Khơi thông các dòng vốn cho khu vực kinh tế tư nhân không chỉ là yêu cầu cấp bách mà còn là chiến lược then chốt để phát triển kinh tế quốc gia trong giai đoạn mới.
Chia sẻ tại Tọa đàm “Kinh tế tư nhân: Động lực vươn mình từ Nghị quyết 68” do Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức mới đây, ông Nguyễn Hữu Hùng - Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết, Nghị quyết 68 là văn kiện mang tính đột phá, lần đầu tiên có một nghị quyết không chỉ đưa ra chiến lược tổng thể mà còn đi sâu vào các vấn đề tồn tại trong suốt 40 năm Đổi mới.
Đại diện Đèo Cả nhấn mạnh, Nghị quyết 68 đã thể hiện rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển. Tuy nhiên, ông cho rằng ngoài sự ủng hộ từ Đảng, Nhà nước thì bản thân doanh nghiệp cũng phải thay đổi, chủ động đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, quản trị, văn hóa và chiến lược phát triển.
Dẫn chứng từ chính chặng đường 40 năm của Đèo Cả – một trong những đơn vị tiên phong trong mô hình hợp tác công tư (PPP) – ông Hùng cho biết thành công lớn nhất đến từ khả năng kết hợp công nghệ và cách tiếp cận dự án hiện đại. “Nếu chỉ là một nhà đầu tư đơn thuần, chúng tôi đã không thể làm được các dự án quy mô như hầm Hải Vân 1, hầm Đèo Cả... Việc tiếp cận và làm chủ công nghệ của Nhật Bản giúp chúng tôi tiết kiệm tới 4.000 tỷ đồng. Điều đó mở ra cơ hội nội địa hóa công nghệ, tiến tới tự chủ trong các lĩnh vực như đào hầm hay đường sắt tốc độ cao”.
Từ đó, ông Hùng đề nghị: “Chúng ta phải mạnh dạn giao việc và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân. Không nên để các tập đoàn lớn chi phối hết cơ hội, bởi nếu các doanh nghiệp nhỏ, nhất là ở địa phương, không được trao cơ hội, thì sau này đất nước sẽ thiếu vắng lực lượng thực thi dự án quan trọng”.
Nhìn từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Đèo Cả nêu một loạt kiến nghị nhằm tạo dựng một môi trường phát triển lành mạnh, bền vững cho khu vực kinh tế tư nhân.
Thứ nhất, ông nhấn mạnh tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp: “Không chỉ lo cho cổ đông hay người lao động, doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước. Tư nhân muốn được nhìn nhận là một thành phần kinh tế chủ lực thì phải thể hiện được văn hóa trách nhiệm”.
Thứ hai, cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; theo ông, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tạo ra đột phá, bứt khỏi “vùng an toàn”. Nếu thiếu tinh thần này, nền kinh tế sẽ thiếu động lực đổi mới.
Thứ ba, ông Hùng đặt vấn đề về chiến lược phát triển nguồn nhân lực: “Chúng ta nói rất nhiều về hạ tầng, nhưng ai sẽ là người vận hành các công trình ấy? Nếu không có chuẩn bị dài hạn về đào tạo nhân lực cho từng ngành, từng vùng thì rất khó đi đến đích”. Ông cho rằng, các định hướng phát triển quốc gia phải đi kèm chiến lược nhân lực bài bản, bắt đầu từ bậc đào tạo.
Thứ tư, ông Hùng kêu gọi tư duy đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh rằng sự khác biệt chỉ đến từ những cách nghĩ táo bạo, có cơ sở, có tầm nhìn, chứ không phải hành động liều lĩnh. “Chúng ta phải tạo ra sản phẩm, dịch vụ vượt trội bằng trí tuệ và công nghệ – không đi sau, không làm theo”, ông nói.
Cuối cùng, đại diện Đèo Cả cho rằng chính doanh nghiệp cũng cần soi lại mình, học cách tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất. “Nhìn vào bộ máy nhà nước, chúng ta thấy yêu cầu cải cách rất lớn, nhưng ngay cả doanh nghiệp cũng không ngoại lệ. Không thể quản trị bằng kinh nghiệm hay cảm tính mãi, chúng ta cần ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa mô hình vận hành”.
Ông kết luận, từ nghị quyết đến hành động là một chặng đường dài, nhưng nếu không bắt tay vào việc thì mọi kế hoạch chỉ nằm trên giấy. “Đừng để động lực chỉ là lời hô hào. Kinh tế tư nhân cần không gian, cần niềm tin và quan trọng nhất – cần hành động cụ thể để cùng đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới”.
Theo ông Trần Văn Lê - Chủ tịch Tập đoàn Phương Linh, Nghị quyết 68 là một chủ trương có ý nghĩa đặc biệt, được ban hành trong bối cảnh lịch sử quan trọng của đất nước và nền kinh tế. Tuy nhiên, để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, điều cốt lõi là phải giải quyết môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh đang khiến giá trị gia tăng bị bào mòn, chi phí bị đội lên và lợi nhuận của doanh nghiệp bị triệt tiêu.
“Chiến lược Đại dương xanh là tạo ra thị trường mới, ít cạnh tranh, nhấn mạnh sự khác biệt và tối ưu chi phí. Nhưng với môi trường hiện tại, doanh nghiệp Việt đang đối mặt với vô số chi phí vô hình từ thủ tục hành chính cho tới các rào cản khác”, ông Lê đặt vấn đề.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lê, nếu có thể chế đủ mạnh để bảo vệ sự phát triển của doanh nghiệp chân chính, cùng với các chương trình đào tạo thiết thực nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ doanh nhân, thì nhiều tồn đọng hiện nay đang đè nặng lên khu vực kinh tế tư nhân hoàn toàn có thể được tháo gỡ.
Theo PGS.TS Nghiêm Thị Thà, Tổng thư ký Hiệp hội Tư vấn Tài chính Việt Nam (VFCA), kinh tế tư nhân đang ngày càng khẳng định vai trò chủ lực trong nền kinh tế Việt Nam.
Niên giám thống kê năm 2023 cho biết cả nước có hơn 940.000 doanh nghiệp tư nhân, 5,1 triệu hộ kinh doanh và 3.200 hợp tác xã đang hoạt động, đóng góp trên 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động. Nhiều doanh nghiệp như Vingroup, FPT, Vinamilk đã phát triển lớn mạnh, khẳng định thương hiệu tại thị trường khu vực và toàn cầu.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang phục hồi mạnh mẽ, phát triển kinh tế tư nhân trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm tạo động lực tăng trưởng mới. Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị đã xác định: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.”
Trước những thách thức, một loạt giải pháp được PGS.TS Nghiêm Thị Thà đề xuất nhằm cải thiện môi trường tài chính cho khu vực tư nhân. Trước hết, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách tài chính, thông qua việc xây dựng luật hoặc nghị định riêng về tài chính cho khu vực kinh tế tư nhân. Đồng thời, cần sửa đổi các luật liên quan như Luật Hỗ trợ DNNVV 2017, bổ sung cơ chế bảo lãnh tín dụng, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Một đề xuất đáng chú ý là thành lập Quỹ Phát triển tài chính tư nhân quốc gia nhằm cung cấp tín dụng ưu đãi dài hạn. Bên cạnh đó, cần phát triển các kênh huy động vốn đa dạng hơn. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế là một hướng đi khả thi – điển hình như Trung Nam Group đã phát hành thành công hơn 3.000 tỷ đồng trái phiếu xanh cho dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận.
Nhà nước cũng cần khuyến khích hình thành các quỹ đầu tư tư nhân theo mô hình “matching fund” – đối ứng giữa nguồn vốn công và tư, tương tự như Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia. Đặc biệt, cần xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo gồm trung tâm ươm tạo, quỹ thiên thần, dịch vụ tư vấn pháp lý – tài chính và ứng dụng công nghệ tài chính như P2P lending, eKYC, gọi vốn cộng đồng một cách hiệu quả và có kiểm soát.
Hợp tác công – tư (PPP) cũng là một trụ cột quan trọng. Cần rà soát lại Luật PPP và các nghị định hướng dẫn để đơn giản hóa thủ tục lựa chọn nhà đầu tư tư nhân. Dự án cao tốc Bắc – Nam đoạn Diễn Châu – Bãi Vọt đã chứng minh nếu có cơ chế chia sẻ rủi ro rõ ràng thì PPP hoàn toàn có thể thành công. "Ngoài hạ tầng giao thông, cần thí điểm PPP trong các lĩnh vực xã hội thiết yếu như giáo dục, y tế và xử lý nước thải với quy mô phù hợp" - bà Thà nhấn mạnh.