Chứng khoán

Tác động của thuế quan và chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán

Diễm Ngọc 01/04/2025 04:26

Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư trên TTCK nên tập trung vào các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng từ thuế quan, có chuỗi cung ứng nội địa vững chắc và hưởng lợi từ làn sóng FDI.

Tác động từ thuế quan

Trong những năm gần đây, thuế quan đã trở thành một trong những công cụ kinh tế được các chính phủ trên toàn thế giới đặc biệt quan tâm và sử dụng. Các biện pháp áp thuế nhập khẩu được thiết lập không chỉ nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách quốc gia, mà còn để điều tiết thương mại, bảo vệ doanh nghiệp trong nước và dễ dàng thực hiện các chiến lược đàm phán đối ngoại.

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh (Ảnh minh hoạ)
Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ (trên 100 tỷ USD/năm), rõ ràng không thể đứng ngoài các xung đột thuế quan toàn cầu (Ảnh minh hoạ)

Tuy nhiên, khi được sử dụng trên quy mô rộng, đặc biệt trong các cuộc chiến thương mại, thuế quan đã và đang gây ra những tác động lan tỏa rộng rãi đến kinh tế và tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là trên thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh ông Donald Trump tái định hình vai trò lãnh đạo với khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, thuế quan một lần nữa trở thành tâm điểm trọng tâm trong chính sách kinh tế đối ngoại của Mỹ. Việc áp thuế cao lên hàng hóa Trung Quốc, Liên minh Châu Âu, hay Mexico... đã gây ra hiệu ứng dây chuyền, khi các đối tác đáp trả bằng cách áp lại thuế vào hàng hóa Mỹ.

Điều này có thể dẫn đến giá cả hàng hoá tăng, sức mua suy yếu, doanh nghiệp trong nước chưa chắc đã mở rộng sản xuất, thành ra chính sách thuế quan có thể không đạt được kỳ vọng như mong muốn.

Đối với thị trường chứng khoán (TTCK), nơi nhạy cảm với các biến động vĩ mô luôn là tấm gương phản chiếu sống động của thuế quan. Những bất định về chính sách, việc thay đổi liên tục trong mối quan hệ thương mại quốc tế khiến tâm lý nhà đầu tư dao động. Dòng tiền đầu tư co hẹp, thanh khoản thấp, các nhóm ngành xuất nhập khẩu, sản xuất dễ bị bán tháo.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc phân tích CTCK Smart Invest nhìn nhận lịch sử từng chứng minh những tác động tiêu cực của thuế quan đến kinh tế toàn cầu. Trong đó, cuộc đại suy thoái năm 1929 là minh chứng rõ nét. Khi đó, Mỹ áp thuế nhập khẩu lên hơn 1000 mặt hàng với mức tăng lên đến 40%. Thay vì bảo hộ thành công, các quốc gia khác đáp trả bằng thuế quan tương tự, khiến thương mại toàn cầu sụt giảm 40%, dẫn đến kinh tế Mỹ rơi vào khủng hoảng kéo dài gần một thập kỷ. Đến năm 1934, Mỹ phải từ bỏ chính sách thuế quan bảo hộ để quay lại con đường tự do thương mại.

Trường hợp gần đây hơn là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 2018-2020. Việc Mỹ áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc đã kéo theo hàng loạt biện pháp trả đũa, từ đó gây tổn thất lớn cho nông nghiệp Mỹ, buộc Nhà Trắng phải chi ngân sách trợ cấp quy mô lớn. Dưới góc nhìn kinh tế học, nếu cả hai bên cùng trả đũa, kết cục sẽ là thất bại chung.

Đối với Việt Nam, chúng ta có thâm hụt thương mại lớn với Mỹ (trên 100 tỷ USD/năm), rõ ràng không thể đứng ngoài các xung đột thuế quan toàn cầu. Tuy vậy, Việt Nam vẫn chưa bị Mỹ áp thuế đích danh như Trung Quốc hay Mexico. Thay vào đó, Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, khi tiến hành đàm phán và ký kết các thỏa thuận thương mại - đầu tư lên đến 90 tỷ USD, bao gồm LNG, máy bay, thiết bị điện, công nghệ cao và hợp tác dầu khí. Đồng thời, Việt Nam cũng giảm thuế nhập khẩu LNG và ô tô từ Mỹ nhằm tạo cân bằng cán cân thương mại.

Một yếu tố then chốt là Việt Nam đang thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tốc độ tăng trưởng cao. Theo thống kê đầu năm 2025, hơn 60% trong tổng số gần 500 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tập trung vào sản xuất - cho thấy niềm tin dài hạn từ nhà đầu tư toàn cầu. Chính phủ Việt Nam cũng đang duy trì chính sách ưu đãi thuế hấp dẫn như: thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 10% trong 15 năm hoặc 5% trong 37 năm với các dự án đặc biệt.

Chiến lược đầu tư linh hoạt

Vị chuyên gia cũng khuyến nghị, chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh này cần sự linh hoạt và tỉnh táo. Nhà đầu tư nên tập trung vào các nhóm ngành ít chịu ảnh hưởng từ thuế quan, có chuỗi cung ứng nội địa vững chắc và hưởng lợi từ làn sóng FDI.

Thị trường chứng khoán là phong vũ biểu quan trọng của nền kinh tế, phản ánh sự vận động của dòng tiền
Chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán trong bối cảnh này là nhà đầu tư cần sự linh hoạt và tỉnh táo

Ngành công nghệ, năng lượng, tài chính và hàng tiêu dùng trong nước là những lựa chọn đáng cân nhắc. Dệt may Việt Nam, dù phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu Trung Quốc, vẫn đang tăng trưởng tốt nhờ dịch chuyển đơn hàng khỏi Bangladesh và ưu đãi của Mỹ với sản phẩm không từ Trung Quốc.

Ngược lại, các ngành như thép, đồ gỗ, thiết bị công nghiệp... có thể chịu sức ép lớn từ thuế quan và sự cạnh tranh trực tiếp với ngành nội địa của Mỹ. Đặc biệt, ngành thép Việt Nam đã bị áp thuế 25% từ năm 2018, do đó việc gia tăng thêm biện pháp phòng vệ thương mại có thể ảnh hưởng mạnh đến xuất khẩu và lợi nhuận doanh nghiệp ngành này.

“Trong ngắn hạn, rủi ro lớn nhất với thị trường không phải là bản thân thuế suất, mà là sự bất định chính sách. Việc áp thuế rồi lại hủy, hoặc thay đổi liên tục như từng thấy ở chính quyền Trump trước đây, khiến các doanh nghiệp không thể lập kế hoạch dài hạn. Ngay cả doanh nghiệp trong nước được bảo hộ cũng có xu hướng tận dụng tăng giá thay vì đầu tư sản xuất mở rộng.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang thể hiện vị thế ngoại giao rất tích cực. Các doanh nghiệp lớn như Apple, Boeing, Amazon, Coca-Cola… đều đến Việt Nam, cho thấy môi trường đầu tư trong nước đang được đánh giá cao. Cùng với mạng lưới các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, bao gồm EVFTA, CPTPP, RCEP..., Việt Nam đang định vị lại mình như một trung tâm sản xuất mới tại châu Á”, ông Khánh cho biết.

Có thể thấy, thuế quan là công cụ cần được sử dụng khéo léo và nhất quán. Lạm dụng hoặc điều chỉnh thất thường sẽ gây tổn thất lớn không chỉ cho thương mại mà còn làm xói mòn niềm tin đầu tư. Đối với Việt Nam, cơ hội vẫn đang hiện hữu. Nếu tận dụng tốt lợi thế chính trị - ngoại giao, tiếp tục duy trì môi trường đầu tư minh bạch, cải cách hành chính và nâng cao chất lượng lao động, chúng ta không chỉ tránh được “bẫy thuế quan” mà còn bứt phá vươn lên thành trung tâm kinh tế mới của khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tác động của thuế quan và chiến lược đầu tư trên thị trường chứng khoán
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO