24h

Cần có một tư duy rõ ràng về vai trò của kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân

Gia Nguyễn 13/05/2025 13:30

Tham gia góp ý Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đại biểu Quốc hội đề xuất, cần có một tư duy rõ ràng và thực tế hơn về vai trò của kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân.

Theo đó, tiếp tục phiên họp sáng 13/5, tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

luat-quan-ly-dau-tu-von-nha-nuoc-vao-doanh-nghiep-13.5.2.2.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp tham gia thảo luận Dự án Luật tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, hiện nay, có một ý kiến cho rằng, nếu Nhà nước đầu tư vào một doanh nghiệp thì coi như Nhà nước là “chủ sở hữu” thực sự, có quyền điều hành như pháp nhân của doanh nghiệp. Nhưng theo tôi, quan điểm này chưa đúng.

“Việc Nhà nước đầu tư không có nghĩa là toàn quyền điều hành, mà phải dựa trên nguyên tắc hợp đồng và cơ chế pháp lý rõ ràng. Việc đầu tư phải được phân định rõ giữa phần vốn và quyền điều hành để tránh xung đột lợi ích và lạm quyền. Khi Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp thì chủ đầu tư, tổ chức đại diện chủ sở hữu cần được xác định rõ ràng, minh bạch, đồng thời chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn Nhà nước”, đại biểu Hòa phân tích.

Đồng thời cho hay, cần giới hạn rõ, vốn Nhà nước là tài sản của nhân dân, không phải là của bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Việc đầu tư phải dựa trên các chính sách và mục tiêu phát triển đất nước. Trách nhiệm quản lý vốn Nhà nước thuộc về các cơ quan đại diện chủ sở hữu, và họ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước, trước nhân dân, đặc biệt là với những doanh nghiệp có vốn Nhà nước chiếm phần lớn hoặc chi phối.

Theo đại biểu Hòa, Luật hiện hành (ví dụ Luật Doanh nghiệp) cần quy định rõ về phạm vi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, và cũng cần làm rõ rằng, Nhà nước chỉ nên đầu tư vào những lĩnh vực mà tư nhân không làm được, hoặc không muốn làm vì hiệu quả thấp nhưng lại có tính thiết yếu cho xã hội, đảm bảo an ninh, an sinh cho nhân dân. Ví dụ như lĩnh vực y tế công, giáo dục cơ bản, hoặc các công trình hạ tầng lớn phục vụ phát triển quốc gia.

“Hiện nay, có nhiều lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không mặn mà đầu tư, chẳng hạn như xây dựng cơ bản, các tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Đây là những lĩnh vực có vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, hiệu quả kinh tế không cao, nên Nhà nước cần đứng ra đầu tư, đồng thời đảm bảo vai trò dẫn dắt phát triển hạ tầng”, đại biểu Hòa chia sẻ.

luat-quan-ly-dau-tu-von-nha-nuoc-vao-doanh-nghiep-13.5.2.1.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tham gia thảo luận Dự án Luật tại hội trường - Ảnh: Media Quốc hội

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cũng cho rằng, thực tế cho thấy, khu vực tư nhân đang phát triển rất mạnh mẽ, thậm chí nhiều doanh nghiệp tư nhân đã trở thành tập đoàn lớn, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Vì vậy, nếu chỉ giữ tư duy “cứng nhắc”, “quản lý toàn diện” thì không phù hợp với bối cảnh hiện nay”.

Đại biểu đề xuất, cần có một tư duy rõ ràng và thực tế hơn về vai trò của kinh tế nhà nước và kinh tế tư nhân.

“Trước hết, tôi muốn nhắc lại rằng, chúng ta đã có Nghị quyết số 8 năm 1949, nói rất rõ về vai trò của kinh tế tư nhân. Khi đó, kinh tế tư nhân đã đóng góp rất lớn cho đất nước, không chỉ thông qua ngân hàng, mà còn bằng lao động, trí tuệ và các hoạt động sản xuất kinh doanh cụ thể. Thậm chí, đã có những biện pháp cải cách lớn, như cho phép công nhân viên chức kinh doanh, buôn bán, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

Chúng ta cần nhìn nhận rằng, kinh tế nhân dân không chỉ nằm ở hệ thống ngân hàng hay trong phạm vi hạn hẹp nào đó, mà còn là sự tham gia tích cực của người dân trong tất cả các hoạt động sản xuất và đời sống. Tỷ lệ đóng góp này, nếu được tính toán kỹ, sẽ cho thấy vai trò không thể thiếu của lực lượng lao động phổ thông, của người dân trong nền kinh tế”, đại biểu Thân bày tỏ.

Đồng thời cho rằng, doanh nghiệp Nhà nước vẫn sử dụng ngân sách Nhà nước, được ưu đãi từ nhiều mặt, và cần phải có trách nhiệm rõ ràng, minh bạch. Không thể nói rằng cứ là doanh nghiệp Nhà nước thì làm gì cũng được. Cần có tiêu chí rõ ràng: làm cái gì, hiệu quả ra sao, có đóng góp gì cho xã hội, có đem lại lợi ích gì cho người dân và nền kinh tế hay không?.

Theo đại biểu, doanh nghiệp Nhà nước cần đảm nhận những nhiệm vụ mang tính xã hội, những lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không muốn làm hoặc không có khả năng làm, ví dụ như an sinh xã hội, các ngành có tính đặc thù như dầu khí, năng lượng, hạ tầng thiết yếu... nhưng điều đó không có nghĩa là buông lỏng quản lý hay giao toàn quyền mà không có cơ chế giám sát…

“Trong quá trình phát triển hiện nay, cần có sự phân vai rõ ràng. Doanh nghiệp Nhà nước phải làm đúng chức năng, nhiệm vụ, và đặc biệt phải lấy hiệu quả làm thước đo. Ngược lại, khu vực tư nhân cần được tạo điều kiện, không bị cản trở bởi các rào cản hành chính hoặc sự cạnh tranh không công bằng.

Cuối cùng, nếu có những dự án tốt, có tiềm năng, có sức lan tỏa lớn – thì không nên phân biệt doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân. Hãy để họ cùng tham gia, cùng đầu tư và phát triển vì lợi ích chung. Chúng ta cần một cộng đồng doanh nghiệp mạnh, không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn để xây dựng một xã hội công bằng, hiện đại, và bền vững”, đại biểu Thân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần có một tư duy rõ ràng về vai trò của kinh tế Nhà nước và kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO