Gian nan xử lý các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật
Hàng ngàn tấn thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tồn lưu từ hàng chục năm nay trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh tiềm ẩn những mối họa về môi trường.
Tuy nhiên, việc xử lý các điểm tồn lưu thuốc BVTV đến nay vẫn còn rất nan giải, người dân hằng ngày phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh.
Nơm nớp sống trên kho thuốc BVTV
Thời gian qua, trên địa bàn Nghệ An đã phát hiện rất nhiều điểm tồn dư thuốc BVTV trong khu dân cư, thậm chí có hộ sống trên nền kho thuốc BVTV cũ, hoặc có gia đình đào giếng cạnh kho thuốc BVTV. Nhiều điểm tồn dư đã bị biến dạng do người dân cải tạo đất hoặc làm nhà chồng lên bên trên mà không hề hay biết.
Gia đình bà Nguyễn Thị Chương (trú tại xóm 11, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên) nhiều năm nay dựng nhà sinh sống trên kho thuốc BVTV của HTX trước đây để lại mà không biết. Khi thấy cán bộ của Sở TNMT Nghệ An thông báo chuẩn bị xử lý ô nhiễm thì cả gia đình mới tá hỏa. Toàn bộ các công trình phụ như nhà tắm, nhà vệ sinh, nhà bếp và cả giếng nước dùng sinh hoạt cho cả gia đình đều được xây dựng trên kho thuốc.
Bà Chương lo lắng: “Khi chúng tôi về đây xây nhà ở không biết ở đây có kho thuốc BVTV và chính quyền địa phương cũng không cảnh báo gì. Năm trước cơ quan chức năng đến xử lý ô nhiễm mới biết mình sống bao năm trên kho thuốc độc. Dù kho thuốc đã bị san lấp nhưng thuốc BVTV trước đây có thể ngấm vào lòng đất sẽ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Chúng tôi rất mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp xử lý triệt để”.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp Chè Lai Châu: “Ngậm đắng” vì... dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
16:42, 31/07/2019
Quảng Ninh: Nan giải vấn đề giải quyết ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật
11:00, 17/06/2019
Cảnh báo tồn dư thuốc bảo vệ thực vật rau, quả xuất khẩu
07:00, 05/06/2019
Hoang mang trước “ma trận” thuốc bảo vệ thực vật
05:05, 04/08/2018
Không chỉ gia đình bà Chương mà 2 gia đình khác cũng xây nhà trên kho thuốc BVTV. Sau khi biết cả gia đình hàng chục năm nay sống trên vùng đất ô nhiễm bởi thuốc BVTV, ông Nguyễn Bá Minh ngày nào cũng nơm nớp, bất an. Ông Minh cho biết: “Gia đình tôi lên đây sinh sống từ những năm 90, lúc xây nhà không biết ở đây có kho thuốc BVTV. Giờ muốn chuyển đi nơi khác ở nhưng không có điều kiện mà sống ở đây thì lúc nào cũng nơm nớp, lo lắng”.
Cần phải xử lý triệt để
Theo đánh giá của các chuyên gia, hóa chất BVTV đứng đầu trong danh sách các loại hóa chất độc hại nguy hiểm. Các kho chứa hóa chất BVTV tồn lưu hầu hết được xây dựng từ hàng chục năm trước, không được quan tâm tu sửa, xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều kho bị dột nát, rạn nứt, hệ thống thoát nước không có nên khi mưa lớn thì sẽ phát tán thuốc BVTV ra môi trường. Đáng lo ngại, những hóa chất độc hại có thể theo nước mưa ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là một trong những tác nhân gây ung thư điển hình. Những tác hại của các điểm tồn lưu thuốc BVTV đã “nhãn tiền”, tuy nhiên, việc xử lý các kho thuốc này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, đầu năm 2019, Sở TN&MT tỉnh đã tiến hành xử lý kho thuốc với tổng mức đầu tư gần 6 tỷ đồng. Tính đến nay cả tỉnh mới có 26 điểm được xử lý xong, 04 điểm đang xử lý.
Nghệ An là một trong những địa phương có nhiều điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật lớn nhất cả nước. Hiện toàn tỉnh có đến 954 điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật tồn tại từ năm 1960 đến nay
Tuy nhiên, việc xử lý tình trạng tồn lưu thuốc BVTV trên địa bàn hiện vẫn còn lúng túng về công nghệ cũng như nguồn kinh phí thực hiện. Để thực hiện một dự án xử lý ô nhiễm môi trường, phải có kinh phí hàng tỉ đồng, trong khi đó, theo quy định, mỗi một điểm ngân sách Trung ương chỉ cấp 50%, còn lại là vốn đối ứng từ tỉnh.
Còn tại Hà Tĩnh, xác định hóa chất BVTV tồn lưu gồm nhiều loại khác nhau, mỗi loại hóa chất có một phương án, công nghệ xử lý riêng gây khó khăn trong lựa chọn công nghệ. Hơn nữa, hầu hết các điểm tồn lưu nằm trong khu dân cư, trường học, nhà văn hóa thôn, trong vườn các hộ dân, có điểm bị ngập nước thường xuyên… Vì vậy, việc giải phóng mặt bằng, thu gom, vận chuyển, xử lý rất khó, một số nơi khó lựa chọn địa điểm xử lý, gây kéo dài thời gian.
Trước tình trạng tồn lưu thuốc BVTV ảnh hưởng lớn tới sức khoẻ người dân, nhiều cơ quan, ban, ngành đã tích cực tuyên truyền, khuyến cáo người dân vùng bị ảnh hưởng sử dụng các biện pháp đảm bảo an toàn. Còn mục tiêu “làm sạch” đối với hàng trăm điểm tồn lưu thuốc BVTV bị ô nhiễm theo lộ trình vẫn là hành trình gian nan đối với hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.