Hai cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt: Vì "đất" nên nỗi?

LÊ SÁNG 09/06/2021 09:05

Việc 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị bắt với cáo buộc sai phạm liên quan đến đất đai thể hiện việc “không có vùng cấm” trong chống tiêu cực.

Việc 2 ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh, đều là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, bị cáo buộc sai phạm khi giao đất cho doanh nghiệp, gây thất thoát ngân sách đã gây “xôn xao” dư luận trong nước.

2 ông Nguyễn Chiến Thắng và Lê Đức Vinh đều là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa bị cáo buộc sai phạm khi giao đất cho doanh nghiệp, gây thất thoát ngân sách đã gây “xôn xao” dư luận trong nước.

Theo thông tin từ công an tỉnh Khánh Hòa, chiều ngày 8/6 cơ quan này đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi; Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà nhiệm kỳ 2011-2016); Lê Đức Vinh (56 tuổi, nguyên Phó bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhiệm kỳ 2015-2020, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021) và ông Lê Mộng Điệp (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường) cùng về tội Vi phạm quy định về quản lý đất đai theo Điều 229 BLHS. 

Khu vực Núi Chín khúc nơi có 2 dự án khiến 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa vừa bị bắt

Khu vực Núi Chín khúc nơi có 2 dự án khiến 2 cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa vừa bị bắt. Ảnh: Zing

Theo các nhà phân tích “nguồn cơn” sâu ra của hiện tượng này đến từ việc tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, giá trị bất động sản tăng nhanh đến chóng mặt chính là cơ hội để cho những liên minh” cá nhân - doanh nghiệp - cán bộ “dàn trận” nhằm thực hiện những kế hoạch thâu tóm đất công đắc địa.

Hầu hết những vụ việc này đều có mô típ chung là quan chức tiếp tay, chuyển nhượng hoặc giao đất theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thân hữu với giá “siêu ưu đãi”. Những sai phạm “khủng” liên quan đến việc “hô biến” đất vàng tại các địa phương được đưa ra đã làm cho hàng loạt cán bộ cấp cao lâm vào cảnh “hạ cánh không an toàn”.

Chính những “bóng ma” của các liên minh “công - tư - doanh” giữa cán bộ công chức (thường là cấp cao), cá nhân, doanh nghiệp đã tạo ra hậu quả là nó đang từng ngày ăn mòn lòng tin của người dân vào chính sách đất đai, sự công bằng và tôn nghiêm của pháp luật.

Chia sẻ về câu chuyện này, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng cơ chế quản lý sử dụng đất đai hiện nay cũng có thể một phần nguyên nhân của những sai phạm liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu. "Chẳng hạn như Bảng và khung giá đất nhà nước và các địa phương quy định thường thấp hơn đáng kể so với giá thị trường rồi các cơ chế quản lý về đấu giá, đấu thầu, đưa đất công sản vào thị trường cũng có không ít tồn tại. Chính điều này lại vô tình mở ra cơ hội để cám dỗ những cá nhân được tập trung quyền lực" - GS. Võ nêu quan điểm.

Nhìn chung, như nhiều chuyên gia về pháp lý đã nhận định luật pháp nói chung và Luật pháp liên quan đến đất đai nói riêng, đặc biệt là Luật đất đai vốn được xem là chiếc “vòng kim cô” để khắc chế lòng tham của những cán bộ có chức có quyền lợi dụng “ghế” của mình. Tuy nhiên, xuất phát từ những kẽ hở của hệ thống luật pháp cộng với sức cám dỗ của những món lợi có được khi làm sai thì các cán bộ nhà nước đã cố tình "nhờn" luật.

Thực trạng trên đang từng ngày làm xói mòn lòng tin của nhân dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về một Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đặc biệt là về đất đai.

GS. Đặng Hùng Võ cũng cho rằng trong cơ chế thị trường, đất đai là tài sản có giá trị lớn, có thể mang lại siêu lợi ích cho một doanh nghiệp, một cá nhân do đó, để ngăn chặn từ xa những sai phạm tiềm tàng liên quan đến đất đai, nhất là với các cán bộ quản lý cấp cao thì yêu cầu về công khai mọi thông tin đất đai là yếu tố quan trọng.

Trước đó, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Khánh Hòa ra thông báo về việc đăng ký tham gia thẩm định giá đất trên địa bàn. Theo đó, các đơn vị tư vấn sẽ tiến hành nộp hồ sơ tại Sở Tài nguyên Môi trường để tham gia đăng ký thẩm định cụ thể lại giá đất của 351 dự án.

Trong 351 dự án kể trên, có 306 trường hợp, dự án phải xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất của dân và 2 trường hợp xác định giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất.

Ngoài ra, cũng phải xác định lại giá đất cụ thể để thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của 43 dự án UBND tỉnh Khánh Hòa có quyết định cho các doanh nghiệp thuê đất, giao đất làm dự án kinh doanh, đổi đất làm các dự án BT (xây dựng - chuyển giao) từ các năm 2013 đến nay với tổng diện tích hơn 1.283ha.

Số dự án này tập trung tại thành phố Nha Trang và bắc bán đảo Cam Ranh. Các dự án nêu trên chủ yếu kinh doanh bất động sản, khu đô thị, du lịch. Trong đó có không ít dự án đã phân lô, bán đất thu tiền từ lâu. 

Một số dự án phải xác định lại giá đất như: Dự án Khu đô thị Lê Hồng Phong 1, Dự án VCN Phước Long, Dự án Khu đô thị mới Phước Long; Khu đô thị The Lotus Cam Ranh; Khu dân cư Cồn Tân Lập; Dự án Khu đô thị Lê Hồng Phong 2; Dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia; Khu đô thị Hoàng Long; Khu du lịch Mỹ Mỹ Resort; Công viên Bến du thuyền quốc tế…

Có thể bạn quan tâm

  • Bắt tạm giam 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

    Bắt tạm giam 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

    17:50, 08/06/2021

  • Khởi tố, bắt giam 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà

    Khởi tố, bắt giam 2 cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà

    17:48, 08/06/2021

  • Khánh Hòa: Hàng trăm dự án phải định lại giá đất

    Khánh Hòa: Hàng trăm dự án phải định lại giá đất

    13:35, 08/06/2021

  • Lời cảm ơn chân thành của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

    Lời cảm ơn chân thành của Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa

    16:33, 04/06/2021

  • Khánh Hòa: Phát hiện thêm một “Dự án Ocean View thứ hai”

    Khánh Hòa: Phát hiện thêm một “Dự án Ocean View thứ hai”

    04:30, 01/06/2021

LÊ SÁNG