Các nhà phân tích cho rằng Đông Nam Á nên tăng cường thương mại nội khối và tìm kiếm thêm thị trường mới để giảm thiểu tác động thuế quan của Mỹ.
Ngoài việc tăng cường thương mại nội khối, các chuyên gia cũng cho rằng các chính phủ trong khu vực Đông Nam Á nên đẩy mạnh đàm phán trực tiếp với chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để giảm mức thuế quan hoặc tìm kiếm thị trường mới thay vì hợp tác với các nước láng giềng để khai thác sự khác biệt trong mức thuế áp dụng cho mỗi quốc gia.
Các thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan và Indonesia, nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan mới của chính quyền Trump.
Trong bài viết được đăng tải trên Nikkei Asia, ông Ong Kian Ming, Phó hiệu trưởng tại Đại học Taylor ở Malaysia và là cựu Thứ trưởng thương mại Malaysia, cho biết: "ASEAN không chỉ nên thúc đẩy hội nhập sâu hơn trong khu vực mà còn tìm cách củng cố mối quan hệ thương mại của khối với các khu vực khác".
"Điều này nên bao gồm sự hội nhập lớn hơn thông qua các FTAs như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)", ông Ong Kian Ming nói thêm.
Hiện cả RCEP và CPTPP đều là các hiệp định thương mại tập trung vào Châu Á - Thái Bình Dương bao gồm lần lượt 15 và 12 quốc gia. Không có hiệp định nào bao gồm Mỹ.
Đồng quan điểm, ông Peter Varghese, Hiệu trưởng Đại học Queensland tại Australia, cho biết: "Chiến lược tốt nhất là dựa vào các cơ hội sẵn có, không chỉ để bảo toàn càng nhiều cấu trúc của hệ thống đa phương càng tốt, mà còn tập trung hơn nữa vào tăng trưởng kinh tế và sức mạnh kinh tế trong một môi trường rất khác biệt."
Ông Varghese nói thêm, đối với Đông Nam Á, điều này có nghĩa là tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tự do hóa thương mại và đầu tư của ASEAN, vì tính hiệu quả.
Trong khi đó, Wong Chen, một nghị sĩ Malaysia và là Chủ tịch của một ủy ban quan hệ quốc tế và thương mại của Quốc hội, cho biết trọng tâm chiến lược nên là mở rộng sang các thị trường khác, đặc biệt là châu Âu và các quốc gia vùng Vịnh.
"Thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc có thể dẫn đến hậu quả không mong muốn là gia tăng tình trạng hàng hóa Trung Quốc tiếp tục bị bán phá giá, và chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng Trung Quốc là đối thủ công nghiệp khổng lồ của khu vực ASEAN", ông cho biết.
Michael Green, Tổng giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu Hoa Kỳ tại Australia và là cựu Giám đốc cấp cao của Hội đồng an ninh quốc gia Hoa Kỳ về các vấn đề châu Á trong chính quyền George W. Bush, cho biết khu vực này nên đối phó chủ nghĩa bảo hộ bằng tự do hóa thương mại.
"Theo lý thuyết về tự do hóa thương mại, nếu ASEAN đẩy mạnh tự do hóa thương mại, điều đó sẽ giúp ASEAN có nhiều quyền tự chủ hơn, nhiều đòn bẩy hơn," ông nói, đồng thời nhấn mạnh rằng bước đi này không hề dễ dàng.
Nhiều nhà phân tích dự đoán các nhà lãnh đạo ban đầu sẽ cố gắng đàm phán giảm thuế quan với chính quyền Trump. Các nhà phân tích tại DBS, ngân hàng có trụ sở tại Singapore, cho biết trong một lưu ý rằng dựa trên các tiêu chí như tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ và chênh lệch thuế đối ứng, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia tương đối dễ bị tổn thương, tiếp theo là rủi ro lan tỏa ở mức vừa phải đối với Singapore, Indonesia và Philippines.
Một số ý kiến cho biết các chính phủ và doanh nghiệp trong khu vực có thể tận dụng tác động khác nhau này để mang lại lợi ích cho chính họ. Dindo Manhit, Chủ tịch của Stratbase ADR Institute, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Manila, cho biết mức thuế 17% áp dụng cho Philippines mang đến cả rủi ro và cơ hội cho quốc gia này.
"Mặc dù động thái này có thể khiến các sản phẩm của Philippines kém cạnh tranh hơn trên thị trường Mỹ, nhưng nó cũng mở ra cánh cửa cho các triển vọng thương mại và đầu tư mới. Philippines có thể tận dụng cơ hội để trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng", chuyên gia này nhận định.