Tài chính doanh nghiệp

Doanh nghiệp gia đình niêm yết tận dụng GenAI để tăng doanh thu và lợi nhuận

An Định 29/04/2025 03:45

Các CEO của doanh nghiệp gia đình niêm yết dẫn đầu trong việc tận dụng GenAI để tăng doanh thu và lợi nhuận. Đồng thời, họ tăng tốc đầu tư cho các hạng mục có tính bền vững.

Những lợi ích ban đầu về năng suất từ trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Generative AI) và lợi nhuận ngày càng tăng từ các khoản đầu tư vào tính bền vững là các nội dung mà các CEO của doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) niêm yết thông tin cho cuộc khảo sát của PwC.

Theo Khảo sát CEO Toàn cầu thường niên lần thứ 28 của PwC, các CEO của các doanh nghiệp gia đình niêm yết dẫn đầu làn sóng đổi mới, việc mở rộng phạm vi và tăng tốc độ bằng cách tận dụng lợi thế cạnh tranh vốn có của họ là thách thức lớn nhất hiện hữu.

ln.jpg
Các DNGĐ niêm yết duy trì kỳ vọng cao, với 54% dự đoán lợi nhuận sẽ tăng thêm nhờ áp dụng GenAI trong tương lai. (Ảnh minh họa: Itn)

Doanh nghiệp gia đình tiên phong thay đổi

Báo cáo PwC tổng hợp những khác biệt và tương đồng đáng kể giữa DNGĐ và các doanh nghiệp. Theo đó, mặc dù một số thách thức và hành động được chia sẻ phổ biến, các doanh nghiệp gia đình, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, thường thể hiện cách tiếp cận chủ động, giúp họ nổi bật như những người tiên phong trong nhiều lĩnh vực. Các điểm nổi bật chính từ khảo sát ghi nhận:

Tận dụng GenAI: Các DNGĐ niêm yết dẫn đầu trong việc tận dụng GenAI để tăng doanh thu và lợi nhuận, với 47% báo cáo lợi nhuận tăng, so với 32% của các tập đoàn không phải gia đình. Tuy nhiên, các DNGĐ tư nhân đang tụt hậu, với chỉ 27% ghi nhận mức tăng tương tự. Nhìn về tương lai, các DNGĐ niêm yết vẫn duy trì kỳ vọng cao, với 54% dự đoán lợi nhuận sẽ tăng thêm nhờ áp dụng GenAI.

Đầu tư phát triển bền vững: Các khoản đầu tư có ý thức về khí hậu đã mang lại lợi ích đáng kể cho các DNGĐ niêm yết, với gần một nửa (46%) trải qua sự tăng trưởng doanh thu từ các sáng kiến này, cao hơn mức 1/3 tổng số CEO báo cáo mức tăng tương tự. Các DNGĐ tư nhân có kết quả tương đồng với các doanh nghiệp không phải gia đình, với 27% nhận định doanh thu tăng từ các dự án bền vững.

Triển khai vốn dài hạn: Triển khai vốn dài hạn dường như là hướng đi của nhiều CEO DNGĐ niêm yết khi đầu tư vào tính bền vững. Khoảng 44% CEO DNGĐ niêm yết đã thực hiện các khoản đầu tư thân thiện với khí hậu với tỷ lệ lợi nhuận thấp hơn chấp nhận được cho các khoản đầu tư khác, gấp hơn hai lần so với mức 21% của các doanh nghiệp không phải gia đình. Điều này có thể là do tầm nhìn dài hạn hơn và việc triển khai vốn dài hạn nhằm đạt được lợi nhuận lớn hơn trong tương lai.

Tính linh hoạt ngành: Khi ranh giới giữa các ngành nghề hiện nay đang dần mờ nhạt, 38% CEO không điều hành DNGĐ đã mở rộng sang các ngành mới - xu hướng này được phản ánh bởi cả DNGĐ niêm yết và tư nhân. Dù đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực, nhưng các CEO vẫn đồng loạt bày tỏ quan ngại sâu sắc: bốn trên mười người lo sợ rằng công ty của họ sẽ không còn tồn tại trong vòng mười năm tới nếu không thay đổi chiến lược kinh doanh hiện tại.

Đổi mới và tìm kiếm nguồn doanh thu mới: Tốc độ chuyển đổi nhìn chung còn chậm, nhưng các DNGĐ niêm yết vẫn có một số lợi thế so với loại hình doanh nghiệp khác. Trong khi các doanh nghiệp không phải gia đình và DNGĐ tư nhân chỉ ghi nhận 7% doanh thu từ các dự án mới, con số này ở các DNGĐ niêm yết là 9%. Điều này cho thấy các DNGĐ niêm yết có xu hướng chủ động hơn trong việc khám phá các cơ hội kinh doanh mới.

Lạc quan song hành cùng những mối lo về sự bền vững: Mặc dù các CEO vẫn lo lắng về sự bền vững của doanh nghiệp và việc lỗi thời, sự lạc quan về tăng trưởng ngắn hạn vẫn chiếm ưu thế. 60% tổng số CEO tham gia khảo sát dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tăng trong năm tới, một mức tăng đáng kể so với những năm trước. Các DNGĐ cũng có thái độ lạc quan nhưng thận trọng hơn về tăng trưởng trong nước, với chỉ một nửa CEO kỳ vọng vào sự mở rộng kinh tế quốc gia.

