Doanh nghiệp “ngại” công khai thông tin về chống tham nhũng

Việt Nga 22/08/2018 00:14

Theo báo cáo TRAC Vietnam 2018, các doanh nghiệp Việt Nam chưa thực hiện tốt việc công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng.

Vừa qua, Tổ chức Hướng tới Minh bạch (Towards Transparency - TT), cơ quan đầu mối quốc gia của Tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International - TI) tại Việt Nam đã thực hiện báo cáo đánh giá thực tiễn công bố thông tin của 45 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (Báo cáo TRAC 2018). Các doanh nghiệp này được lựa chọn dựa trên Danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017 (VNR 500 2017).

Có thể bạn quan tâm

  • Chống tham nhũng và trách nhiệm người đứng đầu

    Chống tham nhũng và trách nhiệm người đứng đầu

    19:31, 21/06/2018

  • Cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng

    Cần mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng

    14:00, 13/06/2018

  • Luật Phòng, Chống tham nhũng không phải

    Luật Phòng, Chống tham nhũng không phải "con dao" duy nhất “cắt dây” tham nhũng

    12:04, 13/06/2018

  • Cử tri kỳ vọng gì ở Luật Phòng, chống tham nhũng?

    Cử tri kỳ vọng gì ở Luật Phòng, chống tham nhũng?

    09:09, 13/06/2018

 Báo cáo nghiên cứu TRAC Vietnam 2018 đánh giá độc lập thông tin trên trang điện tử của 45 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, bao gồm 15 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), 15 doanh nghiệp niêm yết và 15 doanh nghiệp Nhà nước.

Điểm công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp (0% là điểm thấp nhất; 100% là điểm cao nhất). Nguồn: TRAC 2018

Điểm công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng của doanh nghiệp (0% là điểm thấp nhất; 100% là điểm cao nhất). Nguồn: TRAC 2018

Báo cáo được thực hiện trên 3 khía cạnh: công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng, minh bạch trong cấu trúc và tỷ lệ sở hữu của doanh nghiệp, và công khai thông tin tài chính cơ bản theo cơ chế báo cáo quốc gia.

Theo TRAC Việt Nam 2018, số liệu công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng thể hiện cam kết công khai của doanh nghiệp về phòng chống tham nhũng tại Việt Nam không mấy sáng sủa với điểm trung bình của các doanh nghiệp chỉ 15% (thang điểm tính thấp nhất là 0%, điểm cao nhất 100%). Mặc dù kết quả này đã tăng đáng kể so với 10% của Báo cáo TRAC 2017, tuy nhiên vẫn còn nhiều điều có thể cải thiện.

Trong số các nhóm doanh nghiệp tham gia khảo sát, các công ty con của công ty nước ngoài đạt điểm số cao nhất với điểm trung bình là 31%. Tuy nhiên, kết quả này vẫn còn thấp so với kết quả của các công ty đa quốc gia ở thị trường mới nổi (48%) và các công ty lớn nhất thế giới (70%), theo kết quả của các Báo cáo TRAC tương tự. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhà nước đạt điểm thấp nhất ở tiêu chí “công khai thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng”. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là doanh nghiệp nhà nước có điểm số cao nhất về khía cạnh này cũng chỉ đạt điểm số 27%. Trong khi đó, với nhiệm vụ chính là cung cấp dịch vụ công, các doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về liêm chính và minh bạch.

Báo cáo TRAC Việt Nam 2018 cũng cho biết, nguyên nhân các doanh nghiệp nhà nước đạt điểm số thấp về công khai thông tin về chương trình phòng, chống tham nhũng là do các doanh nghiệp này còn thiếu các chương trình phòng, chống tham nhũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi năm 2012) đưa ra các yêu cầu về công khai, minh bạch đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Tuy nhiên, luật lại không yêu cầu các doanh nghiệp công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng. 

Trong thực tế, một số doanh nghiệp mà chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài tự nguyện công khai thông tin về các chương trình phòng, chống tham nhũng. Do các chương trình phòng, chống tham nhũng này đã được công khai trên trang điện tử của công ty mẹ, các công ty con chỉ cần triển khai và công bố các chương trình phòng, chống tham nhũng của công ty mẹ trên trang điện tử ở Việt Nam. Các doanh nghiệp nước ngoài khác cũng có thể có chương trình phòng, chống tham nhũng, tuy nhiên do công ty mẹ không yêu cầu nên không công bố trên các trang điện tử ở Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Kiều Viễn, người sáng lập đồng thời là Giám đốc Tổ chức hướng tới minh bạch cho biết: “Minh bạch là chìa khóa để thúc đẩy môi trường kinh doanh liêm chính tại Việt Nam. Công khai thông tin doanh nghiệp làm giảm thiểu nguy cơ tham nhũng. Các doanh nghiệp càng minh bạch thì càng được nhà đầu tư, đối tác và khách hàng tin tưởng. Nếu doanh nghiệp xây dựng và công khai Chương trình chống hối lộ, đây sẽ là bước đi tích cực giúp họ đạt được điều đó”.

Việc công khai thông tin sẽ giúp phát triển môi trường đầu tư bền vững, khuyến khích các hành vi có trách nhiễm và hỗ trợ ra quyết định tốt hơn cho các doanh nghiệp ở cả khu vực công và khu vực tư. Nâng cao tính minh bạch cũng mang lại lợi ích kinh tế cho các doanh nghiệp với thông tiệp gửi đến khách hàng và người tiêu dùng rằng, họ đang phục vụ tốt hơn trên cơ sở nâng cao đạo đức và liêm chính của đội ngũ nhân viên.

Đưa ra những khuyến nghị, bà Viễn nhấn mạnh: “Việc không công khai thông tin sẽ khiến các bên liên quan hoài nghi về cam kết của doanh nghiệp trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Vì vậy, thời gian tới, Nhà nước cần ban hành các quy định nhằm khuyến khích doanh nghiệp thực hiện công khai thông tin liên quan đến phòng, chống tham nhũng

Việt Nga