Năm 2018 sắp khép lại với nhiều sự kiện, dấu ấn đáng nhớ trong lĩnh vực công nghệ. Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã bình chọn và gửi tới bạn đọc 12 sự kiện nổi bật trong năm 2018.
Các sự kiện nổi bật năm nay có tầm ảnh hưởng quy mô lớn, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
1/ Thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 1072/QĐ-TTg thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ tịch Ủy ban. Ủy viên Thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Quyết định 1072/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28/8/2018.
Ủy ban có chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo thuận lợi cho việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều phối, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án, giải pháp có tính chất liên ngành về xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử.
Đồng thời, cho ý kiến về các chiến lược, chương trình, cơ chế, chính sách, đề án, dự án liên quan đến xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ…
2/ Thông qua dự án Luật An ninh mạng
Luật An ninh mạng Việt Nam là bộ luật được Bộ Công an chủ trì, soạn thảo để khắc phục những tồn tại, hạn chế cơ bản trong công tác bảo vệ an ninh mạng. Luật An ninh mạng đã được Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016-2021) biểu quyết thông qua vào sáng ngày 12/6/2018 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Luật An ninh mạng được ra đời để bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi xâm phạm trong lĩnh vực an ninh mạng...
Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Một điểm đáng chú ý khác của Luật An ninh mạng đó là yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet tại Việt Nam phải xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng. Doanh nghiệp phải cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng…
3/ Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” đã được chính thức khởi động
Ngày 1/1/2018, tại Hà Nội, Đề án “Hệ tri thức Việt số hoá” đã được chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng - Vì tương lai Việt Nam”, Hệ tri thức Việt số hóa được thiết lập để hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ tri thức tổng hợp trong mọi lĩnh vực, góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập, làm chủ tri thức, tăng cường nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng tiến bộ KH và CN, thúc đẩy phát triển đất nước.
Đây được xem là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.
4/ Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam 2018 (ICT Summit 2018)
Ngày 13/7, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 (Industry 4.0 Summit 2018). Sự kiện thu hút 2.000 đại biểu, gồm 11 đại sứ và đại diện các tổ chức quốc tế, hơn 50 chuyên gia hàng đầu khu vực và thế giới, các doanh nghiệp trong nước, quốc tế. Đây là sự kiện quốc tế có quy mô lớn.
Diễn đàn cấp cao do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Diễn đàn lần này có mục đích phục vụ việc xây dựng các chủ trương, chính sách của Việt Nam tham gia chủ động, có hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0, tuyên truyền cho cộng đồng xã hội về cách mạng công nghiệp 4.0, tạo cơ hội tìm hiểu, xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ 4.0.
Từ ngày 11 đến 13/9, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018) với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” đã được tổ chức tại Hà Nội và được đánh giá là hội nghị khu vực thành công nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuận Phúc tham dự Hội nghị cùng nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác, khoảng 1.000 đại biểu đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN, quốc tế, 800 doanh nghiệp trong nước.
5/ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2018
Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia - Techfest 2018 chính thức khai mạc. Sự kiện do Bộ Khoa học - Công nghệ, Ban Kinh tế Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, UBND TP. Đà Nẵng cùng với các đối tác trong và ngoài nước phối hợp tổ chức.
Dự lễ khai mạc Techfest 2018 có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các đại sứ quán, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST), các nhà đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST cùng hơn 700 startup.
Thủ tướng mong muốn cộng động startup, đặt biệt là thế hệ trẻ giữ lửa tinh thần khởi nghiệp ĐMST không sợ hãi, làm chủ chính mình và làm chủ tương lai của đất nước.
Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, Chính phủ sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ tài chính và cam kết hỗ trợ tối đa đội ngũ trí thức, những sáng kiến, khởi nghiệp của các thế hệ trẻ.
Sự kiện diễn ra trong 3 ngày từ 29/11 - 1/12, Techfest 2018 hướng tới mục tiêu thu hút khoảng 5000 lượt người tham gia; 250 gian hàng khởi nghiệp tham gia triển lãm; 250 nhà đầu tư, quỹ dầu tư, diễn giả trong nước, quốc tế; 20 nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là đại diện của các cơ quan phụ trách khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu tại các nước ASEAN là đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN.
6/ Phần mềm vOCS 3.0 của Viettel được trao giải thưởng Kinh doanh quốc tế
Ngày 21/10, tại London (Vương quốc Anh), phần mềm tính cước thời gian thực (vOCS 3.0) của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã được Ban Tổ chức Giải thưởng Kinh doanh quốc tế - International Business Stevie Awards trao giải vàng ở hạng mục “Sản phẩm hoặc dịch vụ tốt nhất của năm”. Phần mềm vOCS 3.0 của Viettel được ban giám khảo đánh giá cao về sự sáng tạo; tác động đến số người sử dụng lớn.
Hiện tại, vOCS 3.0 của Viettel đã được đưa vào sử dụng tại 11 nước trên thế giới với 170 triệu thuê bao di động. vOCS 3.0 có dung lượng mỗi site có thể đáp ứng lên đến 100 triệu thuê bao. Tính ưu việt nhất của vOCS 3.0 là khả năng thiết kế cho mỗi khách hàng một gói cước từ đó mở ra cơ hội ứng dụng vOCS 3.0 ra nhiều nước trên thế giới.
7/ Chuyển đổi những thuê bao di động 11 số sang 10 số
Sau chỉ đạo quyết liệt từ Bộ TT&TT, ngày 15/9/2018 vừa qua, các nhà mạng đã thực hiện việc chuyển đổi những thuê bao di động 11 số sang 10 số.
Theo báo cáo, khoảng 70 triệu thuê bao di động 11 số và khoảng 700 thuê bao VSAT chịu tác động của Kế hoạch chuyển đổi mã mạng viễn thông lần này.
Trong giai đoạn chuyển đổi, đại diện Cục Viễn thông cho biết, việc chuyển đổi mã mạng thuê bao di động 11 số về 10 số đã được hoàn thành mà không có sự cố nào phát sinh.
Bộ TT&TT cũng cho biết, việc chuyển đổi đầu số nhằm đảm bảo kho số viễn thông được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của thị trường và công nghệ trong từng thời kỳ. Bộ TT-TT cũng nhấn mạnh rằng, việc điều chỉnh quy hoạch kho số viễn thông là bình thường và cần thiết, phù hợp cho nhu cầu phát triển.
Tính đến cuối tháng 11 năm nay, tất cả các thuê bao di động 11 số đã hoàn tất chuyển đổi sang đầu số 10 số. Các nhà mạng cũng tung các ứng dụng hỗ trợ chuyển đổi danh bạ, các ngân hàng cũng hỗ trợ chuyển đổi trên các nền tảng ứng dụng của họ để đảm bảo sự thống nhất cho các đầu số mới.
8/ Thị trường Smartphone thương hiệu Việt
Năm 2018 có thể xem là một năm sôi động của thị trường smartphone tại Việt Nam, không chỉ bởi các hãng smartphone lớn trên thế giới liên tục mang những sản phẩm “bom tấn” về thị trường này mà còn bởi vì người dùng trong nước liên tục chứng kiến sự xuất hiện của các mẫu smartphone thương hiệu Việt.
Đầu tiên là sự xuất hiện của BPhone 3, chiếc smartphone đã tạo được tiếng vang của BKAV sau khi ra mắt 2 phiên bản đầu tiên. Khác với 2 phiên bản BPhone và BPhone 2 trước đây, BPhone 3 được ra mắt với 2 phiên bản (BPhone 3 và BPhone 3 Pro) có cấu hình và mức giá khác nhau, nhưng nhìn chung mức giá của sản phẩm đã “mềm” hơn so với các phiên bản cũ.
Không lâu sau khi BPhone 3 ra mắt, một cái tên hoàn toàn mới cũng được xuất hiện tại thị trường Việt Nam, đó là thương hiệu smartphone Vsmart của tập đoàn VinGroup, khi cho ra mắt đến 4 phiên bản khác nhau, bao gồm Joy 1 và Joy 1+ (dành cho phân khúc giá rẻ), cùng với Active 1 và Active 1+ (dành cho phân khúc tầm trung). Để ra mắt 4 mẫu smartphone mới này, thương hiệu Vsmart đã có sự đầu tư mạnh mẽ khi mua lại bản quyền công nghệ cũng như xây dựng dây chuyền nhà máy...
9/ Robot được cấp quyền công dân đầu tiên trên thế giới Sophia giao lưu tại Việt Nam
Sophia là một robot trong hình dạng một người phụ nữ, được phát triển bởi công ty Hanson Robotics (Hồng Kông). Sophia được kích hoạt lần đầu tiên ngày ngày 19 tháng 4 năm 2015 và đến ngày 25/10/2017, Sophia đã được chính quyền Ả Rập Saudi cấp quyền công dân như con người, giúp Sophia trở thành robot đầu tiên trên thế giới có quyền công dân.
Ngày 13/7 vừa qua, robot Sophia đã có lần đầu tiên ghé thăm Việt Nam và phát biểu tại Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức. Sophia đã gấy ấn tượng ngay trong lần đầu tiên xuất hiện khi khoác trên mình tà áo dài Việt Nam.
Mặc dù chỉ là một robot, nhưng Sophia được mặc trang phục, trang điểm, và liên tục có những biểu cảm giống "thật" khiến nhiều người gần như không thể phân biệt giữa cô với một diễn giả "bằng xương bằng thịt".
10/ Xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng
Năm qua một đường dây đánh bạc online lớn nhất đã bị công an Phú Thọ triệt phá, thu được trên 1.000 tỷ đồng. Số ngoại tệ đánh bạc chuyển ra nước ngoài theo thống kê ban đầu ước chừng 3,6 triệu USD.
Theo cáo trạng, đường dây đánh bạc này được bảo kê và giúp sức bởi cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh, (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát – Bộ Công an) và cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnhsát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – C50 –Bộ Công an) bị cáo buộc "bảo kê" cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ do Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao –CNC, công ty bình phong của C50) và Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Công ty VTC online) thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Sau 12 ngày xét xử và 4 ngày nghị án, chiều 30/11/2018, Hội đồng xét xử đã chính thức tuyên án phạt đối với 92 bị cáo trong vụ án "đánh bạc nghìn tỷ".
11/ Grab thâu tóm Uber, các ứng dụng “gọi xe” trỗi dậy
Cuối tháng 3/2018, dịch vụ đi nhờ xe Uber đã bất ngờ rút lui khỏi thị trường Đông Nam Á và bán lại mọi hoạt động tại thị trường này cho Grab, đổi lại sẽ nhận được một số cổ phần từ chính “đối thủ” này. Thỏa thuận này đặt dấu kết thúc cuộc chiến kéo dài giữa Uber và Grab tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trong lĩnh vực đi nhờ xe.
Tuy nhiên cùng với sự sáp nhập của hai ông lớn ở lĩnh vực đi nhờ xe cũng đã mở ra cơ hội cho sự xuất hiện của các ứng dụng đi nhờ xe tại thị trường Đông Nam Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng.
Tính riêng tại thị trường Việt Nam, sau khi Uber và Grab thực hiện sáp nhập đã xuất hiện hàng loạt các ứng dụng gọi xe, bao gồm cả các ứng dụng của nước ngoài lẫn “thuần Việt”, có thể kể đến như Go-Viet, FastGo, VATO, XELO, Be...
12/ Hacker lấy được dữ liệu người tiêu dùng
Trong những tháng cuối năm, các nhà bán lẻ lớn tại Việt Nam liên tiếp bị hacker uy hiếp và tung tin đồn thất thiệt về việc chiếm giữ hàng triệu thông tin khách hàng. Nạn nhân đầu tiên đó là Thế giới Di động. Ngay đầu tháng 11 năm nay, hacker bất ngờ tuyên bố đã có trong tay 5 triệu thông tin khách hàng của hệ thống bán lẻ điện thoại lớn nhất Việt Nam, bao gồm: email, lịch sử giao dịch và thậm chí cả thẻ tín dụng gây rúng động trong nước.
Tuy nhiên, trái ngược với những toan tính của hacker này, Thế giới Di động đã phủ nhận hoàn toàn thông tin trên và cho biết tất cả dữ liệu của khách hàng đều được bảo mật một cách tuyệt đối và người dùng không phải đổi bất cứ mật khẩu, khóa thẻ… Nếu tài khoản người dùng bị chiếm đoạt do lỗi từ Thế giới Di động, đơn vị này sẽ đền bù tất cả. Ngay sau màn phủ nhận của TGDĐ, hacker này đã không có thêm hành động nào trong việc sẽ công bố danh sách khách hàng được cho là chiếm đoạt được.
Liên tiếp sau đó, các hacker lại tung tiếp thông tin được cho là lấy từ hệ thống bán lẻ concung.com và nói rằng đó chỉ là một phần trong những dữ liệu mà hacker có được.
Một nạn nhân tiếp theo mà hacker tung dữ liệu là FPT Shop, chuỗi bán lẻ thiết bị di động số 2 tại Việt Nam. Lần này cũng chỉ là một phần nhỏ trong dữ liệu mà hacker đã chiếm được, hacker này còn cho biết, sẽ giao dịch với ai muốn trao đổi hàng hoá hoặc bán với giá tốt.
Đến thời điểm này, các hệ thống trên đều khẳng định tất cả dữ liệu của khách hàng đều được bảo mật một cách tuyệt đối.