Bài học chiến lược

Theo PwC, từ kết quả khảo sát, có thể rút ra những bài học về các DNGĐ.

Doanh nghiep
Theo khảo sát, rủi ro kinh tế ngắn hạn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Nguồn: PwC Việt Nam.

Đổi mới và tính ổn định: Các DNGĐ niêm yết dường như kết hợp hiệu quả giữa sự đổi mới và tính ổn định của quyền sở hữu gia đình chi phối. Sự kết hợp này trở thành hình mẫu cho các doanh nghiệp khác, chứng minh rằng tư duy chiến lược có thể phù hợp với tầm nhìn dài hạn và các giá trị của một DNGĐ.

Tính linh hoạt: Tính linh hoạt được thể hiện rõ nét hơn ở các DNGĐ, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết, cho phép họ vượt qua ranh giới ngành, nhanh chóng thích ứng với các xu hướng mới nổi và khám phá các cơ hội thị trường mới cách hiệu quả.

Tập trung vào tính bền vững dài hạn: Cam kết lâu dài và việc triển khai vốn dài hạn của các DNGĐ không chỉ giúp tạo ra của cải một cách có trách nhiệm, mà còn xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại.

Liên doanh hợp tác: Để khai thác tiềm năng thị trường, các DNGĐ nên thiết lập các liên minh và quan hệ đối tác chiến lược, đảm bảo rằng các mối quan hệ này phù hợp với các giá trị cốt lõi của gia đình để củng cố bản sắc doanh nghiệp.

Nâng cao năng lực quyết định chiến lược: Các DNGĐ cần xây dựng các khung quyết định mạnh mẽ và dựa trên dữ liệu, đồng thời loại bỏ sự thiên vị cảm xúc và đề cao tính khách quan chiến lược. Điều này rất quan trọng để doanh nghiệp vượt qua các thách thức phức tạp.

Thời gian lãnh đạo dài hơn: Thời gian nắm quyền CEO dài hơn trong các DNGĐ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái tạo chiến lược, thúc đẩy tầm nhìn dài hạn và duy trì tính liên tục, từ đó hỗ trợ các nỗ lực đổi mới cách hiệu quả.

Cân bằng giữa truyền thống và chuyển đổi

Theo các chuyên gia PwC, các DNGĐ, cả niêm yết và tư nhân, đang có một cơ hội độc đáo để tận dụng những điểm mạnh vốn có, đồng thời cải thiện những thiếu sót trong chiến lược kinh doanh. Các DNGĐ niêm yết đã chứng minh khả năng kết hợp nhuần nhuyễn giữa đổi mới và sự ổn định của quyền sở hữu gia đình, từ đó thu được những lợi ích thiết thực về doanh thu và lợi nhuận từ các công nghệ mới như GenAI. Sự kết hợp này tạo ra một hình mẫu giá trị cho các DNGĐ khác học hỏi nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.

Khác với các doanh nghiệp niêm yết, các DNGĐ tư nhân nổi bật với khả năng thích ứng vượt trội, thể hiện qua việc mạnh dạn mở rộng hoạt động ra khỏi các ngành truyền thống. Nhờ khả năng ra quyết định nhanh chóng và sự tin tưởng giữa các thành viên, họ có thể nhanh chóng nắm bắt và tận dụng các cơ hội thị trường mới. Tuy nhiên, để phát huy tối đa tiềm năng trong bối cảnh thị trường biến động nhanh chóng, các doanh nghiệp này cần vượt qua tâm lý e ngại hợp tác. Việc xây dựng các liên minh dựa trên sự đồng thuận về giá trị gia đình sẽ mở ra những con đường tăng trưởng và thích ứng hiệu quả.

Trong bối cảnh kinh tế đầy biến động hiện nay, việc đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu và thực tiễn là yếu tố then chốt cho sự thành công của các DNGĐ. Điều này đòi hỏi họ phải xây dựng một môi trường làm việc, nơi mà các quyết định chiến lược được đưa ra dựa trên phân tích dữ liệu và tầm nhìn dài hạn, thay vì cảm xúc, đặc biệt là trong những lĩnh vực phức tạp như biến đổi khí hậu và ứng dụng công nghệ. Hơn nữa, với thời gian nắm quyền CEO kéo dài, các DNGĐ có lợi thế lớn trong việc thực hiện các cuộc đổi mới chiến lược mang tính đột phá. Bằng cách xây dựng một văn hóa doanh nghiệp khuyến khích tầm nhìn dài hạn và sự lãnh đạo nhất quán, họ có thể đổi mới và phát triển các mô hình kinh doanh một cách bền vững, đảm bảo lợi nhuận và sự phù hợp với thị trường.

"Tóm lại, để tồn tại và phát triển trong tương lai, các DNGĐ cần tìm ra sự cân bằng giữa việc duy trì các giá trị truyền thống và thích ứng với những thay đổi của thị trường. Bằng cách phát huy những lợi thế vốn có và đồng thời giải quyết những thách thức chiến lược, họ có thể bảo vệ di sản của mình và đạt được sự thịnh vượng lâu dài", PwC khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp gia đình niêm yết tận dụng GenAI để tăng doanh thu và lợi nhuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO