Năm 2018, khép lại với nhiều sự kiện, dấu ấn đáng nhớ tác động lớn đến đời sống cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cả nước.
Cùng với đó là sức nóng của hội nhập và biến động mạnh mẽ của kinh tế, chính trị thế giới, nhưng các doanh nghiệp, doanh nhân vẫn lạc quan về triển vọng nền kinh tế, môi trường kinh doanh, trên nền tảng chính sách, thể chế ngày càng được cả hệ thống chính trị nỗ lực vào cuộc cải cách.
Tổng Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước
Chiều 23/10, Quốc hội đã bỏ phiếu bầu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước, với số phiếu đồng ý là 476/477, bằng 99,79% tổng số đại biểu có mặt. Như vậy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu giữ cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021.
Trước đó, tại Hội nghị Trung ương 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, 100% đại biểu đã tiến cử Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cương vị Chủ tịch nước. Sự tín nhiệm của Trung ương Đảng thể hiện kỳ vọng của người dân cả nước đối với sự kiện này.
Quốc hội bỏ phiếu thông qua CPTPP
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) dù vướng phải không ít rào cản nhưng cuối cùng đã cập bến thành công. Hiệp định gồm 11 nền kinh tế với tổng giá trị GDP khoảng 10.000 tỷ USD, tương đương 13% GDP toàn cầu.
Ngày 12/11, Quốc hội Việt Nam (khóa 14) thông qua CPTPP cùng các văn kiện liên quan. Đồng nghĩa với việc Việt Nam chính thức là thành viên của tổ chức này. Động thái này được doanh nghiệp trong và ngoài nước chờ đợi, giữa bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp. Đây được coi là một “FTA kiểu mới” - ở đó không chỉ có các vấn đề truyền thống là thương mại, thuế quan, mà bao hàm cả các vấn đề xã hội, văn hóa, dân tộc, pháp lý… được đính kèm.
Ra mắt Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Sự kiện Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chính thức được ra mắt thể hiện rõ chủ trương tách kinh doanh ra khỏi quản lý nhà nước. Ủy ban có nhiệm vụ tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 doanh nghiệp Nhà nước với số vốn chủ sở hữu là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, "Ủy ban, với vai trò đại diện quyền sở hữu vốn nhà nước không chỉ có Chính phủ mà các cơ quan liên quan, dư luận xã hội đều đang theo dõi, kỳ vọng rất lớn trong đổi mới tư duy, quản trị... Làm sao khắc phục cho được yếu kém, tạo sự khác biệt lớn cho khu vực doanh nghiệp Nhà nước để khu vực này nói riêng và từng doanh nghiệp tăng hiệu quả hoạt động, kinh doanh hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của lĩnh vực nhà nước".
Có thể bạn quan tâm
09:05, 28/12/2018
06:04, 28/12/2018
20:56, 27/12/2018
11:01, 27/12/2018
05:01, 27/12/2018
Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam
VCCI chính thức phát động phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”.
Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng xây dựng được những thương hiệu mạnh chính là phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc và xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam. Đây là sự kiện đầy ý nghĩa để khuyến khích đội ngũ doanh nghiệp cả tư nhân và khối doanh nghiệp nhà nước, hộ kinh doanh cá thể vươn lên, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm hướng đến chinh phục thị trường nội địa gần 100 triệu dân.
GDP năm 2018 tăng 7,08%
Đây là mức cao nhất 10 năm kể từ khủng hoảng kinh tế 2008. Nếu đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới u ám suốt cả năm 2018 vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thì mức tăng trưởng 7% là một con số lý tưởng. Sự thành công cơ bản của kinh tế năm 2018 không thể không có vai trò của ngoại thương.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải Quan, 11 tháng/2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 440 tỷ USD. Đây là con số cực kỳ ấn tượng, xứng đáng được liệt vào một trong những sự kiện năm 2018 của kinh tế Việt Nam. Xuất siêu cho thấy điều gì? Mặc dù có rất nhiều bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp khi hội nhập, như độ am hiểu pháp lý quốc tế, chất lượng hàng hóa… nhưng thặng dư thương mại thu về cao nhất kể từ năm 2008 là minh chứng cho sự tiến bộ rõ rệt. Hàng Việt bắt đầu chinh phục các thị trường “khó tính” như Mỹ, Nhật Bản, EU.
Quyết tâm cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh của Chính phủ
Theo Nghị quyết số 01/2018 của Chính phủ cũng như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, các bộ, ngành phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm, thủ tục kiểm tra chuyên ngành (KTCN) cũng như điều kiện kinh doanh (ĐKKD).
Trong năm 2018, triển khai Nghị quyết số 01 và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành đã hình thành một phong trào tập trung cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm ĐKKD, thủ tục KTCN.
Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018
Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) tại Việt Nam (diễn ra từ 11 - 13/9 tại Hà Nội) là một trong những Hội nghị WEF khu vực thu hút số lượng đại biểu đông nhất từ trước đến nay. Hội nghị WEF ASEAN 2018 có chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”. Hơn 1.200 doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp hàng đầu thế giới là thành viên WEF đến từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN… tham dự. Điều này thể hiện sức hút của Việt Nam nói riêng và của khu vực ASEAN nói chung trên trường quốc tế.