Ngành dệt may cần làm gì để được hưởng lợi từ CPTPP?

Thy Hằng 30/12/2018 14:00

Tăng cường liên kết doanh nghiệp nội và ngoại mở rộng cơ hội đầu tư, chủ động nguồn nguyên liệu sẽ giải quyết "nỗi lo" phụ thuộc nguyên phụ liệu từ ngoại khối và giúp dệt may hưởng lợi từ CPTPP.

Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) gồm 11 quốc gia, chính thức có hiệu lực vào hôm nay (30/12), tạo ra một khu vực thương mại tự do chiếm khoảng 1/10 nền kinh tế thế giới. 

Ngành dệt may được nhận định sẽ có mức tăng trưởng 8-10% từ CPTPP.

Ngành dệt may được nhận định sẽ có mức tăng trưởng 8-10% từ CPTPP.

Cơ hội mở rộng thị trường

CPTPP theo đó sẽ giúp cắt giảm các khoản thuế dành cho sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, nới lỏng các quy định về đầu tư và tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

11 quốc gia thành viên CPTPP hy vọng hiệp định này sẽ giúp đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang vướng vào một cuộc chiến thương mại. Australia, Canada, Nhật Bản, Mexico, New Zealand và Singapore là 6 quốc gia đầu tiên thông qua CPTPP để tạo điều kiện cho thỏa thuận này đi vào hiệu lực. Hiệp định sẽ có hiệu lực tại Việt Nam từ tháng 1/2019 và Việt Nam cam kết sẽ cắt giảm gần 100% dòng thuế.

Theo các chuyên gia, nhờ có CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. Kim ngạch nhập khẩu có khả năng tăng 3,8-4,6% và nhiều khả năng nguy cơ thâm hụt thương mại được kiềm chế theo thời gian. Mức tăng thêm về xuất sẽ là 15% và nhập khẩu tăng thêm trên 10%.

Trong đó, các ngành hàng như dệt may, da giày, thuỷ sản được nhận định sẽ tăng thêm được xuất khẩu và mở rộng được thị trường. Trao đổi với DĐDN, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, CPTPP giúp ngành dệt may tiếp cận nhiều thị trường lớn có tiềm năng, CPTPP mở ra nhiều thị trường xuất khẩu mới cho dệt may, nhất là một số thị trường Việt Nam chưa ký FTA như Canada, Mexicô và Peru,…

“Chúng ta có thể tận dụng được nguồn cung nguyên liệu, học hỏi công nghệ sản xuất và trình độ quản lý từ các nước nội khối, kết hợp cùng phát triển. Đồng thời tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành”, ông Cẩm nói. 

Theo Hiệp định CPTPP, thuế suất hầu hết mặt hàng sẽ giảm về 0% trong vòng 7 năm, Việt Nam có thể nới lỏng đến 10 năm. Thuế xuất khẩu vào các thị trường giảm sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.

“Những thị trường truyền thống như Australia cũng sẽ được khai thác tốt hơn. Xuất khẩu dệt may của ta vào Australia hiện mỗi năm mới đạt khoảng hơn 200 triệu USD, là con số khá khiêm tốn vì mỗi năm thị trường này đang nhập khẩu khoảng 9 tỷ USD”, ông Cẩm nhận định.

Để chuẩn bị đón đầu CPTPP, năm qua, dệt may trong nước đã chứng kiến những doanh nghiệp mạnh tay đầu tư vào ngành như Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại TNG hay Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển TDT.

“TNG đã dự phòng nguồn nguyên liệu từ trước để đáp ứng các đơn hàng tăng trưởng sau khi CPTPP thực thi. Hiện một số nguyên liệu trong nước như vải lót, vải bông, chỉ... đã đáp ứng được yêu cầu của phía nhập khẩu, giúp TNG chủ động được nguồn nguyên liệu”, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết. 

Có thể bạn quan tâm

  • Dệt may gấp rút đón hiệu lực CPTPP

    Dệt may gấp rút đón hiệu lực CPTPP

    11:03, 26/12/2018

  • Dệt may Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại?

    Dệt may Việt Nam có thực sự hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại?

    03:30, 02/12/2018

  • “Bảo bối” cho ngành dệt may

    “Bảo bối” cho ngành dệt may

    02:37, 02/12/2018

“Nỗi lo” phụ thuộc nguyên liệu ngoại khối

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư chuẩn bị đón đầu CPTPP như hai doanh nghiệp kể trên, nhất là khi các doanh nghiệp dệt may Việt chủ yếu là vừa và nhỏ. Với các doanh nghiệp này, cơ hội tận dụng nguồn nguyên liệu trong nội khối chưa kịp tới thì áp lực, thách thức về chứng minh nguồn gốc, xuất xứ đã đè nặng. 

Theo đó, doanh nghiệp Việt trước khi muốn hoà nhập, tham gia trong “cuộc chơi” và hưởng lợi từ ưu đãi thuế sẽ buộc phải đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn, cam kết liên quan đến xuất xứ hàng hóa, bảo vệ môi trường, sở hữu trí tuệ… Mà với ngành dệt may “cái khó lớn nhất là nguyên tắc về xuất xứ”.

Cụ thể, sản phẩm dệt may muốn được hưởng thuế suất 0% phải chứng minh được nguồn gốc nguyên liệu từ sợi trở đi là nguyên liệu trong nước hoặc nhập khẩu từ các nước nội khối trong CPTPP. Điều đáng nói, thực trạng thiếu nguyên liệu luôn là điểm yếu "từ huyệt" của ngành dệt may. Hiện, 80% nguyên liệu ngành dệt may được nhập khẩu, chủ yếu từ các nước ngoài CPTPP như Trung Quốc 43%, Hàn Quốc 20%, Đài Loan 15%, các nước TPP chỉ 9,7%. 

Do đó, doanh nghiệp muốn hưởng các ưu đãi từ CPTPP trước tiên phải đáp ứng được những yêu cầu về nguồn nguyên liệu sản xuất.

“Hiện nguyên liệu sản xuất của ngành dệt may chủ yếu vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc, đây là nước nằm ngoài CPTPP nên nếu doanh nghiệp không tìm nguyên liệu từ các nước trong khối sẽ không được hưởng ưu đãi về thuế”, đại diện Công ty cổ phần Đồng Tiến nhận định. 

Mặt khác, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ băn khoăn về sự chênh lệch giá cả và chất lượng của nguồn nguyên liệu trước nay từ Trung Quốc và các nước nội khối CPTPP như Mexico, Peru.

Trong khi các doanh nghiệp nội còn loay hoay với bài toán nguyên liệu thì các doanh nghiệp ngoại đang ồ ạt đầu tư chớp lấy cơ hội từ CPTPP, các ông lớn như Tập đoàn Amann (Đức), Tập đoàn Itochu của (Nhật Bản) hay Tập đoàn Hyosung (Hàn Quốc) không hề giấu diếm tham vọng thâu tóm thị phần cung cấp nguyên phụ liệu trong ngành. Điều này đặt doanh nghiệp nội trước nguy cơ thêm “lép vế” trên chính sân nhà.

“Cạnh tranh sẽ gay gắt hơn và nếu không có chiến lược, hướng phát triển bài bản, chúng ta rất dễ bị các đối thủ nước ngoài mạnh về tài chính, quản trị thôn tính”, Chủ tịch HÐQT Tổng công ty May Hưng Yên ông Nguyễn Xuân Dương nhận định.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần quy hoạch các khu công nghiệp sản xuất dệt may lớn tại ba miền Bắc, Trung, Nam để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm hoàn tất. Có chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư công nghệ cao vào ngành. 

"Hiện tỷ trọng của doanh nghiệp FDI trong ngành chiếm 40% số lượng nhưng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu chiếm 62%, doanh nghiệp trong nước chỉ 38%. Hơn nữa, các doanh nghiệp FDI có vốn lớn và trình độ sản xuất hiện đại, do đó cần có sự liên kết phối hợp cùng tham gia vào chuỗi. Nhà nước nên có hỗ trợ các doanh nghiệp, tạo sân chơi bình đẳng, giảm thiểu thủ tục hành chính và thủ tục xuất nhập khẩu, lao động để tránh được sự lép vế của doanh nghiệp Việt trên chính sân nhà", ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.

Về phía các doanh nghiệp, cần chủ động tìm hiểu thị trường với các yêu cầu kỹ thuật, rủi ro thương mại và tranh chấp có thể xả ra, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất để giảm giá thành nâng cao chất lượng…là những việc cần làm để có thể hưởng lợi từ CPTPP.

Như vậy, nhìn chung tác động của CPTPP đối với Việt Nam trong dài hạn không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu. Việt Nam cần đưa ra những chính sách khôn ngoan để lựa chọn công nghệ tiên tiến và dòng vốn đầu tư nước ngoài thân thiện với môi trường để tối ưu hóa tác động của hiệp định này. Để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu mỗi năm đạt trên dưới 10%/năm thì ngành dệt may Việt Nam đã lên kế hoạch phải tập trung vào khai thác tốt những thị trường trong khối CPTPP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành dệt may cần làm gì để được hưởng lợi từ CPTPP?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO