Chính trị

Nghị quyết 68-NQ/TW: Cuộc cách mạng về tư duy và thể chế

Bài: Gia Nguyễn - Ảnh: Quốc Tuấn 18/05/2025 10:51

Đây là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thông tin tại Hội nghị, Thủ tướng cho biết, trong gần 40 năm qua, từ khi Đổi mới đến nay, quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế tư nhân (KTTN) đã được thể hiện rõ tại các văn kiện, văn bản: các Văn kiện Đại hội Đảng; các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị; các Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cụ thể hoá các chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTTN.

tt-hn-1.jpg
Toàn cảnh hội trường Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 66-NQ/TW và Nghị quyết 68-NQ/TW

Theo Thủ tướng, KTTN ngày càng có vai trò quan trọng, thể hiện rõ qua Nghị quyết của các kỳ Đại hội, cụ thể như: Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) - khẳng định sự tồn tại của KTTN gắn với nền kinh tế nhiều thành phần, trong đó nêu rõ “sử dụng kinh tế tư bản tư nhân trong một số ngành, nghề”;

Đại hội Đảng lần thứ VII (năm 1991) - cho phép KTTN “phát triển không hạn chế về quy mô và địa bàn hoạt động trong những ngành, nghề mà luật pháp không cấm”; Đại hội Đảng lần thứ VIII (năm 1996) - thừa nhận vai trò KTTN “kinh tế tư bản tư nhân có khả năng góp phần xây dựng đất nước”;…

Đại hội Đảng lần thứ XI (năm 2011) - xác định rõ vai trò, vị trí của KTTN và yêu cầu “hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”; Đại hội Đảng lần thứ XII (năm 2016) và Đại hội Đảng lần thứ XIII (năm 2021) - khẳng định và nhấn mạnh “hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

tt-hn-3.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ tại Hội nghị

“Cùng với đó, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách phát triển về KTTN, nổi bật như: Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Hội nghị Trung ương 5 khoá IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTN”;

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII về “Phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”; Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới”, Thủ tướng chia sẻ.

anhvcci3.jpg
anhvcci1.jpg
Đại biểu tham dự Hội nghị toàn quốc quán triệt 2 Nghị quyết mới quan trọng của Bộ Chính trị.
\
tt-hn-5.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Cũng theo Thủ tướng, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện trên cơ sở cụ thể hoá các chủ trương, đường lối, quan điểm, định hướng của Đảng, tạo khung pháp lý thống nhất, thuận lợi cho KTTN phát triển, bảo đảm quyền tự do kinh doanh bình đẳng; trong đó, từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành gần 60 Luật, hơn 40 Nghị quyết, pháp lệnh, 17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; ban hành khoảng trên 1.000 Nghị định có liên quan đến KTTN…

Từ những nền tảng đã nêu, Thủ tướng cũng chia sẻ về một số kết quả nổi bật của kinh tế tư nhân như: Số lượng doanh nghiệp thành lập tăng mạnh, từ khoảng 5 nghìn doanh nghiệp năm 1990 lên 50 nghìn doanh nghiệp năm 2000, và 200 nghìn năm 2005 (gấp 40 lần sau 15 năm); đến nay có gần 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế.

KTTN liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, là khu vực có đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế, chiếm tỷ trọng khoảng 50% GDP. Từ năm 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của khu vực KTTN đạt khoảng 6-8%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của nền kinh tế.

tt-hn-2.jpg
Hội nghị có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp

Khu vực KTTN đóng góp rất quan trọng tạo việc làm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt ở vùng nông thôn, địa bàn khó khăn. Giai đoạn 2017-2024, khu vực KTTN sử dụng bình quân hơn 43,5 triệu lao động, chiếm hơn 82% tổng số lao động có việc làm trong nền kinh tế.

Tỷ trọng vốn đầu tư của KTTN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh, từ 44% năm 2010 lên 56% năm 2024; đóng góp hơn 30% tổng thu NSNN, khoảng 30% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

“KTTN là khu vực năng động trong đổi mới công nghệ, sáng tạo sản phẩm và dịch vụ. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tăng nhanh, từ 1.500 startup năm 2015 lên khoảng 4.000 startup vào năm 2024. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn đang hình thành, phát triển, vươn tầm khu vực, quốc tế .

Đội ngũ doanh nhân ngày càng phát triển lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên ngày càng mạnh mẽ; đặc biệt, ngay cả trong những thời kỳ khó khăn, thiên tai, dịch bệnh, các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, thể hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng”, Thủ tướng chia sẻ.

Cùng với các điểm tích cực, Thủ tướng cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế dẫn đến việc chưa phát huy hết tiềm năng, nội lực và chưa đóng góp xứng đáng cho kinh tế quốc gia. Đồng thời cũng chỉ ra những nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế này.

them1.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính trò chuyện với các doanh nhân tại Hội nghị.

Từ những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vị trí, vai trò của KTTN là một động lực quan trọng nhất và là trụ cột chính của nền kinh tế quốc gia, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và hành động mạnh mẽ hỗ trợ KTTN phát triển;

Nâng cao vai trò kiến tạo của Nhà nước, tăng cường năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện, có cơ chế, chính sách đột phá, xoá bỏ mọi rào cản để phát triển KTTN, đẩy mạnh hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân; Bảo đảm KTTN được đối xử công bằng, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác; có cơ chế, chính sách, giải pháp vượt trội, đột phá để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là cho nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh cắt giảm, đơn giản hoá, giảm chi phí thủ tục hành chính;

Ưu tiên, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn, tiên phong dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu; thúc đẩy mạnh mẽ liên kết giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI; hỗ trợ DNTN vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng thương hiệu quốc tế; Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách đãi ngộ vượt trội để thu hút nhân tài, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, ngành nghề mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển mạnh mẽ KTTN.

Chia sẻ về các yêu cầu khách quan và chủ quan tình hình thế giới và trong nước, để tạo chính sách đột phá phát triển KTTN, Thủ tướng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển kinh tế tư nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; Thường xuyên xin ý kiến và nhận sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư;

Huy động sự tham gia ý kiến tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp; Trong một thời gian ngắn (02 tháng) đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW; Trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 198/2025/QH15 ngày 17/5/2025 về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân; Ban hành Nghị quyết số 138/NQ-CP ngày 16/5/2025 về Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 17/5/2025 về Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 198/2025/QH15 của Quốc hội.

“Nghị quyết 68/NQ-TW mới được ban hành tròn 02 tuần, nhưng đã được cả hệ thống chính trị, toàn dân nhiệt liệt hưởng ứng, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ kinh doanh hồ hởi đón nhận, xem đây là một bước tiến đột phá về tư duy phát triển, trở thành một “cuộc cách mạng về tư duy và thể chế” cho KTTN, tạo lập và củng cố niềm tin, thúc đẩy KTTN vươn lên, bứt phá, đóng góp cho đất nước”, Thủ tướng bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nghị quyết 68-NQ/TW: Cuộc cách mạng về tư duy và thể chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO