Kinh tế

Quảng Ninh: Đòn bẩy để kinh tế tư nhân phát triển

Lê Cường 16/05/2025 00:35

Trong những năm qua doanh nghiệp khu vực tư nhân tại Quảng Ninh đã có những đóng góp rất lớn, góp phần đưa tỉnh này duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong top đầu cả nước.

Nhìn từ thực tế

Những năm gần đây, khu vực kinh tế tư nhân đã đóng góp quan trọng trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng GDP cao, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, phát triển nguồn nhân lực.

Kinh tế tư nhân không chỉ giúp mở rộng sản xuất, thương mại, dịch vụ mà còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia.

1(3).jpg
Kinh tế tư nhân tại Quảng Ninh đang phát triển nhanh, mạnh

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tính thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Quảng Ninh có 12.021 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đang hoạt động. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân chiếm 97,84%, phản ánh vai trò then chốt của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế địa phương. Năm 2024, tỉnh Quảng Ninh có 2.085 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 104% kế hoạch.

Tuy nhiên, tổng vốn đăng ký chỉ đạt 21.073 tỷ đồng, giảm 36,2% so với năm 2023; số lượng doanh nghiệp tăng nhưng khả năng huy động vốn còn hạn chế. Mặt khác, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong năm qua là 1.655 (tăng 9% so với năm 2023), trong khi số doanh nghiệp giải thể cũng tăng 12%.

Những khó khăn chính mà các doanh nghiệp này đang gặp như: Việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi vẫn còn khó khăn do thủ tục phức tạp và yêu cầu thế chấp cao; nhiều doanh nghiệp gặp rào cản về cạnh tranh.

Đặc biệt là trong ngành bán buôn, bán lẻ (chiếm 38,1% tổng số doanh nghiệp). Số doanh nghiệp tư nhân có khả năng ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số còn thấp…

Dù đã được cải thiện, song vẫn còn tình trạng doanh nghiệp phải kiến nghị nhiều lần về các vướng mắc trong quy hoạch, đất đai và giấy phép kinh doanh…

Nhận thức rõ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân, tỉnh Quảng Ninh có nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ để thúc đẩy khu vực này phát triển. Trong đó, tỉnh xác định nhiệm vụ quan trong nhất là tập trung vào việc cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

Trước mắt, các sở, ngành, cơ quan chức năng của tỉnh đang tập trung rà soát, giải quyết dứt điểm 95/153 kiến nghị doanh nghiệp còn tồn đọng từ năm 2024, nhất là các vấn đề liên quan đến đất đai, GPMB, cấp phép kinh doanh. Đồng thời quyết tâm cải cách hành chính mạnh mẽ, giảm thiểu thủ tục rườm rà, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong hai tháng đầu năm 2025, tỉnh có 309 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2024) và 269 doanh nghiệp hoạt động trở lại (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2024). Đây là tín hiệu tích cực cho thấy môi trường sản xuất kinh doanh của tỉnh đang dần cải thiện.

Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn về số lượng và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, những khó khăn về vốn, thị trường, TTHC và chuyển đổi số đang trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của khu vực này.

Nhận rõ được tiềm năng phát triển và những điểm nghẽn gặp phải, hiện tỉnh Quảng Ninh đang đề xuất, triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển bền vững.

2(4).jpg
Với đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh trong thời gian qua, có thể khẳng định khu vực kinh tế tư nhân sẽ là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Đồng hành để phát triển

Ông Phạm Đức Ấn – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Để phát triển kinh tế tư nhân, Quảng Ninh xác định rõ các quan điểm, mục tiêu, giải pháp phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt là doanh nghiệp khu vực tư nhân. Trong đó, thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, coi các thành phần kinh tế kinh doanh theo pháp luật đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh.

Việc đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được tiếp tục triển khai thực hiện, tập trung vào những lĩnh vực, khó khăn vướng mắc cụ thể để giải quyết dứt điểm. Tỉnh cũng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân và có các cơ chế chính sách, kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể để phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững như hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực như nguồn vốn, đất đai, mở rộng thị trường...

Được biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng ninh còn có tổng số 38.141 hộ kinh doanh. Trong đó hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán phải nộp thuế: 22.806. Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán không phải nộp thuế: 13.299. Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai: 2.036. Hộ kinh doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ, chiếm đến 83,3% trong tổng số hộ kinh doanh (tập trung nhiều tại lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô…).

Theo ông Phạm Văn Thể - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thời gian qua cùng các cơ chế, chính sách, Quảng Ninh cũng tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng cho kinh tế tư nhân. Trong đó, khuyến khích đầu tư của khu vực tư nhân, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư bằng nhiều hình thức. Công tác hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn vừa qua có nhiều đổi mới và hiệu quả.

3(1).jpg
Thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế điển hình, đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, trong năm 2024, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ngành điện, các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp Sông Khoai; tổ chức Hội nghị cafe doanh nhân với chủ đề “Đối thoại chính sách, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”; xây dựng và vận hành trang Zalo Official Account để tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thúc đẩy các chương trình tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận Quỹ bảo lãnh tín dụng, giúp các doanh nghiệp không có tài sản thế chấp vẫn có thể vay vốn. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp phát triển theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi để nâng cao khả năng huy động vốn. Để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tiếp đà của năm 2024 với 43 khóa đào tạo cho 1.443 doanh nghiệp về quản trị và công nghệ số đã được tỉnh tổ chức.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Năm 2025, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số sẽ tiếp tục được mở rộng ở cả quy mô và chất lượng. Mục tiêu nhằm hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất và giảm chi phí vận hành. Tỉnh cũng nhanh chóng hoàn thiện thủ tục thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình phát triển.

Về phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường xuất khẩu; thúc đẩy thương mại điện tử, giúp doanh nghiệp mở rộng kênh phân phối, tiếp cận khách hàng mới; hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng chủ lực của tỉnh, tạo chuỗi cung ứng bền vững.

Tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác hỗ trợ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh, Tổ công tác hỗ trợ triển khai các dự án động lực của tỉnh để giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư, kinh doanh, đất đai, GPMB. Qua đó, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị.

Tỉnh cũng cung cấp các dịch vụ công tiện ích, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch để các nhà đầu tư thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh và đem sức mạnh lan tỏa, chia sẻ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tỉnh phát triển song hành.

Đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tỉnh; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhà đầu tư, người lao động và người dân, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quảng Ninh: Đòn bẩy để kinh tế tư nhân phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO