“Quản chặt” giờ làm có lợi cho ai?
Có quá nhiều quy định trong Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) được đánh giá sẽ làm xói mòn năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nếu được áp dụng vào thực tế.
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV vào tháng 10 tới đây.
Thiệt hại lớn cho doanh nghiệp
Tập đoàn Samsung tại Việt Nam quản lý hàng trăm nghìn lao động, với đề xuất giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần, giới hạn thời gian làm thêm và tăng lương lũy tiến giờ làm thêm, doanh nghiệp này dự kiến sẽ mất thêm 2 triệu USD/tháng, tương đương hơn 24 triệu USD/năm.
Không chỉ gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp cũng như bất ổn cho hoạt động sản xuất. Thậm chí, khi áp lực quá lớn từ những quy định đó, doanh nghiệp sẽ có khả năng chuyển nhà máy sang quốc gia khác khiến tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia giảm đi, kéo theo các chuỗi doanh nghiệp cung ứng cho Samsung tại Việt Nam cũng bị ảnh hưởng lớn, không còn khả năng để duy trì hoạt động.
Không riêng với Samsung, Báo cáo đánh giá mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, những quy định về giảm giờ làm nếu được thông qua có thể khiến nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động dôi dư do năng lực tài chính hiện tại của nhiều doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu của Dự thảo Bộ Luật mới. Dẫn tới gia tăng những rủi ro về chi phí lao động, giảm thu hút đầu tư đặc biệt với các ngành mang tính đặc thù về thời vụ, hoặc phải xử lý ngay các nguyên liệu nông - lâm - thủy sản tươi sống.
“Với ngành da giày doanh số giảm, chi phí lao động tăng thì việc thu hút đầu tư nước ngoài sẽ giảm. Nhiều đối tác nước ngoài cho biết, các nhãn hàng đang có xu hướng dịch chuyển đầu tư. Nếu để các nhà đầu tư rút khỏi Việt Nam thì các FTA sẽ không còn giá trị”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết.
Trong khi đó, những quốc gia phát triển hơn Việt Nam như Thái Lan, Philippines, Maylasia vẫn duy trì 48 giờ/tuần. Các quốc gia như Lào, Campuchia cũng có giờ làm tương đương với Việt Nam. Giờ làm việc trong khoảng 40 – 44 giờ/tuần đa phần chỉ thuộc các quốc gia phát triển như EU, Mỹ, Nhật Bản, Singapore.
Đánh trượt điều kiện trên chính sân nhà
Không chỉ nằm ở vấn đề năng lực cạnh tranh, nhiều ý kiến chuyên gia lo ngại, lợi ích quốc gia có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu những đề xuất của dự Luật được thông qua.
Cụ thể, ở bên ngoài, Chính phủ sẽ phải đối phó với việc giảm kim ngạch xuất khẩu, còn ở bên trong, các cơ quan nhà nước phải nỗ lực xử lý vấn đề thất nghiệp gia tăng, chi phí bảo hiểm thất nghiệp tăng và việc cắt giảm lao động hàng loạt.
Có thể bạn quan tâm
Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) bị đánh giá... "tư duy làm luật phi thị trường"
17:13, 18/09/2019
Dự thảo Luật Lao động sửa đổi: Ngày nghỉ thực hiện quyền công đoàn tạo "gánh nặng" cho doanh nghiệp
06:49, 14/08/2019
Dự thảo Luật Lao động sửa đổi: VCCI và 6 Hiệp hội khẩn thiết gửi kiến nghị tới Quốc hội và Chính phủ
16:38, 13/08/2019
Dự thảo Luật Lao động sửa đổi "khoá chân" doanh nghiệp
18:14, 08/08/2019
Báo cáo đánh giá mới đây của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu đã và đang chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của quốc gia. Tuy nhiên, nếu dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi được chính thức thông qua, với hàng loạt các quy định “ngáng chân” doanh nghiệp, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ bị tác động tiêu cực.
“Bộ luật Lao động năm 2012 đang tồn tại đã và đang gây quá nhiều khó khăn cho việc xuất khẩu hàng hóa của các ngành công nghiệp trọng điểm xuất khẩu. Nhiều đơn hàng đã bị hỏng do các đoàn đánh giá độc lập của “bên mua” căn vào các quy định quá khắt khe của Bộ luật Lao động hiện hành để “đánh trượt” doanh nghiệp trong việc xuất hàng đi nước ngoài”, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung nhấn mạnh.
Cho ý kiến về vấn đề này, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có cùng lo lắng. Theo đó, việc siết quy định giờ làm sẽ giảm cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, điện tử và thuỷ sản. “Các biện pháp trói buộc sẽ làm giảm GDP trong một lĩnh vực quan trọng là xuất khẩu cũng là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động là không có lợi cho nền kinh tế quốc dân, cho doanh nghiệp và người lao động”, TS Vũ Tiến Lộc nhận định.
Trong khi đó, góp ý vào Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TP.HCM cho hay: Bất kỳ bộ luật nào cũng phải đảm bảo cho thị trường vận hành một cách hiệu quả. Kinh tế Việt Nam vào thời điểm này vẫn phải trông nhờ vào lợi thế quy mô lao động lớn. Nhưng mong muốn toàn dụng lao động sẽ không thực hiện được khi giới hạn thời gian làm thêm, giới hạn về tiền lương lũy kế… Với những giới hạn này, thậm chí còn tạo ra thiểu dụng lao động và thất nghiệp có tính cơ cấu.
“Không những vậy, cách quy định tiền lương làm thêm giờ lũy tiến theo giờ rất có thể tạo ra khuyến khích ngược, người lao động có thể sẽ làm không năng suất trong 1-2 giờ đầu để có lợi về tiền lương trong giờ tiếp sau…” - ông Vũ Thành Tự Anh lo ngại.
TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động – xã hội: “Nợ” quá nửa quy định “Trong số hơn 200 điều của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, có một nửa số quy định viết rằng Chính phủ sẽ quy định tiếp. Điều này có nghĩa là gì? Có hai nghĩa: một là điều khoản bị nợ, hai là khó quá, không thực hiện được. Một ví dụ là Điều 187, ta đã đưa vào Bộ luật Lao động 2012 rồi nhưng vẫn thất bại. Bây giờ quy định kéo dài thời gian làm việc, hưu trí gần như lặp lại trong khi Điều 187 Quốc hội đã giơ tay nhưng không triển khai nổi. Thế nên khi nhiều điều khoản vẫn còn quy định rằng Chính phủ sẽ quy định tiếp thì tôi cũng không hiểu Quốc hội sẽ giơ tay kiểu gì. Giơ tay kiểu cho qua đi, cho nợ quy chuẩn hay nợ kết quả”. |