Sự kiện Doanh nghiệp nổi bật năm 2018
Dù không ít thăng trầm, nhưng doanh nghiệp luôn khẳng định vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nhất là trong một năm mà GDP tăng 7,08% - mức tăng cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.
Có thể bạn quan tâm
Top 10 sự kiện nổi bật của ngành ngân hàng năm 2018
11:01, 27/12/2018
Top sự kiện chứng khoán nổi bật năm 2018
05:01, 27/12/2018
Top sự kiện công nghệ đáng chú ý trong năm 2018
10:58, 26/12/2018
Dấu ấn kinh tế, chính trị nổi bật năm 2018
11:00, 29/12/2018
1. Vân Đồn - sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam chính thức đưa vào khai thác từ ngày 30/12/2018, sau hơn ba năm xây dựng.
Sáng 30/12, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Sun Group tổ chức lễ khai trương Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn sau 30 tháng thi công. Quảng Ninh chính thức trở thành địa phương thứ 22 trong cả nước có sân bay dân dụng.
Trong ngày khai trương, sân bay Vân Đồn đã đón chuyến bay đầu tiên chở Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn lãnh đạo nhà nước từ Hà Nội đến dự lễ khánh thành.
Sân bay Vân Đồn do tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với tổng số tiền khoảng 7.700 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 3/2016 tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, trên tổng diện tích 325ha. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã được Bộ GT-VT phê duyệt là cảng hàng không đạt cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế - ICAO) và sân bay quân sự cấp II.
Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn được đánh giá là phi trường phức hợp hiện đại bậc nhất ở Việt Nam hiện nay với thiết kế đạt 2,5 triệu hành khách và 10.000 tấn hàng hoá/năm. Nhà ga có 2 khu vực quốc tế và nội địa riêng biệt.
Hiện tại, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã có 2 hãng Hàng không chính thức khai thác bay là Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Sân bay dự kiến khai thác các đường bay đến và đi từ các nước Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan) và Đông Nam Á (Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia). Tại thị trường trong nước, chủ đầu tư tập trung vào khu vực miền Trung và miền Nam như Huế, Đà Nẵng, Cam Ranh, Đà Lạt, Phú Quốc.
Cùng với cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cảng tàu hành khách quốc tế Hạ Long... cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là mảnh ghép mới nhất trong bức tranh hạ tầng giao thông hiện đại của tỉnh Quảng Ninh.
2. VinFast đưa xe Việt lên bản đồ ô tô thế giới
Chiều ngày 2/10/2018, lúc 15h30 theo giờ Việt Nam, hai mẫu Lux A2.0 sedan và Lux SA2.0 SUV của VinFast đã chính thức ra mắt tại triễn lãm ô tô lâu đời và có tiếng nhất thế giới Paris Motor Show.
Sự kiện này đã thu hút hơn hàng ngàn người tham gia và hàng triệu người theo dõi qua các kênh internet. Đặc biệt, hai mẫu xe của Việt Nam đang được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện lớn và đang được các hãng truyền thông, báo giới trong và ngoài nước quan tâm. Sự xuất hiện của cựu danh thủ David Beckham và tân Hoa hậu Việt Nam 2018 Trần Tiểu Vy tại khu vực triễn lãm của Vinfast cũng khiến cho dòng xe mang thương hiệu Việt Nam được chú ý hơn cả.
Vinfast là một công ty con của tập đoàn lớn nhất Việt Nam, Vingroup. Ngày 2/9/2017, Tập đoàn Vingroup đã chính thức khởi động dự án tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải (Hải Phòng), nhà máy có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD. Công suất thiết kế của Tổ hợp này dự kiến lên tới 500,000 xe/năm vào năm 2025.
Việc ông chủ tập đoàn này đầu tư số tiền lớn cho dòng xe mang thương hiệu Việt Nam và cho ra mắt 2 sản phẩm trong thời gian ngắn được coi là một “hiện tượng thần kì” của làng xe ô tô Việt Nam trên con đường thực hiện hóa giấc mơ ô tô của người Việt.
Sau khi tham dự triển lãm Paris Motor Show với hai mẫu xe sedan và SUV, VinFast lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận với buổi lễ ra mắt ba mẫu xe ô tô và một mẫu xe máy điện tại Hà Nội vào ngày 20/11.
Khác với sự kiện tại Paris, buổi ra mắt tại Hà Nội đón tiếp đoàn hàng ngàn người Việt tới - không chỉ để nhìn tận mắt, sờ tận tay mà còn để đặt trước tiền mua.
3. Con Cưng được minh oanh không bán hàng giả, hàng nhái
Con Cưng - một doanh nghiệp sở hữu khoảng 330 cửa hàng trên toàn quốc, chuyên kinh doanh các sản phẩm dành riêng cho trẻ em, đang “ăn nên làm ra”, bỗng dưng lâm vào thế nguy khó.
Sự việc bắt đầu khi một khách hàng của Con Cưng phản ánh, một sản phẩm thời trang mà khách hàng mua của Con Cưng có dấu hiệu bị thay nhãn mác, từ đó đặt vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Con Cưng đã xin lỗi vì sự cố kỹ thuật của sản phẩm và cảm ơn khách hàng, nhưng khách không đồng ý mà phản ánh vụ việc đến Cục QLTT và Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương.
Tháng 7/2018, Bộ Công Thương chỉ đạo Cục QLTT kiểm tra toàn bộ các của hàng thuộc hệ thống Con Cưng. Chỉ trong hai ngày 22-23/7, Cục QLTT đã kiểm tra gần 100 cửa hàng của Con Cưng.
Trong khi chưa có kết luận chính thức của QLTT thì nhiều người chỉ vì thiếu thông tin nên hiểu sai, hiểu lầm, phóng đại những sai phạm liên quan đến Con Cưng.
Ứng phó với khủng hoảng thông tin, Con Cưng tuyên bố sẽ tặng một tỷ đồng cho khách hàng nếu chứng minh hàng hóa đã mua từ Con Cưng có sự gian trá về xuất xứ sản phẩm; công bố 30 văn bản của các doanh nghiệp nước ngoài, xác nhận Con Cưng đã mua sản phẩm, hoặc đặt họ gia công... Bất chấp nỗ lực trên, các cửa hàng của Con Cưng dần thưa thớt khách hàng, doanh số tụt giảm thê thảm.
Tại buổi giao ban 389, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng, Cục QLTT phát ngôn về 7 vi phạm của Con Cưng, trong đó có 2 vi phạm có dấu hiệu hình sự.
Trong khi tin đồn gây ra sự bán tín, bán nghi thì những thông tin do QLTT cung cấp lại càng làm “nóng” dư luận hơn bao giờ hết. Cũng từ đây, sức công phá từ thông tin Con Cưng bán hàng giả, hàng lậu; thậm chí đơn vị này có dấu hiệu sai phạm hình sự… bắt đầu phát huy tác dụng khi khách hàng dần dần ngoảnh mặt với Con Cưng.
Trước sự quan tâm của dư luận về vụ việc, Bộ Công thương đã công bố kết luận kiểm tra Con Cưng. Theo kết quả kiểm tra với 75 mẫu sản phẩm, hàng hóa của Con Cưng, đoàn kiểm tra Bộ Công Thương đánh giá, về cơ bản công ty đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm hàng hóa và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa; hồ sơ nhập khẩu hợp lệ theo các quy định của pháp luật về thủ tục hàng hóa nhập khẩu.
Dù vậy, qua việc kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện một số hành vi không chấp hành đúng quy định như vi phạm về nhãn hàng hóa. Con Cưng bị xử phạt hành chính khoảng 250 triệu đồng. Được minh oan không bán hàng giả, hàng lậu, song Con Cương đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Ngày 13/9, căn cứ các báo cáo của Bộ Công Thương và Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, yêu cầu Bộ Công Thương kiểm tra lại quy trình công tác của QLTT trong vụ việc kiểm tra hàng hóa của Con Cưng, nhất là việc tiếp nhận, xử lý, cung cấp thông tin, xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để kiểm điểm, xử lý theo quy định.
Đối với Bộ TTT&TT, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác quản lý nhà nước về báo chí, đảm bảo các thông tin truyền tải phải trung thực, khách quan, không xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, có biện pháp xử lý nghiêm minh, kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về báo chí, internet.
Vụ việc Con Cưng bị vu oan bán hàng giả, hàng lậu đã khép lại, nhưng bài học đắt giá về môi trường kinh doanh, trong đó có hành xử không theo quy định pháp luật, lạm quyền của một bộ phận cán bộ công chức, cơ quan quản lý vẫn còn đó...
4. HAGL – Thaco: Cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối
Ngày 8/8, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã: HAG) và CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã kí kết biên bản hợp tác chiến lược. Theo đó, Thaco dự tính sẽ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của HAGL khoảng 12.000 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, Thaco và công ty liên quan là Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về đầu tư phát triển giai đoạn 2 của Dự án HAGL Myamar với tổng vốn ước tính 320 triệu USD, tương đương hơn 7.400 tỉ đồng và sẽ hoàn thành vào năm 2020.
Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco cho biết Thaco đã bỏ ra hơn 7.800 tỉ đồng để sở hữu 35% HAGL Agrico và 51% HAGL Land (hai công ty con của HAGL).
Trước đó, Thaco đã ứng cho HAGL Agrico các khoản tiền để phát triển thêm diện tích trồng cây ăn trái và thanh toán các khoảng nợ đến hạn là 1.577 tỉ đồng, mua trái phiếu chuyển đổi mà HAGL Agrico không bán hết cho cổ đông hiện hữu trị giá 2.200 tỉ đồng.
Chứng kiến việc hợp tác chiến lược giữa Thaco và Hoàng Anh Gia Lai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ví von đây là một cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối. "Chú rể" là một nhà kỹ trị có đam mê còn "cô dâu" là người có tình yêu nông nghiệp và quyết tâm lớn.
Theo Thủ tướng, môn đăng hộ đối còn bởi lẽ tiềm lực tài chính, năng lực và công nghệ của Thaco sẽ góp phần bù đắp những khoảng trống hiện nay của nông nghiệp Việt Nam, biến giấc mơ và khát vọng nông nghiệp của Hoàng Anh Gia Lai nói riêng và nông nghiệp nói chung của Việt Nam, Lào, Campuchia trở thành hiện thực.
5. Gỗ Trường Thành kết duyên cùng Sứ Thiên Thanh
Một cuộc hôn nhân khác cũng thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư là thương vụ CTCP Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (Mã: TTF) và CTCP Sứ Thiên Thanh.
Chiều 25/10, Đại hội cổ đông bất thường của Gỗ Trường Thành thông qua phương án sáp nhập với Sứ Thiên Thanh theo hình thức hoán đổi cổ phiếu với tỉ lệ 8,21: 1 có nghĩa 8,21 cổ phiếu TTF hoán đổi lấy 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh. Số lượng phát hành dự kiến là 96,6 triệu cổ phiếu, tương đương vốn điều lệ tăng thêm 966 tỉ đồng lên 3.146 tỉ đồng.
Sứ Thiên Thanh có vốn điều lệ 117,6 tỉ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn vật liệu xây dựng; khai thác đá, cát, sỏi. Cổ đông lớn của Sứ Thiên Thanh là CTCP Đồng Tâm (nắm 47,3% vốn) - do ông Võ Quốc Thắng hay còn gọi là bầu Thắng giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Sau sáp nhập, doanh thu mục tiêu năm 2019 của công ty mới ước khoảng 253 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 12,8 tỉ đồng.
6. Ba Huân – VinaCapital “đường ai nấy đi”
Vụ lùm xùm Công ty CP Ba Huân và Quỹ Đầu tư VinaCapital đã khép lại bằng thỏa thuận VinaCapital bán lại 100% phần vốn góp với giá gốc cho Ba Huân. Song câu chuyện "bán rồi đòi lại" này đang được nhắc đến như một bài học về mua bán sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp gia đình.
Chuyện Ba Huân và VinaCapital "cơm không lành canh không ngọt" chính thức được công khai sau khi Ba Huân có văn bản "báo cáo" Văn phòng Chính phủ. Theo văn bản, đầu năm 2018, VinaCapital và Công ty Ba Huân ký kết một số thỏa thuận hợp tác ban đầu bằng bản tiếng Anh. Theo đó, VOF đầu tư 32,5 triệu USD (tương đương 730 tỉ đồng) để mua 33,77% cổ phần Công ty Ba Huân, kèm theo đó là một số điều khoản ràng buộc. Đến khi đọc kỹ các điều khoản thỏa thuận bằng tiếng Việt, Ba Huân "tá hỏa" vì những nội dung không đúng với thỏa thuận giữa hai bên; thay vì hợp tác và phát triển VinaCapital lại muốn chiếm quyền quản lý và điều hành toàn bộ công ty, chiếm đoạt thương hiệu Ba Huân. Trước những đòi hỏi của nhà đầu tư, Ba Huân đề nghị chấm dứt hợp tác đầu tư nhưng quỹ này có động thái gây trì hoãn, khó khăn.
Đáp trả Ba Huân, phía VinaCapital khẳng định hai bên đã có quá trình tìm hiểu, thảo luận trước khi ký hợp đồng chính thức vào tháng 2/2018. VinaCapital đã cử đại diện tham gia HĐQT Ba Huân.
