Quy định doanh nghiệp bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn là không cần thiết, tạo thêm quá nhiều gánh nặng và trách nhiệm cho doanh nghiệp.
Trong bản kiến nghị được gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và 6 Hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị giữ nguyên định nghĩa về tiền lương đồng thời không quy định vấn đề “doanh nghiệp bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn”.
Tiền lương “khoác” nhiều vai
Theo đó, trong quy định của Bộ Luật hiện hành, tiền lương là “khoản tiền” mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Đây là các khoản tiền cố định, đã được quy định rõ ràng khi người sử dụng lao động và người lao động kí kết hợp đồng.
Còn tại Dự thảo Luật lại quy định tiền lương là “tổng số tiền” mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Việc định nghĩa về tiền lương theo Dự thảo Bộ Luật sẽ dẫn tới các khoản tiền không cố định hàng tháng như lương làm thêm giờ, các trợ cấp khác cũng được tính là tiền lương để đóng bảo hiểm.
Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, trên thực tế, tỷ lệ đóng bảo hiểm ở Việt Nam hiện nay đã tương đối cao (NSDLĐ 21,5%; NLĐ 10,5%) và cao hơn so với rất nhiều quốc gia khác như: Thái Lan (NSDLĐ 5%; NLĐ 5%), Philippines (NSDLĐ 7.37%; NLĐ 3.63%), Indonesia (NSDLĐ 4.24%-5.74%; NLĐ 2%), Ấn Độ (NSDLĐ 10.5%-12.5%; NLĐ 10-12%),… Việc quy định cộng cả lương làm thêm giờ và các trợ cấp khác vào tiền lương để đóng bảo hiểm sẽ khiến số tiền đóng bảo hiểm đã cao lại càng cao hơn nữa, tạo thêm gánh nặng cho cả người lao động và cả doanh nghiệp.
Do vậy, doanh nghiệp kiến nghị giữ nguyên định nghĩa về tiền lương như quy định tại Bộ Luật hiện hành, là “khoản tiền” mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận.
Có thể bạn quan tâm
16:38, 13/08/2019
04:50, 12/08/2019
06:00, 09/08/2019
18:14, 08/08/2019
11:30, 28/05/2019
Bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn là không cần thiết
Về quy định doanh nghiệp bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn. Theo các doanh nghiệp, thực tế, trong một năm doanh nghiệp đã phải bố trí rất nhiều thời gian để đào tạo công nhân viên.
“Chỉ tính riêng đào tạo đầu vào cho công nhân viên, việc đào tạo ý thức, tác phong cũng đã chiếm ít nhất 1 ngày, đào tạo công việc chiếm từ 5-7 ngày, thậm chí vài tuần do chất lượng đào tạo của các trường tại Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu thực tế doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp phải đào tạo lại từ đầu”, kiến nghị nêu rõ.
Ngoài ra, theo quy định của Luật hóa chất về thời gian huấn luyện an toàn hóa chất cho người lao động tối thiểu là từ 8-16 giờ tùy nhóm. Tại Thông tư quy định chi tiết hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cũng có nêu rõ: “Tổng thời gian huấn luyện là 48 giờ, không bao gồm thời gian sát hạch; thời gian khóa tập huấn cập nhật kiến thức, thông tin, chính sách, pháp luật, khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động cho người huấn luyện ít nhất là 8 giờ”. Hơn thế nữa, đối với những người tham gia công tác Công đoàn, Luật Công đoàn cũng quy định rõ: “Cán bộ công đoàn không chuyên trách được sử dụng 24 giờ làm việc trong một tháng đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch công đoàn cơ sở; 12 giờ làm việc trong 01 tháng đối với Ủy viên Ban chấp hành, Tổ trưởng, Tổ phó tổ công đoàn để làm công tác công đoàn và được đơn vị sử dụng lao động trả lương”.
Theo các doanh nghiệp, trong tất cả các khoảng thời gian kể trên, người lao động không làm việc, không tạo ra kết quả sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng cần phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho việc đào tạo.
“Do vậy, quy định doanh nghiệp bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn là không cần thiết, tạo thêm quá nhiều gánh nặng và trách nhiệm cho doanh nghiệp”, kiến nghị nêu rõ.
Doanh nghiệp kiến nghị không quy định vấn đề “doanh nghiệp bố trí cho toàn bộ công nhân viên nghỉ 1, 2 ngày để thực hiện quyền công đoàn trong” Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi.