệp gia đình dành thời gian nghiên cứu và tìm ra các vấn đề nội tại, mang đến cơ hội để các thế hệ kế nghiệp tiếp cận hoạt động kinh doanh sớm hơn.
Các doanh nghiệp gia đình vốn có khả năng thích ứng linh hoạt. Yếu tố này được xây dựng từ những giá trị và mục tiêu cốt lõi, tầm nhìn dài hạn, khả năng ra quyết định linh hoạt, đầu tư dài hạn cũng như cam kết bền vững của doanh nghiệp với đội ngũ nhân viên và cộng đồng. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy giá trị của việc luôn đoàn kết và dựa vào các giá trị gia đình độc đáo sẽ giúp doanh nghiệp giữ được kết nối với các bên liên quan như gia đình, nhân viên, cộng đồng và khách hàng.
COVID-19 có thể xem như một hồi chuông thức tỉnh cho các doanh nghiệp gia đình về tính cấp thiết trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện và kích hoạt kế hoạch kế nghiệp cần cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới, đảm bảo doanh nghiệp ứng phó tốt với các tình huống bất ngờ, khó dự đoán trong tương lai.
Trong Khảo sát Thế hệ kế nghiệp- Tâm điểm Việt Nam mới nhất do PwC thực hiện, thế hệ kế nghiệp cho rằng họ đã sẵn sàng, đặc biệt về kỹ thuật số và công nghệ. Đây là thời điểm để thu hẹp khoảng cách thế hệ để thế hệ trẻ có được được cơ hội dẫn dắt doanh nghiệp vươn lên sau đại dịch.
- Thực tế, chuyển giao kế nghiệp trong các doanh nghiệp gia đình Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn là do chính những yếu tố nội tại của doanh nghiệp hay do yếu tố khách quan của môi trường kinh doanh, thưa ông?
Theo thống kê của Forbes, 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đóng góp khoảng 25% GDP của cả nước với những Tập đoàn lớn như Vingroup, Tân Hiệp Phát, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Thành Thành Công, Gốm sứ Minh Long, Biti's, KIDO...Tuy nhiên, việc thiếu tách bạch giữa sở hữu và điều hành, từ những mâu thuẫn giữa cá nhân đã dẫn tới mâu thuẫn công ty không thể nào giải quyết đã khiến một số doanh nghiệp nhiều lúc rơi vào tình cảnh khó khăn.
Nhiều vấn đề của công ty bị dừng lại không thể giải quyết, khiến kinh doanh tụt dốc, công ty đối mặt với nguy cơ đổ vỡ. Có doanh nghiệp lâm vào tình trạng rối ren trong những cuộc chuyển giao. Thậm chí dẫn đến tình trạng gián đoạn trong hoạt động kinh doanh, bất hoà trong quan hệ gia đình do năng lực của thế hệ kế cận chưa đảm bảo dẫn tới mất quyền kiểm soát doanh nghiệp hoặc có tranh chấp về tài sản, quản lý và pháp lý.
Bên cạnh sự vươn lên nhằm hướng tới thương hiệu trăm năm với những bài học thành công của nhiều doanh nghiệp gia đình, vẫn còn đó những câu chuyện đổ vỡ mà xuất phát điểm là những yếu kém về khả năng quản trị.
Các doanh nghiệp cũng chưa hình thành được văn hóa công ty và thiết chế quản trị, mà thay vào đó là một thiết chế truyền thống, áp đặt theo kiểu gia tộc, vì vậy, trong nhiều tình huống dẫn tới xung đột nội bộ.
Để quá trình chuyển giao kế nghiệp diễn ra thành công thì việc chuyển giao về mặt trách nhiệm là điều vô cùng quan trọng. Thế hệ trẻ luôn có cái nhìn năng động hơn nên thế hệ lập nghiệp(F1). Vì vậy, cần phải tôn trọng và tận dụng được những ưu điểm đó để chuyển giao thế hệ được thành công. Mặt khác, để thế hệ trẻ tham gia ứng dụng cách mạng 4.0 có hiệu quả cũng cần có quan điểm rõ ràng thống nhất với các bên liên quan.
Kế hoạch kế nghiệp là một trong những thách thức nội tại lớn nhất đối với các doanh nghiệp gia đình. Việc xác định quyền sở hữu, quyền quản lý, quyền thừa kế trong tương lai của doanh nghiệp gia đình là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc nhiều yếu tố. Nhưng vấn đề khó khăn nhất chính là việc dung hòa sự khác biệt trong hệ tư tưởng giữa thế hệ chuyển giao và thế hệ nhận chuyển giao, trên các phương diện: trọng tâm chiến lược và cách sử dụng nhân tài.
- Ông từng nhận định, sự khác biệt lớn nhất trong doanh nghiệp gia đình là thế hệ F1 làm theo kinh nghiệm và quan hệ, trong khi thế hệ F2 hiện tại hầu hết đều được đào tạo bài bản từ nước ngoài.
Vậy, ông có cho rằng hơn ai hết, chính thế hệ F1 với vai trò và tầm ảnh hưởng của mình cần tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào việc thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thế hệ F1 giải phóng và phát huy được “năng lượng” của mình? Nói cách khác là không chỉ thực hiện chuyển giao trong nôị bộ các doanh nghiệp mà F1 còn phải xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch thuận lợi hơn?
Thế hệ F1 chính là những người xây dựng hệ thống và phương pháp quản trị của doanh nghiệp, sử dụng nhân sự thân cận tin cậy, có xu hướng tập trung vào những hoạt động tạo ra doanh thu ngay lập tức như phát triển sản phẩm, bán hàng, mở rộng mạng lưới/thị trường. Trong khi đó, thế hệ F2 sau thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài có nhiều khát vọng và ý tưởng kinh doanh mới, thường mong muốn tiếp cận theo hướng cải tổ hệ thống và phương pháp quản trị hiện có.
Tuy nhiên, thế hệ F2 lại gặp nhiều khó khăn vận dụng hệ thống và dung hòa với nhân sự hiện có để hiện thực hóa những ý tưởng kinh doanh mới, hoặc không có đủ thời gian và năng lượng trong khi phải chạy theo lối vận hành cũ của thế hệ trước. Do đó, sự khác biệt trong hệ tư tưởng cần được giải quyết trong nội bộ bằng việc tăng cường trao đổi thông tin, giao tiếp thường xuyên giúp xóa dần khoảng cách về hệ tư duy và áp dụng các phương thức tiếp cận trong các vấn đề quản trị/vận hành doanh nghiệp giữa thế hệ chuyển giao và nhận chuyển giao.
Thế hệ sáng lập thường dành nhiều thời gian phát triển kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận nhưng thế hệ kế nghiệp quan tâm nhiều tới phát triển hệ sinh thái ngành, tác động của hoạt động kinh doanh tới môi trường sống, trong bối cảnh chuyển đổi mạnh mẽ của mô hình kinh doanh trên thế giới, từ nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tuần hoàn. Thế hệ F2 thường tiến hành từng bước, trước tiên tập trung chuẩn hóa quy trình, áp dụng chuyển đổi số, minh bạch quyền hạn và nghĩa vụ, thu hút nhân tài bên ngoài gia đình, sau đó sẽ triển khai ý tưởng kinh doanh mới.
Thế hệ kế nghiệp khi tham gia ban lãnh đạo doanh nghiệp gia đình cũng cần phát huy tư duy linh hoạt, ứng biến nhanh với các thay đổi bên ngoài, từ đó giúp doanh nghiệp có thêm các ý tưởng kinh doanh mới, điều chỉnh mô hình kinh doanh, tìm ra cơ hội để phục hồi và tăng trưởng sau khủng hoảng. Điều này đồng nghĩa với việc hơn ai hết, không chỉ thế hệ F1 mà chính thế hệ F2, với những kiến thức và bài học tích lũy được từ môi trường nước ngoài cần tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào việc thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để giải phóng và phát huy được năng lực của mình.
- Mới đây, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam đã phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ thành lập “Học viện F2 Sao Đỏ”, với vai trò là một trong những nhà sáng lập, ông kỳ vọng gì vào học viện này? Đâu là sự khác biệt của chương trình đào tạo?
Cuối năm 2020, trong một cuộc gặp mặt giữa các doanh nhân Sao Đỏ, chúng tôi đã nhanh chóng đi đến quyết định Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ thành lập Học viện F2 Sao Đỏ (F2 Sao Do Academy). Đó là một sự đồng cảm.
COVID-19 có thể xem như một hồi chuông thức tỉnh cho doanh nghiệp gia đình về tính cấp thiết trong việc đẩy nhanh quá trình hoàn thiện và kích hoạt kế hoạch kế nhiệm cần cho hoạt động kinh doanh trong giai đoạn bình thường mới, đảm bảo doanh nghiệp ứng phó tốt với các tình huống bất ngờ, khó dự đoán trong tương lai. Đây là thời điểm để thu hẹp khoảng cách thế hệ để thế hệ trẻ có được được cơ hội dẫn dắt doanh nghiệp vươn lên sau đại dịch.
20 học viên đầu tiên của Học viện F2 Sao Đỏ đã được ghi danh. Phần lớn trong số này đang được định hình trở thành doanh nhân, người kế nghiệp doanh nghiệp của gia đình trong tương lai. Điểm thuận lợi là các học viên đầu tiên đều đã được đào tạo bài bản ở nước ngoài, tiếp cận nền tảng giáo dục, quản trị tiên tiến của thế giới. Điểm yếu của họ là thực tiễn Việt Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn chuyển giao thế hệ tại các doanh nghiệp, việc tìm được tiếng nói chung giữa các thế hệ F1 và F2 cũng không dễ dàng. Đây là các vấn đề mà Học viện F2 sẽ tìm cách giải quyết.
Khóa đào tạo dự kiến kéo dài 2 năm, theo hình thức EduNext Platform. Bên cạnh việc hợp tác với các Học viện và Trường đại học lớn, giảng viên sẽ là các doanh nhân Sao Đỏ - lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam và cũng chính thế hệ F1 của các học viên. Điều đặc biệt là Học viện không chỉ đào tạo các con, mà bố mẹ học viên cũng bắt buộc phải học để hiểu con, đồng hành cùng con.
Đây là khóa thử nghiệm đầu tiên của Học viên F2, trước khi nhân rộng mô hình đào tạo này.
Học viện là nơi đào tạo để trợ giúp cho quá trình chuyển giao thế hệ kế nghiệp thành công vì vậy chúng tôi sẽ chú trọng: Chuyển giao tri thức thông qua việc cử con đi học nước ngoài hoặc qua những công cụ riêng; Đào tạo tư duy lãnh đạo, thế hệ kế cận biết quản lý và phát huy tài sản, sử dụng con người, tập trung vào cách doanh nghiệp gia đình tạo ra giá trị; Giao tiếp chuyên nghiệp và đối xử công bằng giữa các thành viên; Xây dựng hệ thống quản trị gia đình và doanh nghiệp minh bạch.
Qua Học viện, thế hệ kế nghiệp được khơi dậy, bồi dưỡng đam mê. Từ đó, dẫn đến khát vọng và hình thành hoài bão. Vì vậy chúng tôi sẽ không tách rời việc đào tạo các con với đào tạo bố mẹ để hai thế hệ có thể hiểu và đồng hành cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là chuyển giao thành công va phát triển doanh nghiệp gia đình.
Những giá trị thế hệ F2 cần được chuyển giao là tinh thần toàn cầu và tinh thần tiên phong, không ngại bất cứ thử thách nào. Để phát huy tinh thần ấy, thế hệ F2 sẽ được đào tạo các kỹ năng, tư duy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong quản trị để hỗ trợ việc ra quyết định chính xác, kịp thời.
Ngoài kiến thức, kinh nghiệm, Học viện chú trọng đào tạo các kỹ năng mềm. Bởi hoạt động doanh nghiệp cũng chính là quá trình tự hoàn thiện con người, giao tiếp với con người. Phát hiện ra các điểm mạnh trong từng con người và bồi dưỡng để phát huy các điểm mạnh đó biến thành năng lực sở trường cho thế hệ kế nghiệp trong quá trình vận hành doanh nghiệp sau này.
Chúng tôi đặt mục tiêu giúp cho thế hệ kế nghiệp chú trọng và có phương pháp trong tiếp cận các kiến thức xã hội cũng như các phương pháp xây dựng mối quan hệ xã hội, bên cạnh lối tư duy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh bình thường mới.
Các trường đào tạo quản trị nổi tiếng trên thế giới đều dạy về marketing, bán hàng, tài chính nhân sự... nhưng quản trị doanh nghiệp là quản trị con người, nên Học viện sẽ tập trung vào đào tạo con người, mối quan hệ giữa con người và quản trị con người. Tôi tin tưởng với sáng kiến thành lập Học viện F2 Sao Đỏ, đây sẽ là mô hình giúp các doanh nghiệp gia đình chuyển giao kế nghiệp thành công.
Cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp gia đình nhiều thế hệ trong đại dịch Covid-19: Lùi lại một bước tạm nghỉ để tiến tiếp
16:51, 18/08/2020
Sức ép “kép” đối với doanh nghiệp gia đình Việt Nam
05:00, 27/06/2020
Thách thức quản trị Doanh nghiệp gia đình ở Việt Nam
15:33, 31/10/2019
21/9: Hội thảo "Truyền thông trong doanh nghiệp gia đình"
09:00, 16/09/2019