Vương quốc Anh trở thành thành viên thứ 12 của hiệp định CPTPP mang lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu cho hàng hoá Việt Nam.
Khi hiệp định CPTPP chính thức có hiệu lực với Anh - một trong 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nước này cam kết xóa bỏ thuế quan ngay đối với 93,9% số dòng thuế (áp dụng chung cho các nước CPTPP) và 94,4% số dòng thuế (áp dụng riêng cho Việt Nam). Vương quốc Anh cũng cam kết dành hạn ngạch thuế quan với lượng quota chung cho các nước và riêng từng nước với 181 dòng thuế: thịt (bò, lợn, gà), gạo, đường, một số loại hoa quả và phương tiện vận tải.
Với Việt Nam, theo ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), tại hiệp định CPTPP, nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... được hưởng mức cam kết tốt hơn so với cam kết tại hiệp định UKVFTA.
Không chỉ vậy, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Anh gia nhập CPTPP tạo cơ hội thúc đẩy thương mại hai chiều, Việt Nam tiếp cận những mặt hàng có chất lượng và công nghệ cao của Anh. Đặc biệt, với những khuôn khổ, quy tắc cao, thúc đẩy đầu tư hai chiều cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều biến động, phức tạp, các nước đang nỗ lực cùng nhau xây dựng “cảng trú bão”.
Đó là những chuỗi cung ứng mang tính ổn định, có thể vững vàng trong biến động đảm bảo cho hoạt động bền vững của các doanh nghiệp. Để thiết lập những chuỗi cung ứng như vậy, không chỉ cần thúc đẩy thương mại đầu tư với nhau mà còn thu hút đầu tư từ bên ngoài để tận dụng chuỗi cung ứng đó. Đây cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của Hiệp định này hướng đến đảm bảo đa dạng hoá thương mại.
Thuỷ sản là một trong những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam được hưởng mức cam kết tốt hơn so với cam kết tại hiệp định UKVFTA. Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, khoảng 150 doanh nghiệp thủy sản trong nước đang hợp tác, kinh doanh tại thị trường Anh quốc với kim ngạch đạt từ 310 - 340 triệu USD/năm, chiếm 30% lượng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Liên minh châu Âu.
Đây là con số rất ấn tượng cho thấy Anh là thị trường quan trọng đối với ngành thủy sản Việt Nam cả về xuất khẩu và nhập khẩu. Trong 3 năm qua, Việt Nam nhập khẩu gấp 3 lần thuỷ hải sản từ thị trường Anh.
Việc Anh gia nhập hiệp định CPTPP mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp thủy sản cả về thuế quan, về xuất xứ nội khối..., nhất là đối với mặt hàng cá ngừ. Với CPTPP, rào cản về hạn ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Vương quốc Anh được tháo gỡ. Theo Phó Tổng thư ký VASEP, đây là nguồn lực động viên rất lớn đối với doanh nghiệp.
Như vậy, cả CPTPP và UKVFTA đã và đang tạo động lực tăng trưởng rất lớn trong quan hệ song phương, đồng thời mở ra không gian phát triển mới trong các lĩnh vực tiềm năng.
Đi cùng với nhiều cơ hội là những thách thức. Ông Nguyễn Cảnh Cường - nguyên Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Anh thông tin: Anh là quê hương của các bộ tiêu chuẩn trên toàn cầu nên hàng hoá sản phẩm xuất sang thị trường này cần đảm bảo tuân thủ và thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời cần đáp ứng yêu cầu cao về chất lượng, không gây ô nhiễm, tác động đến môi trường.
Ngoài ra, người tiêu dùng Anh cũng rất quan tâm đến sự hấp dẫn của sản phẩm thông qua các yếu tố văn hoá đặc sắc vùng miền, những câu chuyện lịch sử được truyền tải qua các sản phẩm, hàng hoá. Do vậy, các doanh nghiệp cần nâng cao năng lực, chuẩn hoá quy trình sản xuất, đề cao tính trách nhiệm, giải trình để gia tăng giá trị và thị phần xuất khẩu sang Anh.