Doanh nghiệp xuất khẩu gạo: Tự làm hại nhau bằng phá giá thị trường!

Nguyễn Việt thực hiện 12/10/2018 11:00

"Nhiều doanh nghiệp gạo Việt tự làm hại nhau bằng cách phá giá thị trường nhằm lôi kéo khách hàng và gia tăng số lượng xuất khẩu".

Đây là chia sẻ của ông Lê Quang Nhuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Louis Rice với DĐDN khi nói về thương hiệu gạo Việt.

ông Lê Quang Nhuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Louis Rice. Ảnh: Nguyễn Việt

Ông Lê Quang Nhuận, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Louis Rice. Ảnh: Nguyễn Việt

Có thể bạn quan tâm

  • Cần bỏ rào cản để gạo Việt đi xa hơn

    Cần bỏ rào cản để gạo Việt đi xa hơn

    15:18, 11/10/2018

  • Gạo Việt đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng

    Gạo Việt đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng

    11:00, 11/10/2018

  • Gạo Việt hiện diện tại 150 nước nhưng vẫn thiếu thương hiệu

    Gạo Việt hiện diện tại 150 nước nhưng vẫn thiếu thương hiệu

    03:12, 11/10/2018

  • Cơ hội nâng tầm hạt gạo Việt

    Cơ hội nâng tầm hạt gạo Việt

    11:20, 09/10/2018

  • Xuất khẩu gạo Việt: Lắm nỗi truân chuyên

    Xuất khẩu gạo Việt: Lắm nỗi truân chuyên

    11:00, 05/08/2018

  • 8X khởi nghiệp với khát vọng đưa giấm gạo Việt ra thế giới

    8X khởi nghiệp với khát vọng đưa giấm gạo Việt ra thế giới

    04:29, 02/08/2018

  • Hạt gạo Việt và mối lo

    Hạt gạo Việt và mối lo "chạm đáy"

    03:00, 22/07/2018

  • Bài toán khó của hạt gạo Việt

    Bài toán khó của hạt gạo Việt

    06:00, 18/04/2018

- Nhiều chuyên gia nhận xét, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ mới đang chú trọng đến số lượng mà chưa quan tâm đến chất lượng. Quan điểm của ông?

Theo tôi, ở đây là do cách thức bán hàng của các doanh nghiệp Việt Nam. Chúng ta tự làm hại nhau bằng cách phá giá thị trường nhằm lôi kéo khách hàng và gia tăng số lượng xuất khẩu. Ví dụ, nếu bán đúng giá jasmine phải 540 USD/tấn, giá chiết khấu cho khách hàng có thể giảm khoảng  5 – 10 USD/tấn. Nhưng có những doanh nghiệp Việt Nam mạnh tay giảm tới 20 USD – 30 USD. Trong khi tại Thái Lan, giá xuất khẩu của họ luôn được giữ ổn định và đều đặn. Không như Việt Nam, muốn giá nào cũng có.

- Chính cách bán hàng như vậy đã làm cho khách hàng đánh giá thấp chất lượng gạo của Việt Nam, thưa ông?

Khách hàng mất niềm tin một phần do chính doanh nghiệp Việt tự “đấu đá” nhau về giá. Nếu các doanh nghiệp đều có ý thức và đồng lòng “bắt tay” nhau giữ giá ổn định giống như người Thái thì sẽ không có đối thủ nào “đè” được gạo Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước tự hạ giá một cách tùy tiện đã gây “hỗn loạn” thị trường. Gạo chúng ta bán rẻ thì chất lượng cũng sẽ phải đi theo giá, vì “tiền nào của nấy”.

- Được biết, thực tế có một số doanh nghiệp đã đấu trộn jasmine với một số loại gạo chất lượng thấp hơn để hạ giá, thưa ông?

Đúng vậy. Chẳng hạn, gạo jasmine thường giao bán với giá khoảng 540 USD – 550 USD/tấn, nhưng có danh nghiệp đã đấu trộn một số loại gạo khác để hạ xuống 500 USD/tấn. Cho nên, khi giá gạo jasmine chào cho khách hàng nước ngoài họ sẽ đặt câu hỏi, có doanh nghiệp chào giá 500 USD/tấn tại sao doanh nghiệp này lại chào giá tới 540 USD/tấn? Đây là nguyên nhân gây xáo trộn, thậm chí phá vỡ thị trường giá gạo của Việt Nam.

Do đó, muốn giữ vững thương hiệu gạo Việt trên thị trường quốc tế, chúng ta phải bán đúng chất lượng, đúng giá. Doanh nghiệp không nên dối lừa khách hàng. Với công ty chúng tôi, nếu khách hàng muốn mua với giá 500 USD thì chúng tôi sẽ thẳng thắn với khách hàng giá đó thì sẽ phải trộn với những loại gạo nào.

Để giữ được uy tín, thương hiệu và giá gạo ổn định, bản thân doanh nghiệp phải thật lòng với đối tác của mình ngay từ đầu, còn nếu gian dối thì thế giới sẽ không bao giờ biết đến gạo Việt Nam.

Công ty chúng tôi chủ yếu xuất khẩu gạo sang thị trường Malaysia, Singapore… nhưng đều là những khách hàng cao cấp. Họ yêu cầu phẩm chất gạo rất cao, chẳng hạn jasmine là phải đúng jasmine thuần 90 - 92%. Có một số khách hàng đặc biệt quan tâm đến chất lượng gạo, có thể ví họ như những chuyên gia trong lĩnh vực gạo, nên khi chúng tôi giao hàng, họ chỉ cần nhìn là biết ngay có đạt tiêu chuẩn hay không. Còn một số khách hàng khác lại quan tâm đến giá rẻ. Với đối tượng khách hàng này, chúng tôi cũng sẽ thẳng thắn trao đổi với giá rẻ thì jasmine không thể đạt chuẩn.

- Ông có dự báo thế nào về triển vọng xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm?

Theo tôi, lượng gạo xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ tăng cao, vì chuẩn bị cho tết dương lịch và âm lịch. Ngoài ra, lũ lụt tại một số nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, điều này dẫn đến nguồn cung bị thu hẹp khiến nhu cầu gạo xuất khẩu sẽ tăng lên.

- Vậy theo ông, chúng ta cần phải có giải pháp cơ bản nào để nâng tầm hạt gạo Việt trong thời gian tới?

Theo quan điểm của tôi, bản thân mỗi doanh nghiệp phải tự đi maketing thương hiệu gạo của mình trước. Đích thân chủ doanh nghiệp phải đến từng quốc gia để tìm hiểu thị trường đó như thế nào để thiết kế một dòng sản phẩm thích hợp với thị trường đó.

Bên cạnh đó, phải đặt tên thương hiệu của doanh cho dễ nhớ, dễ nhận dạng để không gây nhầm lẫn. Về chất lượng gạo, doanh nghiệp phải đặc biệt tránh đấu trộn để khách hàng không mất niềm tin rằng họ đang bị dối lừa. Ví dụ, nếu đã bán gạo chất lượng cao như gạo Hương Lài (jasmine) thì phải giữ đúng chất lượng jasmine.

Đứng dưới góc độ công ty, cách làm của chúng tôi là luôn trung thực với khách hàng của mình, vì người lựa chọn cuối cùng vẫn là khách hàng. Khách hàng yêu cầu chủng loại, chất lượng hay giá gạo như thế nào chúng tôi sẽ giải thích thật chi tiết với khách hàng. Tôi quan niệm, với khách hàng, chữ tín phải được đặt lên hàng đầu, vì “một lần mất tín, vạn lần mất tin”.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện