Chỉ cần 20% trong 5 triệu hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp thì mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030 theo Nghị quyết 68 thành hiện thực.
Tại Nghị quyết số 139 ban hành Kế hoạch của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 198 của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp được tạo điều kiện tốt nhất để lớn mạnh. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế như Nghị quyết số 68 đã đề ra.
Trao đổi về mục tiêu trên, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Quốc tế và chính sách hội nhập, Viện Chiến lược chính sách kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng: đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp, tức là tăng thêm hơn 1 triệu doanh nghiệp so với hiện nay. Đây là mục tiêu cần hướng đến bởi nhìn ra thế giới và khu vực, số lượng doanh nghiệp/người dân ở nước ta hiện không phải là cao.
Với khoảng 100 triệu dân, đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp trong khi hiện nay, các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, số lượng doanh nghiệp đã rất lớn. Chỉ khi nào, nền kinh tế phát triển số lượng doanh nghiệp lớn tương đồng như các quốc gia trên thì mới tạo được GDP lớn.
Với quan điểm đó, các chuyên gia đồng tình với quan điểm: các cơ chế, chính sách đột phá, tháo gỡ rào cản, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng sẽ góp phần thúc đẩy tinh thần làm giàu, phát triển doanh nghiệp.
Đặc biệt, mục tiêu trên hoàn toàn có thể trở thành thực hiện được nếu các hộ kinh doanh được khuyến khích “lớn lên”, phát triển thành doanh nghiệp. Theo tính toán, với 5 triệu hộ kinh doanh hiện có, chỉ cần 20% trong số đó chuyển lên doanh nghiệp đã bổ sung cho nền kinh tế 1 triệu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để làm được này, cần xoá bỏ tâm lý e ngại, lo lắng gánh nặng chi phí tuân thủ lớn bằng cơ chế ưu đãi đặc biệt, vượt trội, nhất là cơ chế thuế. Theo Hội Tư vấn thuế, hiện đang có 3.6 triệu trong 5 triệu hộ/cá nhân kinh doanh đăng ký thuộc diện nộp thuế. Hàng triệu hộ/cá nhân kinh doanh còn lại đang áp dụng thuế khoán với mức thuế bình quân khoảng 700.000 đồng/tháng/hộ.
Trong khi đó, theo Nghị quyết số 68, chậm nhất đến năm 2026 sẽ bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh. Các chuyên gia đánh giá, bỏ thuế khoán, áp dụng thuế kê khai sẽ khuyến khích hộ kinh doanh lớn lên, phát triển thành doanh nghiệp. Quan trọng hơn, thực hiện thuế kê khai góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa các thành phần kinh tế.
Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã giải trình về những lo ngại rằng: bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh có thể tạo gánh nặng tuân thủ trong kê khai, đăng ký thuế… Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, bỏ thuế khoán, áp dụng thuế kê khai là chủ trương đúng đắn, tạo bình đẳng, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp.
Hiện, chính sách này đang được thí điểm tại một số địa bàn và đạt hiệu quả, cần được chính thức triển khai sớm. Bộ Tài chính đang chỉ đạo cơ quan thuế hướng dẫn các hộ kinh doanh đăng ký, kê khai thuế, tăng ứng dụng công nghệ để giảm gánh nặng chi phí, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ là giải pháp được các chuyên gia khuyến nghị áp dụng khi thực hiện thuế kê khai với các hộ/cá nhân kinh doanh. Nhận thấy quá trình chuyển đổi phương thức thuế sẽ khiến các hộ/cá nhân kinh doanh gặp nhiều thách thức, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, cùng với ưu đãi thuế, cần có thời gian chuyển tiếp để các hộ kinh doanh làm quen.
Bên cạnh đó, xây dựng và cung cấp phần mềm miễn phí, công cụ hỗ trợ kê khai một cách đơn giản, dễ sử dụng, phù hợp với những người không chuyên về kế toán hay công nghệ để họ có thể dễ dàng nhập dữ liệu liên quan đến doanh thu, chi phí, hàng hóa mua vào, bán ra… Chỉ khi việc tuân thủ được thực hiện dễ dàng, thuận tiện mới tạo được tâm lý thoải mái, tích cực và hành động chủ động từ các hộ kinh doanh.