Tâm điểm

Đòn bẩy tài chính mới cho kinh tế tư nhân

PGS, TS Phan Anh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Ngân hàng, Học viện Ngân hàng 11/05/2025 11:37

Tăng trưởng bền vững của kinh tế tư nhân phụ thuộc vào việc cải cách chính sách để tích hợp hiệu quả Fintech, thị trường vốn và đầu tư mạo hiểm với mục tiêu chuyển đổi số, kinh tế xanh.

interloan1_ljle.jpg
Nền tảng Interloan tận dụng tiền nhàn rỗi trong nội bộ doanh nghiệp để hỗ trợ nhân viên và các DNNVV khác, giúp duy trì dòng vốn trong cộng đồng doanh nghiệp.

Trong bối cảnh kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng nhất theo Nghị Quyết 68-NQ/TW, nền tảng Fintech đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong kinh tế số.

Khai thác tiềm năng Fintech

Trên thực tế, một trong những rào cản lớn nhất với khu vực tư nhân hiện nay là tiếp cận tín dụng. Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, chỉ có khoảng 30-35% DNNVV có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng với tài sản thế chấp hiện có, còn một số ít ngân hàng thực hiện cho vay dựa trên tài sản hình thành trong tương lai nhưng rất nhỏ giọt. Trong khi Fintech, với mô hình cho vay ngang hàng (P2P Lending), đang góp phần giải bài toán này, chẳng hạn như nền tảng Interloan...

Điểm đặc biệt là các nền tảng này sử dụng dữ liệu phi truyền thống như dòng tiền, hành vi tiêu dùng, lịch sử giao dịch để xét duyệt tín dụng tự động và nhanh chóng, giảm phụ thuộc vào tài sản thế chấp - điều mà nhiều doanh nghiệp nhỏ đang thiếu.

Đối với thanh toán xuyên biên giới, với xu hướng quốc tế hóa của nhiều doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử, việc thanh toán quốc tế nhanh chóng, minh bạch và chi phí thấp là yếu tố sống còn.

Số liệu từ Vietnam Fintech Report 2024 cho thấy Việt Nam hiện có hơn 160 công ty Fintech, nằm trong Top 3 hệ sinh thái Fintech phát triển nhanh nhất khu vực ASEAN. Trong đó, 70% hoạt động Fintech tập trung vào thanh toán và tín dụng, đúng hai nhu cầu cấp thiết của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, để khai thác trọn vẹn tiềm năng, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thử nghiệm (sandbox), giúp Fintech phát triển trong môi trường kiểm soát được rủi ro; thúc đẩy chia sẻ dữ liệu giữa doanh nghiệp - ngân hàng - cơ quan Nhà nước, tạo điều kiện cho Fintech thẩm định và cung cấp dịch vụ chính xác hơn; và đảm bảo an toàn thông tin và bảo vệ người tiêu dùng tài chính, đặc biệt trong các mô hình tín dụng số.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần lưu ý rủi ro tiềm ẩn của Fintech, đặc biệt là các mô hình P2P lending - nếu không được quản lý tốt, có thể dẫn đến bong bóng nợ, gây mất ổn định hệ thống tài chính. Đây cũng là lý do tại sao Nghị quyết 68-NQ/TW nhấn mạnh việc "xây dựng khung pháp lý thử nghiệm có kiểm soát về P2P" để vừa thúc đẩy đổi mới nhưng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống.

Cải cách chính sách phù hợp

Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, như tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW, chúng ta có thể tiếp cận 3 định hướng chính sách trọng tâm:

Thứ nhất, tăng cường tích hợp Fintech vào chuyển đổi số doanh nghiệp bằng cách nhanh chóng phát triển khung pháp lý thử nghiệm cho các sản phẩm Fintech mới, đặc biệt trong lĩnh vực thanh toán số, tín dụng số và ngân hàng số; thúc đẩy chia sẻ dữ liệu tài chính mở (open banking) giữa các ngân hàng, Fintech và doanh nghiệp.

Để triển khai hiệu quả, NHNN cần hoàn thiện khung pháp lý thử nghiệm cho Fintech trong năm 2025-2026; Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng tiêu chuẩn API mở cho ngành tài chính giai đoạn 2025-2027; và Chính phủ ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào hạ tầng công nghệ tài chính.

Thứ hai, phát triển thị trường vốn xanh và tín dụng bền vững bằng cách mở rộng quy mô tín dụng xanh, khuyến khích phát hành trái phiếu xanh và bền vững.

Việc phát triển thị trường vốn xanh trực tiếp đáp ứng định hướng tại Mục III.3.2 của Nghị quyết 68-NQ/TW về "đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh" và "cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh". Để đạt được mục tiêu này, cần có chiến lược thúc đẩy thị trường vốn xanh với các bước cụ thể: (i) Giai đoạn 2025-2027, NHNN và Bộ Tài chính xây dựng khung phân loại xanh và cơ chế xác thực dự án xanh; (ii) Giai đoạn 2027-2028, Bộ Tài chính thiết lập quy định về minh bạch thông tin cho phát hành trái phiếu xanh; (iii) Giai đoạn 2028-2030, thành lập ngân hàng khí hậu quốc gia để cung cấp tín dụng dài hạn cho các dự án xanh của khu vực tư nhân.

Thứ ba, thúc đẩy đầu tư mạo hiểm vào công nghệ cao và đổi mới sáng tạo. Nhà nước có thể cùng đầu tư với các quỹ tư nhân vào các lĩnh vực ưu tiên như AI, công nghệ sạch, và chuyển đổi số. Cùng với đó, cải thiện khung pháp lý cho đầu tư mạo hiểm.

Để hiện thực hóa điều này theo Nghị quyết 68-NQ/TW, về phía Bộ Tài chính, cần xây dựng cơ chế đầu tư mạo hiểm Nhà nước theo mô hình Fund of Funds (FoF) bằng cách đóng góp 20-30% vào các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) tư nhân đầu tư cho lĩnh vực công nghệ cao. Bên cạnh đó, sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đến cuối năm 2025 để triển khai các ưu đãi thuế cho quỹ VC và startup công nghệ. Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, cần phối hợp với Bộ Tài chính phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp tư nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đòn bẩy tài chính mới cho kinh tế tư nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO