Nghị quyết 68 và Nghị quyết 198 về một số cơ chế chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân sẽ tạo ra một bệ phóng vững chắc cho kinh tế tư nhân nói chung và doanh nghiệp gia đình nói riêng.
Đó là chia sẻ của bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Chủ tịch PwC Việt Nam với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân khẳng định: với hơn 940.000 doanh nghiệp và trên 5 triệu hộ kinh doanh, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, chiếm hơn 30% tổng thu ngân sách, 82% lực lượng lao động và khoảng 50% GDP. Nghị quyết số 68 là bước ngoặt quan trọng với nhiều thay đổi mang tính đột phá lớn, được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực cho khu vực này.
- Bà có thể phân tích chi tiết hơn những kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp?
Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo ra một bệ phóng vững chắc cho nền KTTN nói chung, và DNGĐ nói riêng. Việc tách bạch rõ ràng trách nhiệm tài sản cá nhân và pháp nhân sẽ củng cố niềm tin và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và niềm tin của các doanh nhân và nghiệp. Nghị quyết cũng thúc tiến trình cải cách các thủ tục hành chính đã được triển khai trong nhiều năm qua để giúp doanh nghiệp tối ưu hóa dòng tiền và nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và tiên phong trong đổi mới.
Đối với DNGĐ, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ giúp phát huy tối đa tiềm năng, để DNGĐ đóng góp hơn nữa vào nền kinh tế Việt Nam. Nghị quyết khuyến khích tiên phong trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, đồng thời ưu tiên các mục tiêu dài hạn và phát triển bền vững.
Thực tế, Khảo sát CEO toàn cầu thường niên lần thứ 28 của PwC - Báo cáo dành cho Doanh nghiệp gia đình cho thấy DNGĐ đang dẫn đầu về đổi mới sáng tạo và gặt hái được lợi nhuận đáng kể từ việc ứng dụng AI (47% tăng trưởng lợi nhuận từ GenAI) và đầu tư vào các sáng kiến khí hậu và bền vững (46% tăng doanh thu).
Nghị quyết được ban hành sẽ là động lực để DNGĐ tăng tốc chuyển đổi số, tạo động lực mạnh mẽ để DNGĐ tiếp tục đầu tư vào công nghệ, tối ưu hóa quy trình hoạt động và tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới. Bên cạnh đó, khi nhiều DNGĐ đang hoặc sẽ đối mặt với sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho quá trình chuyển giao này thông qua việc bảo vệ quyền tài sản và tự do kinh doanh một cách rõ ràng, củng cố niềm tin cho thế hệ kế tiếp.
- Mong bà chia sẻ thêm về cơ hội đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững của các doanh nghiệp tư nhân nhìn từ thực tiễn cũng như động lực từ Nghị quyết?
Tại Việt Nam, các DNGĐ và niêm yết đang ngày càng tích cực ứng dụng GenAI vào các hoạt động kinh doanh để tăng trưởng doanh thu và tối ưu hóa hoạt động, đồng thời chú trọng đầu tư vào phát triển bền vững như một yếu tố chiến lược cho hiệu quả kinh doanh lâu dài, với sự nhận thức ngày càng cao về tiềm năng của những yếu tố này để đạt được các mục tiêu phát triển toàn diện.
Mức độ đầu tư vào phát triển bền vững của cả DN niêm yết và DNGĐ tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Chúng tôi tin rằng với sự gia tăng nhận thức và các động lực, đặc biệt với chủ trương, định hướng của Nhà nước ngày càng mạnh mẽ, mức độ đầu tư vào phát triển bền vững của DN niêm yết và DNGĐ tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai, từng bước đáp ứng tốt hơn các yêu cầu thực tiễn của xu hướng này.
- Để sớm hiện thực hóa mục tiêu của nghị quyết, theo bà cần triển khai những giải pháp nào?
Để đạt được hiệu quả cao nhất, Nghị quyết cần được triển khai đồng bộ, nhất quán thông qua việc ban hành các chính sách cụ thể, xây dựng môi trường pháp lý minh bạch và nghiêm túc giảm thiểu rủi ro thể chế. Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và đặc biệt chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển bền vững cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp, nhất là DNGĐ, tiếp cận nguồn lực và công nghệ theo kịp xu hướng toàn cầu. Cơ chế tham vấn thường xuyên và hiệu quả sẽ tăng cường đối thoại giữa doanh nghiệp và các cơ quan hữu quan, giúp chính sách sát thực tế và giải quyết kịp thời vướng mắc. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát, đánh giá khách quan để kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện quá trình thực thi.
Để tận dụng hiệu quả Nghị quyết 68 và phát triển bền vững, DNGĐ cần chủ động nắm bắt nội dung, khai thác cơ hội từ môi trường kinh doanh cải thiện, đồng thời chú trọng xây dựng chiến lược song hành giữa chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, việc tích cực tham gia kết nối, chủ động kiến nghị và nâng cao năng lực quản lý cũng đóng vai trò quan trọng.
Chúng tôi đã đưa ra những khuyến nghị then chốt cho DNGĐ, bao gồm: kết hợp văn hóa đổi mới với lợi thế sở hữu gia đình, tăng cường liên doanh hợp tác, tận dụng tính linh hoạt vốn có, nâng cao năng lực ra quyết định chiến lược và tập trung đầu tư vào các yếu tố bền vững dài hạn. Tận dụng được những cơ hội, DNGĐ vừa nâng cao hiệu quả vận hành nội tại, vừa khai phá được những thị trường tiềm năng và nguồn lực bên ngoài, củng cố vị thế cạnh tranh lâu dài.
- Trân trọng cảm ơn Bà!