Vấn đề ô nhiễm môi trường do thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu là thách thức lớn với nhiều địa phương, trong đó có Quảng Ninh.
Sở TNMT Quảng Ninh đang trình UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt dự án đánh giá hiện trạng và đề xuất các phương án xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đối với 14 điểm ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2019. Dự án được phê duyệt sẽ là cơ sở quan trọng để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường, nguồn nước do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, đảm bảo sức khỏe của người dân địa phương.
Trước đó, Sở TNMT Quảng Ninh đã phối hợp với các ngành chức năng tổ chức xử lý dứt điểm 4 vị trí và đang tổ chức xử lý 8 vị trí kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu (dự kiến xử lý xong trước ngày 30/9/2019). Còn lại 14 vị trí kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cần tiếp tục xử lý dứt điểm.
Theo kết quả điều tra, đến nay trên địa bàn tỉnh có 26 vị trí kho hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu cần xử lý (từ năm 2014). Vị trí các kho này đều có hàm lượng tồn dư các hóa chất bảo vệ thực vật Lindan, DDT, Aldrin… trong đất, dưới nền kho vượt ngưỡng cho phép.
Các kho chứa hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu hầu hết được xây dựng từ hàng chục năm trước nên đều trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều kho bị dột nát, rạn nứt, hệ thống thoát nước không có, nên khi mưa lớn thì sẽ phát tán thuốc bảo vệ thực vật ra môi trường. Điều này gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng sức khỏe của người dân tại các khu vực này.
Theo ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Sở TNMT Quảng Ninh, việc xử lý những vị trí kho hóa chất bảo quản thực vật còn lại đang gặp nhiều khó khăn. Bởi nhiều vị trí không còn giữ nguyên hiện trạng như trước. Cụ thể, kho HTX Nông nghiệp Bình Khê (TX Đông Triều) đã được phá để xây dựng trường mầm non của xã; kho HTX Nông nghiệp Hiệp Hòa 1 (TX Quảng Yên) đã bị san gạt để xây nhà dân; Kho Đội 1 Tuần Châu (TP Hạ Long) đã được phá dỡ để xây trạm biến áp... Điều này gây khó khăn cho công tác xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại khu vực đã giải phóng mặt bằng.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Quảng Ninh, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh sử dụng hơn 200 tấn hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, tương đương khoảng 20 tấn vỏ bao bì, thuốc tồn đọng còn dính trong bao bì cần được xử lý.
Có thể bạn quan tâm
16:45, 17/06/2019
11:00, 15/06/2019
06:31, 15/06/2019
Trong khi toàn tỉnh Quảng Ninh có khoảng 1.300 bể chứa vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thì có tới 95% (1.216 bể) số bể chưa đạt chuẩn. Hầu hết bể chứa tại các địa phương xây dựng từ lâu, xuống cấp, thiếu kinh phí duy tu, hoạt động, không có khu vực lưu chứa tập trung, dẫn tới một số bể đã đầy nhưng chưa được thu gom, xử lý vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng đến môi trường sống xung quanh và các vùng sản xuất nông nghiệp.
Thực tế cho thấy, đa số các hộ dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường vứt vỏ bao bì bừa bãi ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ khiến môi trường khu vực nông thôn rơi vào tình trạng ô nhiễm trầm trọng.