Trước hạn chót 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế 25% với ô tô nhập khẩu, gây chấn động ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Động thái này ngay lập tức làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác thương mại chủ chốt, đồng thời khơi lên lo ngại về nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại toàn cầu.
Mỗi quốc gia chọn một cách phản ứng riêng: trong khi EU cảnh báo sẽ có các biện pháp trả đũa mạnh mẽ, nhiều nước khác như Anh hay Hàn Quốc lại theo đuổi con đường đối thoại và hỗ trợ trong nước nhằm duy trì ổn định thương mại.
EU đang lên kế hoạch sử dụng các công cụ chính sách thương mại mạnh mẽ nhất để đối phó với thuế ô tô từ Mỹ. Nguy cơ áp thuế đã buộc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phải cân nhắc lại lộ trình lãi suất.
Ngay sau thông báo về thuế ô tô hôm thứ Tư, kỳ vọng thị trường về việc ECB cắt giảm lãi suất trong tháng 4 tăng vọt, với xác suất ngầm định từ 68% lên 80%. Tuy nhiên, Thành viên Hội đồng ECB Pierre Wunsch cảnh báo nên cân nhắc giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp ngày 17/4, do lo ngại tác động kép của thuế: đẩy lạm phát lên trong khi làm chậm tăng trưởng.
Wunsch nhận định: “Nếu thuế làm lạm phát tăng nhưng tăng trưởng giảm, chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình thế rất khó xử: nên bỏ qua tác động lạm phát tạm thời, hay hành động thông qua chính sách tiền tệ?”
Quan điểm trong nội bộ ECB hiện chưa thống nhất: Latvia nghiêng về giảm lãi suất dần, Pháp cho rằng chu kỳ nới lỏng "chưa kết thúc", trong khi Áo cảnh báo nên thận trọng vì nguy cơ lạm phát quay trở lại.
Với mức thuế 25% áp vào ngành ô tô, các thương hiệu xe sang châu Âu như Porsche và Mercedes-Benz được dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Vương quốc Anh đã nhanh chóng bước vào các cuộc đàm phán cấp tốc với chính quyền Mỹ nhằm tránh bị ảnh hưởng bởi thuế mới. Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves khẳng định: “Chúng tôi đang tiến hành các cuộc thảo luận khẩn trương và muốn đảm bảo dòng chảy thương mại giữa Anh và Mỹ tiếp tục mạnh mẽ.”
Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của Anh, với kim ngạch đạt 6,4 tỷ bảng trong năm 2023. Người phát ngôn của Thủ tướng Anh Keir Starmer – ông Dave Pares – gọi quyết định áp thuế toàn cầu của Mỹ là “đáng thất vọng”, đồng thời nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ giữ mọi phương án trên bàn và không ngần ngại hành động vì lợi ích quốc gia.”
Mặc dù vậy, Anh đang nghiêng về giải pháp ôn hòa. Bà Reeves từng ngỏ ý có thể xem xét lại các khoản hỗ trợ cho Tesla nếu căng thẳng thương mại leo thang. Khi được hỏi liệu thuế dịch vụ kỹ thuật số có nằm trong nội dung đàm phán không, bà trả lời: “Thuế là thẩm quyền quốc gia và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại với phía Mỹ.”
Văn phòng Ngân sách Anh (OBR) cảnh báo rằng một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể tác động nghiêm trọng tới khoảng đệm tài khóa hiện tại trị giá 9,9 tỷ bảng.
Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba tuyên bố không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp đáp trả, nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi đầu tư vào Mỹ, tạo việc làm và trả mức lương cao nhất. Chúng tôi là nhà đầu tư lớn nhất tại Mỹ.”
Kể từ khi ông Trump nhậm chức, Nhật Bản đã thể hiện mình là đối tác đầu tư tích cực, với các thương vụ mua khí hóa lỏng trị giá hàng tỷ USD, cùng việc tham gia liên minh bán dẫn Startgate do SoftBank tham gia trị giá 500 tỷ USD.
Ông Ishiba nhấn mạnh: “Không thể đối xử với tất cả các quốc gia theo cùng một cách.” Bộ trưởng Thương mại Nhật cảnh báo thuế mới sẽ ảnh hưởng sâu rộng tới ngành ô tô, nơi đang sử dụng 8,3% lực lượng lao động quốc gia.
Dù chưa công bố biện pháp trả đũa cụ thể, các nhà phân tích dự báo thuế có thể khiến GDP Nhật giảm khoảng 0,1 điểm phần trăm.
Là quốc gia xuất khẩu ô tô lớn thứ ba vào Mỹ (36,6 tỷ USD năm ngoái), Hàn Quốc lựa chọn giải pháp hỗ trợ trong nước thay vì đối đầu. Bộ trưởng Công nghiệp Hàn Quốc Ahn Duk-geun đã triệu tập họp khẩn cấp với các lãnh đạo doanh nghiệp và cam kết công bố các biện pháp khẩn cấp hỗ trợ ngành ô tô vào tháng 4.
Ông cảnh báo rằng mức thuế 25% “sẽ gây ra những khó khăn nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu ô tô sang Mỹ.” Theo ước tính, khoảng 20.000 việc làm tại Hàn Quốc có thể bị ảnh hưởng, trong khi sản lượng ô tô có thể giảm tới 8% so với mức dự kiến năm 2024 – đặc biệt vì thị trường Mỹ chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu ô tô của Hàn Quốc.
Dù Hyundai và Kia đã cam kết đầu tư 21 tỷ USD vào Mỹ, Hàn Quốc vẫn không được miễn trừ khỏi mức thuế mới, khiến cổ phiếu của hai hãng lao dốc. Giới phân tích cho rằng chính phủ Hàn cần tận dụng các cam kết đầu tư này như một đòn bẩy trong đàm phán với Washington.
Thủ tướng Canada Mark Carney chỉ trích mức thuế mới là “cuộc tấn công trực diện” vào người lao động ngành ô tô Canada và là sự “vi phạm trắng trợn” thỏa thuận USMCA. Canada là một trong những nước xuất khẩu ô tô lớn nhất vào Mỹ với kim ngạch 50 tỷ CAD trong năm qua, và sở hữu nhiều nhà máy lớn của GM, Stellantis và Toyota tại Ontario.
Chính phủ Canada đang xem xét tái áp dụng các biện pháp trả đũa đã từng dùng năm 2018 – trị giá tới 95 tỷ CAD. Mặc dù Mỹ có thặng dư nhỏ trong thương mại ô tô với Canada, nhưng chuỗi cung ứng giữa hai nước cực kỳ gắn bó, và thuế mới có thể gây xáo trộn nghiêm trọng.
Xuất khẩu xe từ Canada sang Mỹ đã giảm mạnh – từ 2 triệu chiếc một thập kỷ trước, chỉ còn 1,1 triệu chiếc vào năm ngoái.