Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng: dự Luật Phòng, chống tham nhũng xác định cơ quan kiểm soát tài sản và xử lý tài sản không rõ nguồn gốc là... “rất khó”.
Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình hợp lý. Theo đó, qua xác minh, nếu kết luận tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc việc giải trình về tài sản, thu nhập không hợp lý thì cơ quan thuế sẽ xem xét thực hiện việc truy thu thuế thu nhập cá nhân với thuế suất 45%.
Có thể bạn quan tâm
15:41, 06/06/2018
10:18, 31/05/2018
18:26, 29/05/2018
- Dự thảo Luật PCTN (sửa đổi) đang có những tranh cãi về xử lý tài sản không rõ nguồn gốc. Quan điểm của ông ra sao?
Theo dự thảo mới nhất, Chính phủ bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn số đã kê khai hoặc số tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần chênh lệch.
Hai phương án được cơ quan soạn thảo trình ra Thường vụ Quốc hội. Cụ thể:
Theo phương án một, dự Luật quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật phòng chống tham nhũng; đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập sẽ yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc này thông qua áp thuế thu nhập cá nhân.
Phương án hai quy định việc đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.
Có nhiều ý kiến cho rằng, tài sản không giải trình là tài sản bất minh. Tuy nhiên, theo tôi, không thể nói việc không giải trình được một cách hợp lý thì đó là tài sản bất minh. Không giải trình được một cách hợp lý nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không chứng minh được đó là tài sản bất hợp pháp thì phải suy đoán vô tội.
Do đó, việc đánh thuế 45% đối với tài sản không giải trình được nguồn gốc là không hợp lý bởi tài sản không chứng minh được tính hợp pháp thì sẽ không có cơ sở để xác định mức thuế. Còn khi cơ quan nhà nước chứng minh được đó là tài sản bất minh thì xử lý hình sự, xử lý dân sự, xử lý kỷ luật. Chứ không phải đánh thuế là hợp pháp hóa.
Đối với phương án thứ 2, coi đây là hành vi vi phạm và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Vậy ở phương án này thì người nộp phạt xong thì có phải đóng thuế thu nhập cá nhân nữa hay không? Vấn đề này vẫn còn khá nhiều vướng mắc.
Tôi không đồng tình với cả 2 phương án trên và đề nghị ban soạn thảo đề ra một phương án khác thay thế 2 phương án hiện tại.
- Có ý kiến còn cho rằng phải tịch thu tài sản bất minh thay vì đánh thuế, như vậy việc phòng chống tham nhũng quyết liệt?
Tịch thu tài sản bất minh là vấn đề mới và khó với Việt Nam. Hiện nay tài sản bất minh muốn thu hồi được phải thông qua con đường hình sự. Tuy nhiên việc thu hồi tài sản bằng cách này cũng gặp rất nhiều rất hạn chế.
Thậm chí khi đối tượng bị kết án vì hành vi tham nhũng thì việc thu hồi tài sản thất thoát cũng rất ít.
Và khi thực hiện phương án nêu trên thì phải được tiến hành thông qua thủ tục tư pháp một cách công khai và chặt chẽ, đủ thời gian cho người có tài sản giải trình và do toà án có quyền phán quyết chứ không phải bằng con đường hành chính. Và chính các cơ quan được giao nhiệm vụ kiểm soát tài sản của cán bộ công chức phải có trách nhiệm đưa vụ án ra các phiên toà giải quyết.
- Nhưng đề xuất này sẽ chồng chéo với các luật hiện hành, thưa ông?
Theo tôi, cơ quan có thẩm quyền cần bàn tính kỹ, cân nhắc kỹ có nên đồng ý hay không, có thể ở giai đoạn này chưa phù hợp thì tạm thời chúng ta chưa đưa vào, cùng với thực tiễn, chúng ta tiếp tục bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật để đảm bảo các biện pháp này là hợp pháp, phù hợp với hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo, ảnh hưởng tới công tác áp dụng pháp luật trong thực tế.
Vấn đề là cơ quan có thẩm quyền chưa thể kiểm soát được đầu vào, đầu ra tài sản đó. Do đó, đối tượng có dấu hiệu tham nhũng dễ dàng chuyển tài sản cho con cái họ (đã thành niên) đứng tên, hoặc chuyển cho người khác để tránh sự kiểm soát của Nhà nước.
Luật phòng chống tham nhũng cũng chưa có nội dung kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi công dân.
Pháp luật cũng chưa cho phép đụng đến tài sản của công dân một cách tùy tiện, trừ trường hợp nó liên quan tới vụ án hình sự nào đó.
- Vậy theo ông, giải pháp nào đủ mạnh?
Theo tôi, muốn giải quyết vấn đề tham nhũng, thì:
Thứ nhất, tăng cường công khai minh bạch trong hoạt động công quyền, hạn chế điều kiện và cơ hội phát sinh tham nhũng trong việc hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật.
Thứ hai, kiểm soát việc thực thi quyền lực Nhà nước, hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
Thứ ba, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
Thứ tư, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng chống tham nhũng, đặc biệt là giám sát của người dân.
Thứ năm, nghiên cứu tăng lượng cho cán bộ công chức để đảm bảo họ sống được bằng đồng lương.
Thứ sáu, cần tạo ra các cơ chế và chính sách mà người muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng được.
- Trân trọng cảm ơn ông!