Quy định áp giờ làm việc bình thường xuống còn 44 giờ/tuần, cộng thêm trần giờ làm thêm không quá 40 giờ/tuần và 400 giờ/năm khiến doanh nghiệp Việt chịu “một cổ ba tròng”.
Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, tuy nhiên nhiều quy định trong Dự luật lại đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt là việc “áp trần” giờ làm việc bình thường cũng như giờ làm thêm.
Doanh nghiệp mất tiền tỷ
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), doanh nghiệp thuỷ sản hoạt động sản xuất phụ thuộc vào nguồn tài nguyên khai thác từ ngư dân, có tính mùa vụ và sản phẩm về nhà máy là phải chế biến ngay do đó không thể tháng nào cũng như tháng nào mà áp trần giờ làm việc bình thường 44 giờ/tuần rồi áp cả khung giờ làm thêm.
Trước hết, về quy định giờ làm việc bình thường giảm từ 48 giờ/tuần xuống còn 44 giờ/tuần. Theo tính toán của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), nếu giảm giờ làm việc như hiện nay xuống còn 44 giờ/tuần, các doanh nghiệp sẽ phải tăng thêm chi phí cho 4 giờ/tuần từ thời gian làm việc bình thường sang trả lương theo giờ làm thêm.
Trong khi đó, trả lương giờ làm thêm sẽ ở mức 150% với làm thêm ngày thường, 200% với ngày nghỉ và 300% ngày lễ tết. Đại diện VASEP ước tính, với một doanh nghiệp thuỷ sản quy mô 2.000 lao động sẽ phải trả thêm khoảng 5 tỷ đồng/năm.
Được biết, giờ làm việc trong khoảng 40 - 44 giờ/tuần đa phần thuộc các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, còn các nước đang phát triển và phần lớn các quốc gia mới nổi đều quy định giờ làm việc ở mức 48 giờ/tuần.
“Ngay ở Asean, cũng chỉ có hai quốc gia có giờ làm việc thấp hơn 48 giờ/tuần đó là Indonesia và Singapore-quốc gia phát triển và năng suất lao động cao”, ông Trương Văn Cẩm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Và ngay cả Việt Nam với quy định định hiện hành về thời giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần thì các doanh nghiệp của nhiều ngành nghề như dệt may, thủy sản, da giày đã phải bố trí làm thêm giờ hết thời gian được phép 300 giờ/năm theo quy định.
Thậm chí, có doanh nghiệp còn vi phạm quy định về giờ làm thêm để có thể giao hàng đúng hạn, tránh bị phạt hợp đồng hoặc phải giao hàng bằng máy bay.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 09/08/2019
18:14, 08/08/2019
11:30, 28/05/2019
15:00, 26/05/2019
Chỉ quy định trần giờ làm thêm theo năm
Cùng với đó, Dự luật quy định mức trần giờ làm thêm không quá 40 giờ/tuần và 400 giờ/năm. Mặc dù có tăng hơn 100 giờ/năm so với quy định hiện hành, nhưng chỉ là với “các ngành nghề đặc biệt”, trong khi tiêu chí xác định thế nào là “ngành nghề đặc biệt” còn bỏ ngỏ.
Các doanh nghiệp cũng cho rằng, áp trần giờ làm thêm 400 giờ/năm là thấp so với năng suất lao động của Việt Nam hiện nay. Điều này đặc biệt gây khó với các doanh nghiệp sản xuất có tính mùa vụ như dệt may.
“Lập luận chúng tôi cho rằng, không phải doanh nghiệp nào cứ được “nới” là tăng giờ làm thêm, bởi chi phí trả lương cho giờ làm thêm có chi phí phát sinh rất cao. Tuy nhiên với ngành hàng có tính thời vụ thì khi yêu cầu bắt buộc phải tăng giờ làm thêm”, ông Trương Văn Cẩm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nói.
Ông Cẩm cũng cho rằng, mức trả lương 150%-200-300% đã là rất cao rồi, nếu ngày lễ phải thêm tiền lương ngày lễ đó tính ra phải là 400%. Nếu theo Dự luật tính lương luỹ tiến thì chi phí quá cao cho doanh nghiệp.
Đồng quan điểm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, khung giờ làm thêm ở nhiều quốc gia có năng suất lao động, trình độ phát triển cao như Nhật Bản cũng cao hơn mức 400 giờ/năm mà Việt Nam quy định. Cùng với đó, tại Nhật Bản giờ làm thêm đầu cũng chỉ được tính mức 120% trong khi Việt Nam hiện hành đã là 150%, tăng luỹ tiến theo giờ là không thể được.
Các doanh nghiệp cũng kiến nghị chỉ áp trần giờ làm thêm theo năm chứ không theo tuần.
Như vậy, việc Dự luật đưa ra ba mức trần giờ làm được cho là làm khó nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp thâm dụng nhiều lao động. “Việc áp giờ làm việc bình thường xuống còn 44 giờ/tuần, rồi áp khung giờ làm thêm không quá 40 giờ/tuần và không quá 400 giờ/năm, như vậy là doanh nghiệp Việt chịu “một cổ ba tròng””, Phó Tổng Thư ký VASEP nhận định.
Trong khi đó, ngay tại các nước phát triển như Singapre chỉ quy định trần giờ làm thêm theo tháng, Hàn Quốc cũng chỉ quy định theo tuần thôi… Như vậy, những quy định này ở Việt Nam không khác gì “khoá chân” doanh nghiệp.