Chuyên đề

Tác động từ sắc lệnh thuế quan mới của ông Trump tới thị trường và các nhóm ngành

Lê Mỹ 03/04/2025 08:55

Việt Nam có thể đẩy mạnh động lực tăng trưởng nội địa và cùng với đó là các biện pháp xử lý thâm hụt thương mại, đàm phán để giảm tác động theo sắc lệnh thuế quan ông Trump vừa ký.

Này 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế nhập khẩu với hàng chục nền kinh tế, trong đó Việt Nam chịu mức 46%.
Theo đó, Tổng thống Mỹ đã mang theo tấm bảng ghi mức thuế áp dụng với từng nền kinh tế và công bố tại sự kiện. Trong bảng, Anh, Brazil, Singapore sẽ chịu 10% thuế. Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ chịu 20-26%. Trung Quốc và Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất, lần lượt là 34% và 46%. Sắc lệnh áp thuế mới đã được ông ký sau đó nửa giờ.

"Tin xấu là tin tốt"?

Ông Trump cũng cho biết sẽ áp dụng thuế nhập khẩu 10% với toàn bộ hàng nhập khẩu vào Mỹ, từ ngày 5/4. Tức là tất cả quốc gia và vùng lãnh thổ đều phải chịu mức thuế nhập khẩu chung 10% này. Sau đó, kể từ ngày 9/4, các đối tác thương mại lớn nhất của nước này sẽ chịu thuế đối ứng ở mức cao hơn, theo bảng đã công bố.

Các chiến lược chuyển lợi nhuận quá mức của các tập đoàn đa quốc gia MNE gây ra xói mòn cơ sơ thuế (BEPS), làm tổn thất ngân sách của nhiều quốc gia trên thế giới. Vì vậy, quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu ra đời và triển khai như một nỗ lực đáng kể hạn chế hiện tượng này. Ảnh minh họa
Mức thuế cao đối với Việt Nam gây quan ngại đến đầu tư FDI và FII. Song chuyên gia dự báo "Thay đổi dài hạn dựa trên thông tin ngắn hạn là khó xảy ra". Ảnh minh họa

Nhận định về tác động của chính sách thuế quan theo sắc lệnh mới từ chính quyền Donald Trump, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Trưởng Ban Đào tạo và Phát triển CTCP Chứng khoán SSI cho biết, trước hết: Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng tỷ trọng xuất khẩu. Trong trường hợp xấu nhất, con số không ý nghĩa lắm vì câu chuyện này ảnh hưởng đến Việt Nam, 60 quốc gia và cả thế giới, ông Hưng nhận định. Bởi tác động có thể dẫn đến là suy thoái kinh tế, ảnh hưởng vì vậy phải nhìn như ở những giai đoạn suy thoái hay Covid -19.

Tuy nhiên, ông Hưng nhấn mạnh, mức thuế 46% cho Việt Nam hay 34% cho Trung Quốc là mức thuế trần, không có nghĩa đây là mức thuế áp dụng mãi mãi. Việt Nam là quốc gia duy nhất làm nhiều việc để xử lý thương mại 2 quốc gia: Giảm thuế 14 mặt hàng, cho phép hoạt động Starlink tại đây, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Bộ Công thương cùng với các hợp đồng chúng ta có dự thảo quản lý thương mại chiến lược - một văn bản thế hiện cam kết trong mối quan hệ thương mại...

Trong báo cáo 370 trang của Mỹ về ước tính thương mại, Việt Nam có 8 trang, đa phần vấn đề nêu ra cho thấy Việt Nam xử lý rất tốt. Do đó, kỳ vọng sau cùng thuế Việt Nam có thể thấp và Việt Nam vẫn là quốc gia hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, ông Hưng nói.

Với thị trường đầu tư, ông Hưng cho rằng "Tin xấu là tin tốt" - Lạc quan không thoái quá nhưng khi các câu chuyện đã xấu hết thì các hành động Chính phủ sẽ mạnh hơn để giải quyết. Nhà đầu tư (NĐT), đặc biệt NĐT nước ngoài, đánh giá rủi ro thương mại lớn nhất, họ sẽ chờ. Nếu tin xấu nhất đã ra và NĐT xem xét được phản ứng thị trường, định giá thị trường phù hợp với những nhóm ngành, họ định giá lại và có thể mua.

Những ngành nghề ảnh hưởng trước mắt, theo ông Hưng, sẽ là các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều sang Mỹ, ngành liên quan đến xuất khẩu, nhưng lưu ý là các quốc gia cũng bị đánh thuế, cũng như chính sách thuế không dài hạn nên sau đó kì vọng mức ảnh hưởng sẽ khác.

