[12 dự án thua lỗ] Bài 4: Đạm Ninh Bình có thể khởi kiện
Dưới góc nhìn của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu, nếu Đạm Ninh Bình khởi kiện thì có nhiều khả năng thắng kiện và đây cũng được nhìn nhận như một giải pháp nên lựa chọn.
Phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý 12 dự án, nhà máy yếu kém, thua lỗ kéo dài của ngành Công thương do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì tổ chức gần đây, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết, lãnh đạo Nhà máy đạm Ninh Bình đã thuê tư vấn pháp luật từ một công ty luật và nhận được lời khuyên chưa nên khởi kiện, tiếp tục kiên trì đàm phán.
Có thể bạn quan tâm
[12 dự án thua lỗ] Bài 1: Phải xử lý dứt điểm Nhà máy Bột giấy Phương Nam
13:31, 04/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 2: PVTex hồi phục nhờ dứt điểm tranh chấp EPC
11:30, 05/04/2019
[12 dự án thua lỗ] Bài 3: Để tư nhân “đấu” với MCC tại “đấu trường” Tisco?
06:00, 06/04/2019
Không thỏa thuận được thì khởi kiện
Có điểm thuận lợi cho Đạm Ninh Bình là vẫn chưa thanh toán hết hợp đồng và vẫn đang giữ tiền của phía nhà thầu. Cho nên theo ông Hiếu, nếu Đạm Ninh Bình thấy còn khả năng đàm phán thì kiên trì theo đuổi, còn hết hy vọng thì cũng nên sớm khởi kiện ra cơ quan có thẩm quyền. “Nếu chúng ta không khởi kiện, nhưng cũng không thanh toán tiền cho phía nhà thầu thì lại trở thành bên vi phạm nghĩa vụ. Khi nhà thầu đưa vụ việc này ra tòa thì tòa sẽ yêu cầu phản tố, khi đó vụ việc sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều”, ông Hiếu nói.
Do đó, ông Hiếu đề xuất nên có phương hướng khởi kiện sớm, Bộ Tư pháp sẽ làm việc sâu hơn với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) về vấn đề này để chốt lại phương án xem xét mức độ đàm phán, duy trì đàm phán tới đâu; nếu khởi kiện thì khả năng thắng - thua như thế nào. Trình tự, cách thức khởi kiện ở tòa án Việt Nam hay Tòa án Trọng tài quốc tế (ICC), công tác chuẩn bị chứng cứ có liên quan ra sao.
Quan điểm Đạm Ninh Bình có thể khởi kiện cũng là ý kiến của Bộ Tư pháp từ những cuộc làm việc đầu tiên với lãnh đạo Vinachem và Đạm Ninh Bình. Thời điểm đó, nhiều lãnh đạo Vinachem lo ngại nếu khởi kiện sẽ làm “sứt mẻ” quan hệ với nhà thầu, đối tác… Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng đây là mối quan hệ kinh tế bình thường, trong quá trình thực hiện nếu xảy ra vi phạm nghĩa vụ giữa hai bên thì hình thức xử lý văn minh nhất nếu không hòa giải được thì gửi lên cơ quan có thẩm quyền để đưa ra phán quyết cuối cùng.
Lựa chọn giải pháp tốt nhất
Cho ý kiến về dự án này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ có liên quan và doanh nghiệp tập trung xử lý vấn đề vừa nêu cũng như việc quyết toán các dự án trên tinh thần kiên nhẫn để đạt được thỏa thuận với các bên liên quan, theo hướng có lợi nhất. Phó Thủ tướng đồng tình với phương án nếu không thỏa thuận được cũng cần đưa ra tòa xử lý như ý kiến của Bộ Tư pháp.
Chia sẻ tại cuộc họp này, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinachem Nguyễn Phú Cường lo lắng về khả năng “kéo sập” Vinachem của Đạm Ninh Bình. Theo ông Cường, trong số 4 dự án của Tập đoàn, dự án Nhà máy đạm Ninh Bình là khó khăn nhất, do thời gian “đắp chiếu” kéo dài đến 2 năm, trong khi mới khởi động lại từ đầu năm 2018, chi phí quá lớn, hiện tất cả các hợp đồng tín dụng đều do Tập đoàn vay để trả đầu tư cho dự án.
Nếu tiếp tục duy trì các khoản nợ, không được vay lại thì Tập đoàn cũng không đủ khả năng trả nợ. Hiện dự án hoạt động chủ yếu nhờ khách hàng ứng tiền, Nhà máy mang tiền đó đi mua than để sản xuất. Để duy trì sản xuất trong 3 tháng đầu năm, Nhà máy huy động tiền ứng trước của từng đại lý.
“Tập đoàn cũng không thể rót tiền cho Nhà máy mà chỉ trả nợ cho các khoản vay đầu tư dự án. Tính đến thời điểm này, vốn đầu tư Tập đoàn đưa vào dự án lên đến 6.000 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của Tập đoàn chỉ hơn 13.000 tỷ đồng. Giải pháp cuối cùng là bán đi để lấy tiền trả nợ, hoặc cho khoanh các khoản nợ”, ông Cường cho biết.
Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình có tổng mức đầu tư là 667 triệu USD, công suất thiết kế 560.000 tấn Urê/năm, được xây dựng tại Khu công nghiệp Khánh Phú, tỉnh Ninh Bình, do Vinachem làm chủ đầu tư và Tổng công ty Thiết kế và thầu khoán Hoàn Cầu Trung Quốc làm tổng thầu EPC. Đây là dự án lớn nhất của Vinachem, do tập đoàn sở hữu 100% nhưng vốn tự có chỉ 100 triệu USD, còn lại Eximbank Trung Quốc cho vay 250 triệu USD, lãi suất ưu đãi 4%/năm, cố định trong vòng 15 năm, với điều kiện phải ký hợp đồng với nhà thầu Hoàn Cầu của Trung Quốc.