Áp lực từ các FTA đang "kéo lùi" Việt Tiến?
May Việt Tiến vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2019 với doanh thu thuần 1.726 tỉ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đó, quý I, giá vốn hàng bán giảm từ 1.621 tỉ đồng xuống 1.490 tỉ đồng theo đó lợi nhuận gộp khoảng 235,5 tỉ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính 7,8 tỉ đồng, tăng 35% trong khi chi phí tài chính tăng nhẹ lên 5 tỉ đồng. Phần lãi từ liên doanh liên kết giảm từ 18 tỉ đồng xuống 13 tỉ đồng. Chi phí bán hàng tăng nhẹ lên 80 tỉ đồng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức 66 tỉ đồng, giảm 2%. Sau khi trừ đi các chi phí, May Việt Tiến ghi nhận lợi nhuận sau thuế 88 tỉ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ.
Thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu
Theo ông Bùi Văn Tiến, Tổng Giám đốc May Việt Tiến, hiện các hiệp định thương mại được ký kết chưa có tác động tích cực, vẫn còn mù mờ vì căn bản Việt Nam không có nguyên liệu, vẫn chỉ là gia công. Còn ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch HĐQT May Việt Tiến cho biết, nhà đầu tư nghĩ rằng, ngành dệt may Việt Nam sẽ có rất nhiều cơ hội nhưng phần cung thiếu hụt của ngành dệt may Việt Nam vẫn chưa được đầu tư phát triển kịp với các hiệp định thương mại mà Nhà nước đã ký.
Có thể bạn quan tâm
Ngành dệt may cần làm gì để được hưởng lợi từ CPTPP?
14:00, 30/12/2018
“Bảo bối” cho ngành dệt may
02:37, 02/12/2018
"Tia sáng" của ngành dệt may
02:03, 02/11/2018
Doanh nghiệp ngành dệt may, da giày và áp lực tồn tại
11:00, 30/10/2018
Trong khi đó, CPTPP đòi hỏi giá từ sợi, nhuộm, dệt và may tại Việt Nam thì mới được hưởng lợi thế từ thuế quan. EVFTA cũng đòi hỏi vải phải được sản xuất tại Việt Nam. May Việt Tiến được nâng cấp lên FOB nhưng vẫn phải do sự chỉ định của khách hàng, phải mua ở nước ngoài là Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Do đó, ban lãnh đạo chưa có sự đánh giá cao đối với tác động tích cực từ các hiệp định mang lại.
Bên cạnh đó, sự cạnh tranh giữa Indonesia và Bangladesh ngày càng rõ nét do chi phí lao động ở Bangladesh rẻ, chỉ ở mức 50 USD trong khi chi phí tại Việt Nam là 400 USD. Dân số tại Indonesia khoảng 250 triệu người và nhiều nhà máy được thành lập tại đây. Hơn nữa, theo ông Tiến, sắp tới lương tối thiểu có xu hướng sẽ tăng, người lao động tại Việt Nam sẽ có tâm lý muốn mức lương cao hơn, cùng với sự biến động lao động do xuất khẩu lao động. Chi phí lao động tăng cùng với chi phí nguyên vật liệu như điện, xăng dầu đều tăng sẽ khiến các doanh nghiệp ngành dệt may càng gặp nhiều khó khăn, từ đó hiệu quả hoạt động sẽ giảm.
Bất lợi vì phân khúc nhỏ
Cũng theo ông Giang, riêng thị trường Nhật Bản dự báo sẽ mất 30% đơn hàng, trong khi thị trường Mỹ chưa ổn định và châu Âu chưa hồi phục. Do đó, đến hiện tại, hiện tượng gia công và gia công lại rất nhiều bởi nguồn nguyên liệu không chủ động, và phương thức của khách hàng hiện nay là bán hàng được thì mới đặt hàng sản xuất. Nếu thấy hàng tồn, khách hàng sẽ yêu cầu dừng đơn hàng.
Hiện thị phần của May Việt Tiến tại Nhật Bản khoảng 31%, nhưng tổng quan toàn ngành chỉ đạt 19,5%, còn thị phần nhập khẩu tại các nước trong thành viên CPTPP như Canada, Newzealand, Úc lại rất nhỏ. Mexico cũng là nước sản xuất dệt may, cạnh tranh cực kỳ lớn. Vẫn theo ông Giang, các hiệp định thương mại không mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam vì phân khúc rất nhỏ.
Ngoài ra, kết cấu thị trường thay đổi nhanh của ngành dệt may toàn cầu không chỉ riêng Việt Nam. Khi thời tiết thay đổi, các đơn hàng có thể dừng lại ngay lập tức, sức mua giảm, mối quan hệ giữa các nước nhập khẩu và xuất khẩu nếu có các vấn đề vướng mắc, đơn hàng cũng sẽ giảm. Hiện tại, các đơn hàng tại Việt Nam đã dần chuyển dịch sang Bangladesh nhờ chi phí lao động giá rẻ thấp hơn Việt Nam 2,5 lần.
Trên thực tế, CPTPP sẽ có những yêu cầu rất khắt khe về nguyên tắc xuất xứ. Đây là khó khăn không nhỏ với các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, bởi hiện tại ngành công nghiệp phụ trợ hàng dệt may đang phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ và một số nước ASEAN. Ông Giang đánh giá, dệt may Việt Nam còn thiếu điều kiện phát triển đầy đủ trong nước, khi nhiều địa phương quay lưng với ngành dệt nhuộm do sợ ảnh hưởng môi trường.
“Theo cách này, Việt Nam đang tạo kẽ hở cho các nước khác hưởng lợi từ CPTPP, còn mình thì không hưởng lợi do chuỗi dệt may không có cách nào phát triển đầy đủ để hưởng các ưu đãi thuế tối thiểu 55% tỷ lệ nội địa hóa sản xuất mới được hưởng ưu đãi thuế quan”, ông Giang nhấn mạnh.