Sau vụ lùm xùm giữa Ba Huân và VinaCapital, một bên ý kiến cho rằng cách hành xử của Ba Huân đã tự làm mất uy tín của công ty cũng như quỹ đầu tư. Doanh nghiệp này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong tương lai nếu muốn tìm kiếm cổ đông là những quỹ đầu tư lớn. Đồng thời, điều này cũng tạo tiền lệ xấu với các giao dịch dân sự liên quan đến đầu tư
Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác lại đánh giá Ba Huân "chưa đủ khôn ngoan" trước một "cá mập" nhiều kinh nghiệm thương trường như VinaCapital. Vì vậy, lời khuyên đưa ra của các chuyên gia là các doanh nghiệp tư nhân cần năng cao năng lực quản trị, để tránh những sự việc tương tự.
7. Uber bán mình cho Grab, rời Việt Nam sau 4 năm
Sau nhiều tin đồn về việc Uber buông thị trường Đông Nam Á trong 2 tháng đầu năm 2018, ngày 26/3/2018, trong thông cáo báo chí chính thức, Grab tuyên bố hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber và xóa tên đối thủ khỏi thị trường Đông Nam Á. Ngày 8/4, ứng dụng Uber chính thức dừng hoạt động sau 4 năm vào Việt Nam.
Sau khi loại bỏ đối thủ cạnh tranh trực tiếp, Grab liên tục nhận các dòng vốn đầu tư lớn và phát triển mạnh mẽ. Hiện ứng dụng này đang cung cấp 4 dịch vụ chính, gồm Grab Car, Grab Bike, Grab Food và Grab Delivery. Ngoài ra, Grab còn phát triển ví điện tử Moca của riêng mình.
Tuy nhiên, Grab cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. Điển hình là vụ kiện dai dẳng với Vinasun kéo dài suốt hơn 1 năm trời (từ tháng 6/2017 và vừa tạm kết thúc vào ngày 30/11/2018). Đặc biệt, nhóm các hãng taxi truyền thống cũng bước đầu liên minh để đấu lại Grab như G7 (gồm 3 hãng Thành Công, Ba Sao, Sao Thủ Đô) và Liên minh Taxi Việt (17 hãng liên kết). Bên cạnh đó, thị trường nhanh chóng xuất hiện hàng loạt đối thủ mới trong lĩnh vực gọi xe như VATO, FastGo, Go-Viet hay Be...
Không những vậy, tháng 11 vừa qua, Bộ Công Thương đã có kết luận điều tra vụ Grab thâu tóm Uber và cho rằng thương vụ này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh Tranh.
8. Thêm một hãng hàng không ra đời
Năm 2018, ngành hàng không Việt ghi nhận thêm một hãng hàng không mới đã chính thức ra đời, đó là Bamboo Airways của Tập đoàn FLC, nâng tổng số hãng tham gia thị trường hàng không Việt Nam lên con số 5, cùng với 4 cái tên, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO.
Thành lập công ty từ giữa năm 2017, Bamboo Airways đã triển khai rất nhanh các công việc để sẵn sàng cất cánh, như tuyển phi công, tiếp viên, ký hợp đồng mua máy bay với 2 nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing, thuê ướt máy bay... Đến tháng 11/2018, Bamboo Airways đã chính thức có Giấy phép bay.
Theo chia sẻ từ lãnh đạo công ty, Bamboo Airways không xây dựng theo mô hình hàng không giá rẻ mà theo đuổi mô hình hàng không truyền thống. Mặc dù vậy, hãng có hướng đi hoàn toàn khác so với các hãng bay trong nước. Thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã phát triển, Bamboo Airways tập trung khai thác thị trường ngách, bao gồm các tuyến bay thẳng từ quốc tế và trong nước tới các điểm du lịch mới nổi của Việt Nam, chủ yếu là các điểm du lịch có khu nghỉ dưỡng của FLC.
Sự xuất hiện của Bamboo Airways được dự báo sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường hàng không, cả về giá cả và chất lượng dịch vụ.
9. Tin đồn "lộ thông tin khách hàng” của Thegioididong
Sự việc được bắt đầu ngày 6/11 khi một gói dữ liệu thông tin được một cá nhân đăng tải công khai trên RaidForums. Người này khẳng định rằng đó là dữ liệu của hơn 5 triệu khách hàng của Thế giới Di động. Gói dữ liệu này gồm hàng triệu email và hàng chục nghìn thông tin thẻ thanh toán như VISA, thẻ tín dụng... (thậm chí bao gồm số thẻ thanh toán đầy đủ) được cho là của Thế giới di động và Điện Máy Xanh.
Ngay lập tức, MWG cho biết hệ thống thông tin của mình vẫn hoạt động bình thường với độ bảo mật cao và không bị ảnh hưởng, mọi thông tin của khách hàng vẫn được bảo mật. MWG cũng phủ nhận việc lưu trữ thông tin thẻ của khách hàng (số thẻ, ngày hết hạn, ngày giờ mua hàng…) và cho rằng các dữ liệu trong quá trình đọc thẻ hay giao dịch online của khách hàng sẽ chuyển về phía ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán. Điều đáng nói là ngày 7/11 trên RaidForums lại xuất hiện thêm các thông tin mà họ cho rằng thuộc về khách hàng của Thế giới di động, đặc biệt là số thẻ đầy đủ của chủ thẻ.
Nhận định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT đã trực tiếp làm việc với TGDĐ để hỗ trợ. Ngày 9/11, đại diện Cục An toàn thông tin (ATTT) chính thức khẳng định “chưa nhận thấy có dấu hiệu tấn công vào các thành phần hệ thống liên quan tới thông tin cá nhân bị công bố”. Tuy nhiên, cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản về việc tăng cường bảo mật thông tin khách hàng.
Đáng chú ý, ngay sau khi được cho là đã làm cho Thegioididong bị thiệt hại nặng vì thông tin khách hàng bị lộ, một thành viên khác của diễn đàn Raidforums lại tung dữ liệu cá nhân được cho là đánh cắp của Concung. com. Hacker này còn đe dọa đã có dữ liệu của hệ thống bán lẻ lớn khác là FPT Shop và cho biết sẽ giao dịch trao đổi hoặc bán khi được giá. Theo đánh giá của các chuyên gia an ninh mạng, nhiều khả năng hệ thống dữ liệu của các doanh nghiệp đã bị xâm nhập…
Cho tới thời điểm hiện tại, chưa xác định được bất cứ khách hàng hay đơn vị nào bị thiệt hại bởi vụ lộ thông tin cá nhân. Và người ta cũng chưa xác định chắc chắn tính chính xác của dữ liệu bị rò rỉ, cũng chưa xác định được thủ phạm phát tán dữ liệu nên chưa tìm ra được mục đích cuộc tấn công là gì. Thế nhưng, những thông tin bất lợi và chưa thể xác định nói trên vẫn khiến Thegioididong thiệt hại nặng với con số sơ bộ lên tới hàng ngàn tỉ đồng khi liên tục bị mất điểm trên thị trường chứng khoán. Đó cũng là một phần của mặt trái thương mại điện tử mà tất cả các doanh nghiệp phải đối mặt.
10. Vinaconex đổi chủ sau thương vụ "cá bé nuốt cá lớn"
Chiều 22/11 tại Hà Nội đã diễn ra phiên đấu giá gần 79% vốn cổ phần của Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Trong đó Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chào bán trọn lô gần 255 triệu cổ phần, chiếm 57,71% vốn điều lệ, còn Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) chào bán hơn 94 triệu cổ phần, tương đương 21,28% vốn điều lệ. Giá khởi điểm cùng là 21.300 đồng/cp.
Phiên đấu giá cổ phần của SCIC thu hút được nhiều sự quan tâm hơn vì tỉ lệ chào bán là trên 50%, nhà đầu tư nào mua được trọn lô này sẽ trở thành chủ sở hữu mới của Vinaconex – một đại gia đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131.786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác.
Kết quả phiên đấu giá của SCIC, Công ty TNHH An Quý Hưng trúng giá khi sẵn sàng trả tới 28.900 đồng cho mỗi cổ phiếu – cao hơn gần 36% so với mức giá khởi điểm và cao hơn 30% so với mức giá đấu cao tiếp theo (22.300 đồng/cp). SCIC “bội thu” khi thu về tới 7.367 tỉ đồng, cao hơn giá trị khởi điểm 1.934 tỉ đồng.
Chủ mới của Vinaconex - Công ty TNHH An Quý Hưng có địa chỉ tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Công ty được thành lập năm 2001, hiện có vốn điều lệ 360 tỉ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình, giao thông thủy lợi…
An Quý Hưng có hai người góp vốn là ông Nguyễn Xuân Đông (góp 70%) và bà Đỗ Thị Thanh (góp 30%). Năm 2017, An Quý Hưng đạt doanh thu thuần 956 tỉ đồng, lãi sau thuế 62 tỉ đồng, tổng tài sản tính đến 31/12/2017 đạt 1.000 tỉ đồng. Các chỉ tiêu này đều nhỏ hơn đáng kể so với Vinaconex khiến nhiều người liên tưởng đây là thương vụ “cá bé nuốt cá lớn”.