Từ đầu năm đến nay, nhiều loại rau quả xuất khẩu bị phát hiện tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Theo Bộ Công Thương, trong vòng 4 tháng đầu năm nay, 8 lô hàng nông sản và 9 lô hàng thủy sản của nước ta xuất khẩu sang châu Âu đã bị hệ thống Cảnh báo nhanh của EU phát hiện chứa các chất vượt mức cho phép hoặc bị cấm sử dụng trong thực phẩm theo tiêu chuẩn EU. Phía EU đã ngay lập tức gửi thông báo từ chối nhập hoặc tiến hành giám sát chặt chẽ đối với một số mặt hàng nông sản và hải sản nhập khẩu từ Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
01:03, 01/06/2019
17:31, 30/05/2019
11:30, 30/05/2019
00:03, 29/05/2019
Ngoài thị trường EU, Nhật Bản cũng đã phát hiện nhiều nông sản của nước ta như thanh long, rau mùi tàu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá giới hạn cho phép của nước này. Với những doanh nghiệp vi phạm, Nhật Bản dự kiến sẽ áp lệnh kiểm tra 100% tất cả các sản phẩm cùng loại. Bên cạnh đó, nước này sẽ tăng cường kiểm tra các mặt hàng cùng loại xuất khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, rau ngót tươi 30% đối với hoạt chất hexaconazol; rau mùi tàu tươi (ngò tàu tươi) 100% đối với chlorpyrifos, cypermethrin, profenofos, hexaconazole; 30% đối với tebuconazole, Pydaben, Fenbuconnazole; trà chưa lên men 30% đối với triazophos; nấm Fukurotake 30% đối với chlorpyrifos; thanh long tươi 30% đối với metalaxyl, mefenoxam…
Lý giải nguyên nhân các lô hàng nông sản của nước ta khi xuất khẩu ra thị trường nước ngoài bị trả về hoặc bị áp lệnh kiểm soát gắt gao, ông Võ Quan Huy - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - cho rằng, do chất lượng các lô hàng nông sản đó thực sự có vấn đề, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật quá ngưỡng cho phép theo quy định của nước xuất đến. Bên cạnh đó, quy định của các nước xuất đến khác so với nước chúng ta, như hàng xuất khẩu sang Mỹ thì họ đòi hỏi phải có chiếu xạ, còn hàng xuất sang Nhật thì lại đòi hỏi phải xông nước nóng, khử trùng bằng nhiệt.
Còn theo ông Vương Trường Giang - Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do việc áp dụng mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) của thuốc bảo vệ thực vật/nông sản giữa các nước và Việt Nam đang có sự khác nhau.
Trước việc Nhật Bản tăng cường kiểm tra chất lượng một số mặt hàng của nước ta, Cục Bảo vệ thực vật đã có văn bản số 1045/BVTV-ATTPMT gửi các Chi cục Kiểm dịch thực vật, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản và các tổ chức, cá nhân liên quan. Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật yêu cầu các nhà xuất khẩu Việt Nam phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm của Nhật Bản, tránh gây thiệt hại về kinh tế cũng như uy tín xuất khẩu của nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu; thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ sản xuất ban đầu tránh tái diễn tình trạng vi phạm.
Sự vênh nhau về các mức quy định tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật giữa Việt Nam và các nước đang gây khó cho hàng nông sản xuất khẩu trong nước. Để giải bài toán này, ông Vương Trường Giang khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt phải nắm bắt thông tin của thị trường xuất khẩu xác định rõ thị trường xuất khẩu của mình là nước nào, những quy định về an toàn thực phẩm ở nước đó ra sao? Trên cơ sở đó, cân nhắc nên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phù hợp với quy định an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu. Mặt khác, quy hoạch vùng sản xuất, sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với thị trường xuất khẩu.
“Để tránh rơi vào trường hợp không đáng có như trên, trước khi xuất khẩu thì doanh nghiệp cần thông qua nhà nhập khẩu để tìm hiểu quy định của nước nhập khẩu”- ông Võ Quan Huy nhấn mạnh.
Ông Vương Trường Giang - Trưởng phòng An toàn thực phẩm, Cục Bảo vệ thực vật cho biết thêm, một việc quan trọng cần phải làm ngay đó là xây dựng mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) các hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật với nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam từ đó đàm phán và có sự công nhận lẫn nhau, nhất là đối với các nông sản có số lượng lớn. Đây là xu hướng chung các nước xuất khẩu nông sản đang thực hiện.