Một yếu tố tích cực là các doanh nghiệp xuất khẩu có tỷ trọng không lớn trong các ngành niêm yết trên sàn chứng khoán, ước khoảng 20%. Nên tác động đến báo cáo tăng trưởng và lợi nhuận năm sẽ không quá lớn.

Chinh sach thue quan
Mức thuế quan đối ứng đối với các quốc gia. Nguồn: White House

Ngành thép theo công bố sắc thuế, trong nhóm các mặt hàng thép, nhôm, đồng, ô tô, dược, bán dẫn nhập khẩu vào Mỹ sẽ chịu mức thuế 25%. Tôn mạ không nằm trong nhóm này. Thuế quan đánh lên hàng thép nhập khẩu theo ông Hưng không phải là vấn đề quá đáng ngại do tỷ trọng xuất khẩu không lớn, trong khi đó đáng lo vẫn là vấn đề thép dư cung từ Trung Quốc. Việt Nam đã có các công cụ phòng vệ thương mại phù hợp để ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ tràn sang.

Ngành Bất động sản khu công nghiệp (KCN): Các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng toàn cầu không thay đổi ngay được, do thuế áp cho tới 60 quốc gia và các nhà đầu tư FDI khó tìm kiếm một đối tác phù hợp hơn để thay thế Việt Nam. "Thay đổi dài hạn dựa trên thông tin ngắn hạn là khó xảy ra nên ngành này sẽ hưởng lợi xu hướng FDI dài hạn và tăng trưởng khá đều. Các doanh nghiệp liên quan đến công nghiệp hỗ trợ vẫn sẽ đến Việt Nam nhiều. Kể cả sau này số FDI giải ngân (nếu có) nhưng số lượng vẫn tăng thì điều này vẫn tích cực cho Bất động sản KCN", ông Hưng nhận định.

Ngành cao su: Cần theo dõi thêm do thuế liên quan ô tô liên quan cả thuế cho phụ kiện. Ngay cả các nhà sản xuất của Mỹ cũng đang phản ứng vì không hưởng lợi chính sách này từ chính quyền Trump. Do đó ông Hưng cho rằng xu hướng các chính sách sẽ nới lỏng với ô tô và các ngành phụ trợ có liên quan bao gồm cao su.

Trong ngắn hạn mọi người vẫn hy vọng 1 câu chuyện tăng xuất khẩu sang Mỹ trước khi chính sách thuế áp dụng, nhưng chúng ta vẫn phải chờ phán quyết sau cùng. Đây là cơ hội để Việt Nam và các quốc gia đều phải tái cơ cấu lại - Mọi thứ đều đi và đến đúng giờ lúc này có thể không quan trọng, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế quan trọng hơn. Việt Nam luôn là lựa chọn được đưa thêm vào chuỗi cung ứng. Trong ngắn hạn ảnh hưởng không tích cực nhưng dài hạn vẫn còn triển vọng, chuyên gia nhận định.

Đánh giá nhanh, ít lạc quan hơn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phòng Nghiên cứu Khách hàng Cá nhân, khối Phân tích - Maybank Investment Bank Việt Nam (MSVN) nhìn nhận: Việc Hoa Kỳ áp đặt mức thuế quan đối ứng lên tới 46% dự kiến sẽ gây ra những tác động tiêu cực đối với kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Lâm nhấn mạnh, theo Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent, mức thuế này có thể được điều chỉnh thông qua đàm phán. Được biết, Chính phủ Việt Nam đã thể hiện sự hợp tác và chủ động trong việc giải quyết các quan ngại của Hoa Kỳ, bao gồm việc gần đây giảm thuế nhập khẩu MFN đối với một số mặt hàng chiến lược như ô tô, gỗ, khí hóa lỏng LNG và nông sản.

"Bên cạnh đó, để thúc đẩy đàm phán, các biện pháp có thể được xem xét bao gồm tăng cường mua hàng hóa Mỹ, giảm thuế quan, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại Việt Nam, mở cửa thị trường nông sản Mỹ", theo đại diện MSVN.

Động lực tăng trưởng và chiến lược đầu tư

Động lực chính của tăng trưởng kinh tế sau các thông tin thuế, sau cùng vẫn đến từ nội địa. Việc thúc đẩy đầu tư công cùng tiêu dùng sẽ bù đắp cho xuất khẩu yếu đi, nếu có, và điều này cũng đã được dự báo trước.

Hiện nay, ông Phạm Lưu Hưng phân tích, giải ngân đầu tư công đang thấp, nhưng Chính phủ đã và đang có những quyết sách để tháo gỡ trên các dự án có vướng mắc cụ thể. Theo đó kỳ vọng sẽ đẩy nhanh hơn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cùng các ngành nghề liên quan.

Cơ hội nhìn từ phía đầu tư sẽ các cho các doanh nghiệp có tỷ trọng nội địa cao, hoặc chỉ liên quan thị trường trong nước, ví dụ ngành điện đang có nhiều thông tin đang chờ như chờ sửa đổi Quy hoạch Điện 8, giá FIT với năng lượng tái tạo...

Nhìn chung, ông Phạm Lưu Hưng cho biết, việc Mỹ áp thuế cao lên nhiều quốc gia và tập trung hàng hóa trung bình +20-30% sẽ phản ánh lên giá hàng hóa và tăng nguy cơ lạm phát. Trong khi đó, CPI lõi của Mỹ tháng 2 đang tăng mạnh và tăng trưởng đang "sáng cửa" âm, do đó nước Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ vừa lạm phát vừa suy thoái. Điều này sẽ khiến các chính sách thuế quan khó có thể kéo dài và tất cả vẫn phải chờ theo dõi thêm.

Đối với tác động cụ thể hơn trên thị trường chứng khoán và chiến lược đầu tư trong tác động tâm lý vì sắc lệnh thuế quan gây "sốc" vừa diễn ra, các nhà phân tích của Chứng khoán SHS nhắc lại quan điểm yếu tố ảnh hưởng số 1 năm 2025 là chính sách thuế của Trump, gọi là Trump 2.0. Điều này có thể tạo ra 1 cú giảm nhanh, mạnh, quyết liệt cho thị trường đặc biệt khi thị trường đang ở vùng giá cao (như giai đoạn vừa qua lên 1342.9 điểm). Theo SHS, điều này càng thúc đẩy hơn việc khi tin xấu bất ngờ đưa ra gây hoảng loạn bán tháo quyết liệt hơn. Một phần nữa là truyền thông đưa tin suốt giai đoạn vừa qua theo hướng tích cực là sẽ có "deal" thuận lợi cho Việt Nam và đại đa số nhà đầu tư đang tin vào kịch bản tích cực đó. Nên khi thông tin chính thức đưa ra Việt Nam vào top 3 có thể bị áp thuế cao nhất gây hoảng loạn.

Các nhà đầu tư giai đoạn vừa rồi dùng đòn bẩy tăng khá mạnh và áp lực call margin chéo rất lớn sẽ buộc họ phải chủ động giảm tỷ lệ đòn bẩy ngay lập tức, tạo ra các đợt bán tháo ồ ạt trên diện rộng. Các ngành cũng đang chịu ảnh hưởng lớn khi nhà đầu tư đang xem xét đánh giá lại triển vọng đầu tư của từng ngành. Nhiều ngành có thể giảm hấp dẫn đầu tư rất lớn nếu việc áp thuế chính thức được thực hiện sau 1 tuần nữa như các nhóm ngành dệt may, da giầy, đồ gỗ, thủy sản, và ngay cả bất động sản khu công nghiệp vốn rất hấp dẫn từ giai đoạn Trump 1.0 tới nay, theo SHS Research.

Giữ quan điểm năm nay là năm đặc biệt biến động và yếu tố "timing" cần đặc lên hàng đầu, theo SHS, trong điều kiện xấu nhất VN-Index có thể điều chỉnh giảm -15% tới -20% từ vùng đỉnh 1342 gần đây sau đó mới ổn định trở lại. Điều kiện thuận lợi tốt nhất là 1 sự điều chỉnh quanh 10% của thị trường chung. "Nhưng chúng tôi khá lo ngại tình trạng margin cao hiện nay có thể làm thị trường điều chỉnh nhiều hơn mức 10%. Nhưng nhà đầu tư không cần quá lo lắng, các chính sách dạng này luôn thay đổi nhanh và chúng ta nên tránh các công ty yếu kém và đầu tư các công ty hàng đầu để tránh qua giai đoạn khó khăn này. Các công ty hàng đầu có sức chống cự với khủng hoảng, suy thoái rất mạnh nên sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho nhà đầu tư trong giai đoạn khó khăn hiện tại", các chuyên gia phân tích nhìn nhận.

Đối với nhà đầu tư cá nhân, SHS khuyến nghị, nếu thị trường giảm mạnh -15% - -20%, nhà đầu tư hãy mạnh dạn mua vào, nhưng cần thận trọng nếu sử dụng đòn bẩy để mua để tránh rủi ro nhỡ thị trường đột ngột rơi vào giai đoạn downtrends như kiểu năm 2012 mà chúng ta đã từng gặp trước đây khi thị trường đang phục hồi thì đợt ngột rơi vào downtrends mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tác động từ sắc lệnh thuế quan mới của ông Trump tới thị trường và các nhóm ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO